Sửng sốt sau câu hỏi đã bao lâu rồi bạn chưa làm việc tốt vì người khác?

Đã bao lâu rồi bạn chưa nấu cho bố mẹ một bữa cơm thịnh soạn, bao lâu rồi bạn quên mất những người anh chị em trong gia đình, họ hàng và quên cả cách làm việc nhỏ giúp những người thân yêu nhất cảm thấy vui lòng hơn?

Đã bao lâu rồi bạn chưa làm việc tốt vì người khác? Câu hỏi này chắc sẽ khiến nhiều người trong số chúng ta phải giật mình. Mỗi người một ngày có 24 tiếng. Trong quãng thời gian ấy, chúng ta dành 8 tiếng để ngủ, 8 tiếng làm việc. Toàn bộ thời gian sinh hoạt cá nhân, quan tâm đến người khác và chăm lo cho bản thân chỉ gói gọn trong 8 tiếng còn lại. 

Đó là tính theo cách lý tưởng còn sự thật, rất nhiều người đang phân chia thời gian không đồng đều như thế. Có người một ngày làm việc hơn 10 tiếng và gần như, không lúc nào dứt ra khỏi công việc. Trong khi đó, một số khác lại dành quá nửa thời gian để ngủ vùi hoặc ăn chơi xa đọa trong những vũ trường mở thâu đêm.

Cuộc sống bận rộn, đều đều trôi qua khiến chúng ta đôi khi quên mất những người thân yêu đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mình, quên cả cách làm việc tốt nhỏ bé góp điều tích cực cho xã hội. Có đôi lúc, chính những người lớn thường ngày ra rả nói về bài học đạo đức lại quên mất cách làm việc tốt không vụ lợi.

Thế nhưng, khi đem câu hỏi này đi hỏi học sinh trong CLB Sách Sống ở 2 trường THCS Quang Minh và Mai Trung (Hiệp Hòa, Bắc Giang), chúng tôi lại nhận được những câu trả lời đầy bất ngờ.

Sửng sốt sau câu hỏi đã bao lâu rồi bạn chưa làm việc tốt vì người khác? - Ảnh 1.

Các bạn học sinh CLB Sách Sống trong một buổi sinh hoạt chung.

Thấu cảm và ngưng phán xét một ai đó khi thấy họ gặp khó khăn

"Lớp em có một bạn nữ rất ham chơi, nghiện game và thường bỏ học, vùi đầu ở quán internet khiến kết quả học tập, hạnh kiểm đều yếu kém. Vì tính cách khác biệt nên bạn ấy cũng tự tách mình ra khỏi mọi người, ít chia sẻ, trò chuyện với bạn bè. Trong nhiều cuộc nói chuyện của tụi em, bạn nữ đó trở thành tiêu điểm bàn tán.

Em cũng từng nghĩ bạn ấy không tốt cho đến lúc ngồi cạnh bạn ấy mới biết là vì hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, ít được bố mẹ quan tâm nên bạn ấy không thiết tha gì việc học".

Ngồi cạnh bạn nữ ấy, dù không cùng chung quan điểm nhưng lâu dần, Nguyễn Thùy Dương (lớp 8, trường THCS Mai Trung) đã học được cách nhìn vấn đề của người khác theo con mắt của họ. 

So với bạn nữ kia, Dương là nữ sinh vừa thông minh, chăm chỉ và học giỏi hơn rất nhiều. Nhưng thay vì chê bai, phán xét, cô bạn chọn cho mình cách chia sẻ và cảm thông với khó khăn mà người khác đang gặp phải.

Sửng sốt sau câu hỏi đã bao lâu rồi bạn chưa làm việc tốt vì người khác? - Ảnh 2.

Thay vì tiếp tục phán xét, Dương đã tìm cách chia sẻ, giúp đỡ bạn mình.

Suốt một thời gian dài, Dương nỗ lực rất nhiều giúp bạn nữ đó học tốt hơn. Cô không chỉ là một người bạn, một gia sư tại nhà lẫn trên lớp mà còn giống như nhà tâm lý học, luôn ở bên, chia sẻ mọi vui buồn, khó khăn với bạn mình. 

Cảm thấy sự giúp đỡ của riêng mình vẫn chưa đủ, trong một buổi họp phụ huynh, chính Dương là người đã tìm gặp phụ huynh của bạn nữ để nói về những khó khăn tâm lý mà cô ấy đang gặp phải. 

Bố mẹ bạn nữ vì quá mải mưu sinh, ít quan tâm đến con cái nên rất sửng sốt khi nghe bạn học cùng lớp chia sẻ về tâm lý bất ổn của con gái. Họ giật mình nhận ra, hóa ra bấy lâu nay, họ không hề hiểu suy nghĩ của con mình mà chỉ biết trách mắng vì sao con mải chơi game, không chăm lo học hành.

Rồi chính Dương cũng khuyên các bạn cùng lớp nên cơi mở hơn với bạn nữ. Sự phối hợp của gia đình, bạn bè, thầy cô giúp bạn ấy tiến bộ rất nhiều trong học tập. Từ chỗ còn nhiều suy nghĩ không đúng về tương lai, phó mặc cho số phận, cô bạn đã trở thành người có nhiều ước mơ, hoài bão.

Mỗi khi nhắc đến bạn ngồi cạnh, Dương lại cảm thấy rất vui vì nghĩ rằng mình đã làm được một việc nhỏ giúp đỡ người khác. Chỉ có điều, chắc em sẽ không bao giờ nghĩ điều gì xa xôi giống như là chính hành động nhỏ của mình đã giúp thay đổi số phận một đời người.

Sửng sốt sau câu hỏi đã bao lâu rồi bạn chưa làm việc tốt vì người khác? - Ảnh 3.

Dương kiên trì với mục tiêu giúp bạn. Cô nỗ lực mọi cách đến khi nào việc giúp đỡ ấy có kết quả tốt đẹp mới cảm thấy yên tâm.

Giống như Dương, bạn Hoa (lớp 7, trường THCS Quang Minh) cũng kèm cặp, giúp một bạn nữ từng bị tai nạn giao thông, học yếu kém vươn lên đạt thành tích tốt.

"Bạn nữ ấy bị tai nạn ảnh hưởng đến dây thanh quản nên rất tự ti, giao tiếp khó khăn và không hòa đồng với các bạn trong lớp, kết quả học tập cũng yếu kém. Một năm đầu khi ngồi cạnh bạn, em cũng không hề để ý nhưng đến khi hiểu bạn hơn, em lại muốn giúp bạn ấy", Hoa kể.

Phải mất tới một năm kiên trì kèm cặp, đôi khi bị trách cứ vì Hoa luôn nhắc nhở bạn mình học bài, cô bé kia mới dần có tiến bộ. Lòng tốt nhiều lúc bị hiểu lầm nhưng một nữ sinh trong sáng như Hoa thường không có quá nhiều mối bận tâm như người lớn.

Cô bé kiên định với mục tiêu giúp bạn mình học giỏi và đã thành công ngoài mong đợi. Bạn nữ ấy không chỉ tự tin, hòa đồng với cả lớp mà còn có kết quả học tập khá ấn tượng.

Sửng sốt sau câu hỏi đã bao lâu rồi bạn chưa làm việc tốt vì người khác? - Ảnh 4.

Dù đôi lúc bị bạn giận dỗi nhưng Hoa vẫn rất quyết tâm với mục tiêu giúp bạn học tập tốt hơn.

Học những điều giản dị, nuôi ước mơ lớn lao từ những cuốn sách quen thuộc

Hai câu chuyện liên quan đến thói quen không phán xét và đi tìm sự thấu cảm khi thấy người khác gặp khó khăn của học sinh trong CLB Sách Sống rất giống với những gì nhà báo Đặng Hoàng Giang từng viết:

"Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm. Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác... là sự hiểu thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét...".

Thấu cảm và ngưng phán xét một ai đó là điều không dễ dàng. Nhưng có lẽ đó là cách nhìn của người lớn còn tụi nhỏ lại thấy thấu cảm thực ra chẳng hề phức tạp và rất dễ thực hiện. Có lẽ chính sự trong sáng, ít vụ lợi hay bởi các em thường có nhiều lòng trắc ẩn nên khi làm việc tốt chẳng bao giờ toan tính thiệt hơn?

Sửng sốt sau câu hỏi đã bao lâu rồi bạn chưa làm việc tốt vì người khác? - Ảnh 5.

Các bạn học sinh trong CLB Sách Sống cùng nhau dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ.

 
 
   
 

Tôi thắc mắc như vậy bởi ngoài những việc tốt cần nhiều thời gian vừa kể, các em học sinh trong CLB Sách Sống mỗi tuần đều dành thời gian làm 3-4 việc tốt giúp mọi người xung quanh. 

Trong kế hoạch làm việc tốt của các em luôn có sự xuất hiện của bố mẹ, người thân trong gia đình, họ hàng. Có nhiều em lên kế hoạch tiết kiệm tiền ăn sáng để mua quà sinh nhật hoặc tổ chức Tết Thiếu nhi (1/6) cho các cháu nhỏ. Những việc nhỏ bé nhưng giàu ý nghĩa tinh thần ấy, các em làm bằng một thái độ rất chân thành, hào hứng.

Ở tuổi 13, 14, các em coi chuyện làm việc tốt như một niềm vui lớn trong cuộc sống hàng ngày. Khi kể về ước mơ sau này, rất nhiều em tha thiết nói về ước mơ phát triển bản thân gắn với sự giúp đỡ mọi người.

     
 
     
 
Sửng sốt sau câu hỏi đã bao lâu rồi bạn chưa làm việc tốt vì người khác? - Ảnh 8.

Bạn Nguyễn Thùy Trang (Chủ nhiệm CLB Sách Sống trường THCS Mai Trung) tâm sự, ước mơ lớn nhất của cô sau này là sẽ giúp trẻ mồ côi, thương binh liệt sĩ cô đơn sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. 

Trong khi đó, bạn Thùy Dương lại muốn phát minh một chiếc máy thông minh, tự động dọn dẹp và phân loại rác thải giúp bảo vệ môi trường, tăng cường tái chế để tiết kiệm nguyên - nhiên liệu cho đất nước.

Những ước mơ lớn lao hay việc tốt nhỏ bé mà các em đang làm hàng ngày thật bất ngờ lại bắt nguồn từ những cuốn sách văn học rất quen thuộc. Việc giúp bạn học giỏi của Thùy Dương được nhen nhóm khi cô bé đọc truyện "Dế mèn phưu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài. 

Uớc mơ giúp đỡ mọi người của Thùy Trang bắt đầu từ những cuốn sách hiện thực phê phán của nhà văn Nam Cao. 

Giống như ai đó đã từng nói, trong cuộc đời mỗi người hầu như đều có một cuốn sách "định mệnh" giúp họ thay đổi suy nghĩ, chiến thắng số phận. Có lẽ nhờ thói quen ham đọc và áp dụng linh hoạt kiến thức trong sách nên các em học sinh trong CLB Sách Sống đã tìm thấy sách hay đổi đời từ khi còn rất nhỏ. 

Mỗi tuần, trung bình mỗi em đều dành thời gian đọc hết một cuốn sách. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là các em đang không chỉ đọc hiểu mà còn nỗ lực vận dụng kiến thức trong sách vở vào cuộc sống hàng ngày. 

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang