Suy nghĩ kỹ là điều tốt, nhưng khi nghĩ quá lên hay phóng đại tiểu tiết, nghĩ nhiều về những thứ chưa xảy ra thì điều này lại không còn tốt nữa. Suy nghĩ quá mức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của một người trong thời gian dài.
Bạn có bao giờ cảm thấy choáng ngợp bởi chính những suy nghĩ của mình không? Bạn có bao giờ cảm thấy mình liên tục suy nghĩ, liên tục phân tích thực tế mọi thứ mình nghĩ ra trong đầu, đặc biệt là những suy nghĩ không mong muốn, tự phát trong đầu mình?
Bạn luôn có những câu hỏi đặt ra trong đầu như: “Điều gì đã khiến tôi có suy nghĩ này”, “Điều đó có ý nghĩa gì?”, “Tôi cần phải kiểm soát tốt hơn tâm trí của mình”. Bạn dành hàng giờ để phân tích những suy nghĩ chợt nảy ra trong đầu, thậm chí bạn cũng phân tích cả những gì mọi người nói với mình.
Vậy thì có thể bạn đã mắc hội chứng overthinking - suy nghĩ quá mức.
Suy nghĩ quá mức là gì?
Overthinking hay suy nghĩ quá mức, có thể trở thành một thói quen khó bỏ. Bạn thậm chí còn thuyết phục chính mình rằng suy nghĩ về điều gì đó trong một khoảng thời gian dài là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Nhưng đó hoàn toàn không phải.
Trên thực tế, bạn càng nghĩ lâu về một điều gì đó, bạn càng có ít thời gian và năng lượng để hành động. Đồng thời, càng suy nghĩ quá nhiều, sự tiêu cực và lo âu có thể sẽ xâm chiếm tâm trí bạn gây ra nhiều cản trở trong cuộc sống như giao tiếp, mối quan hệ, sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần…
Những người suy nghĩ quá nhiều không chỉ nhận thức được về suy nghĩ của mình mà còn dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu nguyên nhân và ý nghĩa của những suy nghĩ đó.
Đôi khi, việc suy nghĩ quá nhiều bị nhầm lẫn với việc suy nghĩ kỹ. Suy nghĩ quá mức là một kiểu suy nghĩ bị sự tiêu cực xâm nhập. Khi chúng ta quá chú ý đến những suy nghĩ, phân tích quá mức ý nghĩa của chúng và cố gắng kiểm soát chúng, chúng ta có thể bị rơi vào sự tiêu cực, lo lắng, lo âu, ám ảnh.
Những dấu hiệu của suy nghĩ quá mức
Nếu bạn đang tự hỏi mình có đang suy nghĩ quá mức hay không, hãy xem xét các câu hỏi sau:
- Bạn có dễ dàng nhận ra mình đang nghĩ gì tại bất cứ thời điểm nào không?
- Bạn có thường xuyên đặt ra câu hỏi tại sao bạn lại có những suy nghĩ này?
- Bạn có thường tìm kiếm tầng ý nghĩa sâu hơn của những suy nghĩ?
- Khi buồn bực, bạn có tập trung vào những gì bạn đang nghĩ không?
- Bạn có nhu cầu mạnh mẽ về việc biết và hiểu cách tâm trí của mình hoạt động?
- Bạn cảm thấy điều quan trọng là phải kiểm soát suy nghĩ của mình?
- Bạn thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát những suy nghĩ?
Nếu câu trả lời của bạn là có chiếm phần lớn trong những câu hỏi trên, thì có thể bạn đang có xu hướng suy nghĩ quá mức.
Tác hại của suy nghĩ quá mức
Nếu bạn suy nghĩ quá nhiều về các vấn đề quan trọng trong cuộc sống, bạn có thể sẽ trở nên do dự, né tránh và trì hoãn. Bạn có thể dành thời gian để suy nghĩ thấu đáo về các mối quan hệ, sự nghiệp, sức khỏe hay các vấn đề liên quan đến bản thân, nhưng khi bạn dành quá nhiều thời gian trong đầu sẽ khiến bạn bỏ lỡ mất nhiều cơ hội, giảm sức sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.
Một phần nữa, suy nghĩ quá mức có thể khiến cho tinh thần chúng ta trở nên kiệt quệ và mắc những nguy cơ rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ hay những vấn đề liên quan đến tâm lý cao hơn người bình thường.
Rất may, suy nghĩ quá nhiều không phải là một căn bệnh mãn tính, nó chỉ là một thói quen tinh thần và chúng ta hoàn toàn có thể thoát ra khỏi thói quen này.
Làm thế nào để ngừng suy nghĩ quá mức?
Nếu bạn nghi ngờ mình đang rơi vào tình trạng suy nghĩ quá mức, có một số gợi ý giúp cho bạn:
1. Đánh lạc hướng bản thân
Thay vì ngồi và suy nghĩ về một vấn đề nào đó trong khoảng thời gian dài như vô tận, hãy phân tâm một chút. Bộ não của bạn có thể tìm ra được những giải pháp tốt hơn trong khi bạn có thể đang làm một công việc khác. Chúng ta thường sẽ nảy ra những ý tưởng hay tìm ra được những cách giải quyết vấn đề trong lúc nấu ăn, làm vườn, dọn dẹp nhà cửa. Hoặc đơn giản nhất là dập tắt những suy nghĩ và đi ngủ. Điều này cũng sẽ giúp bạn có thể nghỉ ngơi một chút.
2. Thách thức những suy nghĩ tiêu cực
Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng suy nghĩ của bạn không phải là sự thật. Mọi suy nghĩ của bạn đều không trung thực, chính xác, thậm chí có phần thiếu thực tế. Hãy điều chỉnh những suy nghĩ theo hướng tích cực và khi cảm thấy mình đang suy nghĩ quá nhiều, hãy tự hỏi xem chúng có thực tế hay không. Bắt đầu có thể hơi khó khăn, nhưng khi bạn học được cách gọi ra những suy nghĩ quá mức của mình thì bạn có thể biết được cách thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực hơn.
3. Thiền
Thiền có thể là một công cụ tuyệt vời để chuyển hướng suy nghĩ của bạn một cách tích cực hơn. Khi bạn thiền, hãy tập trung vào hơi thở. Mục tiêu của việc thiền không phải là để giải tỏa tâm trí, mà là để giúp bạn có được sự tập trung. Các nhà tâm lý học cho rằng 10 phút thiền định có thể là một cách hiệu quả để ngăn chặn những suy nghĩ hay những cảm xúc tiêu cực xâm nhập.
4. Thực hành chấp nhận
Suy nghĩ quá mức thường bắt nguồn từ việc bạn luôn chú tâm vào những sai lầm trong quá khứ hay lo lắng về những điều mà bạn không thể thay đổi. Thay vì trách móc bản thân vì những điều bạn có thể hối tiếc, hãy cố gắng chấp nhận và từ bi hơn với bản thân.
Lời kết
Suy nghĩ quá nhiều có thể có hại cho sức khỏe cảm xúc của chúng ta, đặc biệt là khi nó hướng vào những suy nghĩ, hình ảnh hoặc ký ức không mong muốn, tự phát, tiêu cực. May mắn thay, chúng ta có thể học cách kiềm chế lối suy nghĩ vô ích này thông qua nhận thức về bản thân nhiều hơn và thực hành thả lỏng tinh thần.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.