Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng, cuộc sống hôn nhân hạnh phúc sẽ bảo vệ mình khỏi những biến cố. Hay nói cách khác, ngoại tình chỉ xuất hiện khi mối quan hệ có vấn đề.
Song trên thực tế, Moshe Ratson - một nhà trị liệu tâm lý đã chỉ ra rằng, các khách hàng của ông thú nhận "không kiểm soát được ham muốn của mình" do bản thân họ không cưỡng lại được chứ không liên quan đến các yếu tố khách quan.
Từ đó, các chuyên gia chỉ ra 6 nguyên nhân tiềm ẩn khiến một người đang trong mối quan hệ hạnh phúc vẫn có thể ngoại tình:
1. Khả năng kiểm soát kém
Kiểm soát xung lực là khả năng chống lại những thôi thúc và cám dỗ đột ngột. Một số người có khả năng này tốt hơn những người khác.
Ví dụ, một người từng tham gia vào các cuộc ẩu đả ở quán bar hoặc uống nhiều rượu để đối phó với khó khăn về cảm xúc có thể ngừng hành vi đó khi già đi, ổn định trong mối quan hệ hoặc có con. Tuy nhiên, họ tiếp tục tìm kiếm một số loại cảm giác mạnh và thoát khỏi những căng thẳng phải đối mặt ở nhà, khiến họ hành động bốc đồng và gian dối.
2. Cô đơn
Đôi khi, sự vắng mặt thường xuyên của đối tác có thể là động lực thúc đẩy việc ngoại tình.
"Nếu đối tác của một cá nhân đi xa nhiều, họ dễ cảm thấy cô đơn", Rachel Goldberg, chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình ở Los Angeles, Mỹ, cho biết.
Dù họ ý định dành cả đời cho bạn đời và hiểu chuyến đi chỉ tạm thời nhưng vẫn bắt đầu mở lòng với người ngoài để lấp đầy khoảng trống. Điều này có thể do chủ đích hoặc tình cờ khi có cơ hội.
Trong những trường hợp này, sự lừa dối thường bắt đầu từ vấn đề tình cảm hơn là thể xác.
3. Thiếu sự thân mật hoặc kết nối tình cảm
Ngay cả trong một mối quan hệ nói chung là hạnh phúc, vẫn có những giai đoạn mà hai người trở nên xa cách về mặt tình cảm hoặc thiếu sự gần gũi về thể xác/ tình dục .
Trong trường hợp này, ngoại tình là cách để họ tìm kiếm điều gì đó mới mẻ và thú vị, khi mối quan hệ của họ và bạn đã trở nên nhàm chán, thiếu sự bất ngờ...
Cảm giác mất kết nối với đối phương của một người xảy ra vì nhiều lý do. Đó có thể là do thiếu sự giao tiếp thích hợp trong mối quan hệ. Hoặc cuộc sống có thể bị chi phối bởi công việc, chăm sóc con cái... vì vậy thời gian bên nhau thay vì là sự yêu thương thì chỉ còn lại trách nhiệm.
4. Thiếu lòng tự trọng
Nhà tâm lý học lâm sàng Monica Vermani (ở Toronto, Canada) cho biết lòng tự trọng thấp khiến một người có cảm giác trống rỗng, xa cách, xấu hổ, tội lỗi và thấy mình vô giá trị. Vì vậy, họ tìm kiếm sự chú ý, tình cảm và sự xác nhận từ bên ngoài để tăng cảm giác tự tôn.
Ngay cả trong mối quan hệ yêu thương, hạnh phúc, một người có thể thấy không hấp dẫn hoặc gặp vấn đề về hình ảnh cơ thể.
Dù bạn đời trấn an rằng họ hấp dẫn, đáng yêu, thì được một người mới tán tỉnh, tiếp cận sẽ vẫn giúp củng cố niềm tin tạm thời hơn.
5. Đang tìm kiếm một liều dopamine
Nghiên cứu đăng trên thư viện Y khoa Mỹ, tháng 2/2019 cho thấy những trải nghiệm mới sẽ kích thích giải phóng dopamine, một chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu trong não. Trong khi quan hệ tình dục với một người mới có thể mang lại cảm giác dễ chịu.
"Tôi nhớ có những khách hàng rất yêu vợ/chồng mình nhưng lại ngoại tình chỉ vì cảm giác mới lạ'', Kristie Tse, một cố vấn sức khỏe tâm thần, sáng lập dịch vụ trị liệu Uncover Mental Health Counseling, nói.
Những người này không hề đau khổ hay tìm cách thoát khỏi cuộc hôn nhân. Ngay cả trong một mối quan hệ viên mãn, họ vẫn thèm khát sự phấn khích của những trải nghiệm mới.
Vì lý do này, quan trọng với các đôi trong mối quan hệ lâu dài là tiếp tục tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ cùng nhau để chống lại sự nhàm chán.
6. Có nhu cầu tình dục không phù hợp với bạn tình của mình
Ham muốn tình dục có thể khác nhau tùy từng người và cũng có thể dao động theo thời gian. Đôi khi một cặp đôi có ham muốn tình dục không phù hợp. Người có ham muốn tình dục cao hơn sẽ tìm cách thỏa mãn nhu cầu bên ngoài mối quan hệ.
Tất nhiên, điều đó không làm việc ngoại tình trở nên hợp lý. Nhưng nếu ai đó liên tục cảm thấy không được thỏa mãn trong đời sống tình dục, họ có thể dễ phạm sai lầm và gần gũi với người khác.
Đây là lý do tại sao trò chuyện thường xuyên, cởi mở và trung thực về nhu cầu và mong muốn rất quan trọng. Bạn càng giao tiếp nhiều, càng có nhiều khả năng tìm được tiếng nói chung.
Tầm quan trọng của việc hiểu bản thân
Hiểu bản thân và đặt câu hỏi về suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của bạn trước khi ngoại tình có thể giúp bạn giải quyết những vấn đề như vậy. Nó cũng có thể ngăn chặn việc ngoại tình xảy ra ngay từ đầu. Để làm rõ bản thân, hãy tự hỏi mình những câu hỏi như:
- Bạn có gặp khó khăn trong việc gần gũi không?
- Bạn có đang cố gắng tránh né hoặc kìm nén những ham muốn, suy nghĩ hoặc nhu cầu của mình không?
- Bạn có ngại chia sẻ nỗi buồn hoặc mong muốn của mình với vợ/chồng không?
- Bạn có cảm thấy mình đang đánh mất chính mình hoặc đang bối rối và hoang mang không?
- Bạn có bị thu hút bởi ý tưởng về việc ngoại tình không?
- Nếu bạn đang nghĩ đến chuyện ngoại tình, vì sao lại vậy? Động cơ của bạn khi muốn ngoại tình là gì? Điều đó có ý nghĩa gì với bạn?
Nhìn chung, dù nguyên nhân là gì, bạn hãy cố gắng suy ngẫm và tìm câu trả lời càng sớm càng tốt trước khi nó gây ra nhiều tổn thương hơn. Đây cũng là điều tốt nhất cho bạn và bất kỳ ai khác trong cuộc sống của bạn. Bạn có thể cân nhắc đến việc viết nhật ký hoặc trị liệu. Hy vọng rằng, những điều này cũng sẽ giúp bạn chữa lành và phát triển để trở thành một người bạn đời tốt hơn.
Theo Psychologytoday
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.