Tầm quan trọng của nội quy và kỷ luật với trẻ

(lamchame.vn) - Nội quy không chỉ là việc đưa ra hậu quả khi trẻ không tuân thủ.

Tầm quan trọng của nội quy và kỷ luật với trẻ - Ảnh 1.

Phụ huynh phải giải thích lý do cơ bản của các quy tắc.

Thay vào đó, nội quy bảo đảm trẻ em đạt được những kỹ năng cần thiết để trở thành người có trách nhiệm khi trưởng thành.

Có nhiều hình thức kỷ luật và cách tiếp cận khác nhau trong việc nuôi dạy con. Song, cuối cùng, bất kể cha mẹ áp dụng hình thức kỷ luật nào, thì nội quy đều mang lại cho trẻ nhiều lợi ích.

Giúp trẻ kiểm soát sự lo lắng

Thông thường, trẻ em không muốn chịu trách nhiệm. Khi người lớn đưa ra những hậu quả tích cực và tiêu cực, trẻ sẽ dần trưởng thành hơn và học hỏi.

Những đứa trẻ có cha mẹ quá dễ dàng thường cảm thấy lo lắng vì phải đưa ra các quyết định. Bởi, việc thiếu sự hướng dẫn từ người lớn có thể khiến trẻ em lo lắng.

Khuyến khích những lựa chọn tốt

Kỷ luật phù hợp sẽ dạy trẻ cách đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Ví dụ, khi mất đặc quyền đạp xe vì đi vào lòng đường, một đứa trẻ sẽ học cách đưa ra những lựa chọn an toàn hơn vào lần sau.

Nội quy cũng như kỷ luật lành mạnh dạy cho trẻ những cách khác nhau để đáp ứng nhu cầu của chúng. Trẻ em cần học các kỹ năng giải quyết vấn đề và tự điều chỉnh.

Điều quan trọng là phải phân biệt giữa hậu quả và hình phạt. Khi trẻ bị kỷ luật với những hình phạt phù hợp, chúng sẽ học được từ sai lầm của mình. Tuy nhiên, hình phạt có xu hướng giúp trẻ nhanh chóng học cách không bị phát hiện khi cư xử không đúng mực.

Quản lý cảm xúc

Khi bị kỷ luật do đánh em trai mình, một đứa trẻ sẽ học được những kỹ năng giúp kiểm soát cơn giận tốt hơn trong tương lai. Mục tiêu của nội quy và kỷ luật là dạy trẻ tránh xa tình huống có thể gây rắc rối.

Các chiến lược kỷ luật khác như khen ngợi cũng có thể dạy trẻ cách đối phó với cảm xúc. Khi cha mẹ nói: “Con đang làm việc rất chăm chỉ để xây dựng tòa tháp đó mặc dù điều ấy thực sự khó thực hiện. Hãy tiếp tục làm tốt nhé”, trẻ sẽ học được về tầm quan trọng của việc chấp nhận sự thất vọng.

Bỏ qua những hành vi sai trái nhẹ cũng có thể dạy trẻ biết quản lý sự thất vọng một cách phù hợp. Nếu cha mẹ từ chối nhượng bộ cơn giận dữ, trẻ sẽ học được rằng, đó không phải là cách tốt để đáp ứng nhu cầu của bé. Khi cha mẹ phớt lờ lời phàn nàn, trẻ sẽ biết rằng, than vãn không giúp cha mẹ thay đổi quyết định.

Tầm quan trọng của nội quy và kỷ luật với trẻ - Ảnh 2.

Kỷ luật là dạy trẻ cách đưa ra lựa chọn tốt hơn vào lần sau.

Kỷ luật giúp trẻ em được an toàn

Mục tiêu cuối cùng của nội quy và kỷ luật là giữ an toàn cho trẻ em. Điều này bao gồm các vấn đề lớn về an toàn, như quan sát cả hai phía trước khi băng qua đường. Khi không thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn thích hợp, trẻ sẽ phải đối mặt với hậu quả.

Nội quy cũng cần bao gồm việc ngăn ngừa các nguy cơ sức khỏe khác, chẳng hạn như béo phì ở trẻ. Nếu cha mẹ để con ăn bất cứ thứ gì trẻ muốn, chúng có thể gặp phải những nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe. Điều quan trọng là phụ huynh phải giải thích lý do cơ bản của các quy tắc. Từ đó, giúp trẻ hiểu được các vấn đề về an toàn.

Thay vì nói “Hãy dừng lại” khi trẻ nhảy trên giường, cha mẹ cần nói cho con biết lý do tại sao hành động đó lại là vấn đề. Hãy nói: “Con có thể bị ngã và đập đầu xuống đất. Điều đó không an toàn”.

Khi trẻ biết lý do cha mẹ đưa ra các quy tắc và hiểu rủi ro cụ thể, chúng sẽ có nhiều khả năng tuân thủ ngay cả khi phụ huynh không có mặt ở đó.

Khi nói đến việc sửa chữa hành vi sai trái của trẻ, có sự khác biệt lớn giữa hình phạt và kỷ luật. Hình phạt tập trung vào việc khiến một đứa trẻ phải chịu đựng vì vi phạm các quy tắc. Trong khi đó, kỷ luật là dạy trẻ cách đưa ra lựa chọn tốt hơn vào lần sau.

Trừng phạt - cách kiểm soát trẻ

Hình phạt yêu cầu một đứa trẻ “trả giá” cho lỗi lầm của mình. Đôi khi, mong muốn trừng phạt bắt nguồn từ cảm giác thất vọng của cha mẹ. Trong những trường hợp khác, hình phạt cho trẻ bắt nguồn từ sự tuyệt vọng của phụ huynh.

Cha mẹ có thể cảm thấy buộc phải la hét, đánh đòn hoặc tước bỏ mọi đặc quyền mà đứa trẻ từng có. Qua đó, nhằm nỗ lực gửi một thông điệp rõ ràng rằng, tốt hơn là trẻ là nên thay đổi hành vi.

Song, theo các chuyên gia, trừng phạt là để kiểm soát trẻ. Trừng phạt không phải dạy trẻ cách kiểm soát bản thân. Thông thường, hình phạt sẽ thay đổi cách trẻ nghĩ về bản thân. Một đứa trẻ phải chịu đựng hình phạt nặng nề có thể bắt đầu nghĩ: “Mình tệ quá”.

Thay vì nghĩ rằng, mình đã có một lựa chọn sai lầm, trẻ có thể tin rằng, bản thân là người xấu. Những cha mẹ độc đoán thường trừng phạt trẻ. Hình phạt, giống như đánh đòn, nhằm mục đích gây ra đau đớn về thể xác. Các ví dụ khác về hình phạt có thể bao gồm việc ép một thiếu niên cầm tấm biển có nội dung “Tôi ăn trộm ở cửa hàng” hoặc bêu tên trẻ.

Vấn đề với hình phạt

Hình phạt không dạy trẻ cách cư xử. Đứa trẻ bị đánh đòn vì gây gổ với anh trai sẽ không học được cách giải quyết xung đột một cách hòa bình. Thay vào đó, trẻ sẽ cảm thấy bối rối về việc tại sao cha mẹ có thể đánh con, nhưng con lại không được phép đánh người khác.

Hình phạt cũng dạy cho trẻ rằng, chúng không thể kiểm soát được bản thân. Khi đó, trẻ học được rằng, cha mẹ phải quản lý hành vi của con. Bởi, trẻ không thể tự mình làm được điều đó.

Hình phạt khắc nghiệt có thể khiến trẻ tập trung vào sự tức giận đối với người gây ra nỗi đau, hơn là lý do khiến chúng gặp rắc rối. Vì vậy, thay vì ngồi và suy nghĩ xem lần sau mình có thể làm tốt hơn như thế nào, một đứa trẻ có thể dành thời gian để suy nghĩ cách trả thù người chăm sóc đã phạt chúng.

Tầm quan trọng của nội quy và kỷ luật với trẻ - Ảnh 3.

Cha mẹ cần tương tác với con mình bằng tình yêu và sự tôn trọng.

Dạy trẻ kỹ năng mới

Trái lại, kỷ luật dạy cho trẻ những kỹ năng mới, như cách quản lý hành vi, giải quyết vấn đề và đối phó với hàng loạt cảm xúc khó chịu. Kỷ luật giúp trẻ học hỏi từ những sai lầm của mình. Đồng thời, dạy chúng những cách phù hợp về mặt xã hội để đối phó với các cảm xúc như tức giận và thất vọng.

Các kỹ thuật kỷ luật bao gồm những chiến lược như yêu cầu trẻ tạm dừng hành động nào đó, hoặc tước bỏ một số đặc quyền.

Mục đích của kỷ luật là đưa ra cho trẻ một hậu quả tiêu cực rõ ràng. Từ đó, giúp trẻ đưa ra quyết định tốt hơn trong tương lai. Kỷ luật lành mạnh liên quan đến việc đưa ra cho trẻ những quy tắc rõ ràng và những hậu quả tiêu cực nhất quán khi chúng vi phạm các quy tắc.

Trong khi hình phạt có thể liên quan đến việc cha mẹ loại bỏ tất cả các thiết bị điện tử vô thời hạn của trẻ, thì kỷ luật có thể liên quan đến việc phụ huynh yêu cầu trẻ không xem tivi trong 24 giờ nếu con không chịu tắt thiết bị này.

Lợi ích của kỷ luật

Kỷ luật mang tính chủ động hơn là phản ứng. Kỷ luật ngăn ngừa nhiều vấn đề về hành vi. Đồng thời, đảm bảo trẻ tích cực học hỏi từ những sai lầm của mình. Nhiều kỹ thuật kỷ luật liên quan đến các phương pháp tích cực, như khen ngợi và khen thưởng. Sự củng cố tích cực khuyến khích hành vi tốt ở trẻ. Đồng thời, mang lại cho trẻ những động cơ rõ ràng để tuân theo các quy tắc.

Kỷ luật cũng thúc đẩy mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con. Mối quan hệ tích cực đó làm giảm hành vi tìm kiếm sự chú ý và thúc đẩy trẻ cư xử đúng mực.

Mặc dù kỷ luật cho phép mức độ cảm giác tội lỗi phù hợp, nhưng không khiến trẻ xấu hổ. Đó là điều quan trọng. Một đứa trẻ cảm thấy hài lòng về bản thân sẽ ít có khả năng đưa ra những lựa chọn sai lầm. Thay vào đó, trẻ sẽ tự tin vào khả năng quản lý hành vi của mình.

Sự khác biệt giữa hình phạt và kỷ luật có thể là một khái niệm mới đối với một số phụ huynh. Những người trưởng thành này có thể đã trải qua nhiều hình thức trừng phạt khác nhau và tự nhiên cảm thấy bị thu hút bởi kiểu nuôi dạy con như vậy. Bởi, họ từng trải qua trong thời thơ ấu và coi đó là điều bình thường.

Một số phụ huynh khác từng có trải nghiệm này có thể muốn nuôi dạy con theo một cách hoàn toàn khác. Song, họ vẫn chưa biết cách biến điều này thành hiện thực.

Các chuyên gia nhận định, việc cảm thấy bối rối và thất vọng khi nói đến việc nuôi dạy con là điều bình thường. Do đó, các phụ huynh cần dành thời gian, đọc nhiều quan điểm khác nhau về kỷ luật. Sau đó, đưa ra phương pháp nuôi dạy con phù hợp với gia đình. Điều quan trọng là cha mẹ cần tương tác với con mình bằng tình yêu và sự tôn trọng.

Theo Very well family

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang