Tâm sự đầy nước mắt của nữ biên tập viên có chồng nhiễm Covid-19: Gồng mình chiến đấu từng phút, chung một mái nhà nhưng bị cô lập, hoảng loạn và bất định

Giờ đây, tôi đang phải sống trong một thế giới đầy hoang mang, sợ hãi mà tôi đã lên kế hoạch với bác sĩ, sẵn sàng tình huống đưa chồng đến phòng cấp cứu; một thế giới mà tôi sợ rằng chúng tôi sẽ không có đủ những thứ để điều trị cơn sốt cao và mồ hôi ướt đẫm. Rồi cơn đau nhức dữ dội sẽ quật ngã chồng tôi bất cứ lúc nào...'.

"Anh đang làm gì vậy, anh yêu?", tôi nói chuyện qua điện thoại với chồng tôi từ sàn phòng khách, nơi tôi ngủ mỗi đêm trên một chiếc đệm ngủ bằng xốp mà con gái tôi dùng trong các chuyến đi cắm trại, trên đầu có một vài chiếc chăn mỏng. Thật khó để ngủ trên sàn nhà như thế này, nhưng nó còn hơn chiếc ghế sofa dài mà tôi đã phải đánh vật để ngủ vài đêm trước.

"Anh cần giúp đỡ nhưng anh ngại đánh thức em dậy", giọng chồng tôi khàn khàn. Anh ấy run rẩy bên trong hai lớp áo len mà anh khăng khăng đòi mặc vì lạnh. Tôi đã quên để mấy viên thuốc Adil vào chiếc đĩa nhựa đặt trong phòng tắm ở phòng ngủ, căn phòng giờ đây là của riêng chồng tôi. Tôi không dám để lọ thuốc Adil để ở trong đó, nó phải được đảm bảo không có con virus nào bám vào để mỗi ngày tôi đổ vài viên ra chiếc đĩa nhựa cho anh ấy uống.

Bất kể thứ gì chồng tôi, anh T, từng chạm vào phải được giữ nguyên trong phòng ngủ hoặc tôi phải cẩn thận mang tới phòng bếp. CK, cô con gái 16 tuổi của chúng tôi, sẽ mở máy rửa chén và kéo ra giá đỡ để tôi không phải chạm vào bất cứ thứ gì. Tiếp đó con bé bật vòi nước cho tôi rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng.

Tâm sự đầy nước mắt của nữ biên tập viên có chồng nhiễm Covid-19: Gồng mình chiến đấu từng phút, chung một mái nhà nhưng bị cô lập, hoảng loạn và bất định - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chồng tôi, một người đàn ông 56 tuổi cao lớn, mạnh mẽ, thường xuyên đạp xe tới 5 tiếng đồng hồ từ khu phố Brooklyn của chúng tôi đến vịnh Jamaica ở Queens. Vậy mà giờ đây anh ấy phải "chôn chân" trong căn phòng đó. Anh nằm ngửa, nhìn lên trần nhà, hoặc cuộn tròn trong chăn. Anh đã mặc bộ đồ ngủ đó suốt nhiều ngày vì quá khó để thay một bộ khác. Đôi chân anh ấy run lẩy bẩy không đủ sức để đứng được lâu hoặc không thể rời khỏi chiếc chăn vì lạnh.

Đã 12 ngày kể từ khi chồng tôi thức dậy vào giữa đêm ngày 12 tháng 3 với cảm giác ớn lạnh. Ngày hôm sau, khi các phương tiện truyền thông đưa tin dồn dập về việc Covid-19 đã lây lan ở Mỹ, thì chồng tôi nghĩ rằng anh cảm thấy đỡ hơn rồi. Nhưng nhanh chóng sau đó cơn ớn lạnh đã quay trở lại, cùng với cơn đau và sốt tới 38 độ.

Kể từ đó, chồng tôi phải tự cách ly một mình trong phòng ngủ của chúng tôi ở phía trước căn hộ, nơi anh cảm thấy khó chịu khi phải nghe những chiếc xe tải chạy trên con đường ngay bên ngoài và tiếng nổ dài từ những con tàu ở cảng New York cách đó vài dãy nhà.

Tâm sự đầy nước mắt của nữ biên tập viên có chồng nhiễm Covid-19: Gồng mình chiến đấu từng phút, chung một mái nhà nhưng bị cô lập, hoảng loạn và bất định - Ảnh 2.

Jessica Lustig đang cùng chồng chiến đấu với Covid-19.

Anh ấy chỉ chui ra khỏi chăn những lúc cần đi vệ sinh. Cánh cửa phòng ngủ vẫn đóng chặt để tránh con mèo lẻn vào. Tờ hướng dẫn "Phải làm gì nếu bạn nhiễm Covid-19?", mà chồng tôi được đưa tại phòng khám 2 ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện, có nêu rõ: "Hãy tách mình ra khỏi mọi người và cả động vật trong nhà của bạn". Lúc đó anh ấy đã sốt tới 38,6 độ C. Xét nghiệm cúm cho kết quả âm tính nhưng vì có tiền sử hen suyễn nặng, căn bệnh khiến anh phải cấp cứu vài tháng trước đó, nên chồng tôi được tiếp tục làm xét nghiệm Covid-19.

Giờ đây, tôi đang phải sống trong một thế giới đầy hoang mang, sợ hãi mà tôi đã lên kế hoạch với bác sĩ, sẵn sàng tình huống đưa chồng đến phòng cấp cứu; một thế giới mà tôi đột nhiên sợ rằng chúng tôi sẽ không có đủ vài thứ để điều trị cơn sốt dữ dội và mồ hôi ướt đẫm. Rồi cơn đau nhức dữ dội sẽ quật ngã chồng tôi bất cứ lúc nào...

Advil và Tylenol là 2 thứ thuốc mà bác sĩ khuyên chồng tôi dùng nhưng chúng đã quá khan hiếm đến mức tôi phải lùng sục nhiều nơi nhưng câu trả lời nhận được đều là "hết".

Cuộc sống của chúng tôi giờ đối mặt với những vấn đề mới như xét nghiệm, cách ly, thiếu thuốc và diễn tiến của bệnh. Một người bạn của tôi đã phải đi khắp các cửa hàng mới kiếm được vài gói thuốc Tylenol. Một người bạn khác mua hộ lọ thuốc khác ở một cửa hàng dược phẩm xa hơn. Đối với tôi, những thứ này giờ còn quý hơn vàng vì nó là cứu tinh giúp chồng tôi vượt qua những cơn sốt mỗi đêm.

3 ngày sau đó, bác sĩ gọi điện đến thông báo chồng tôi đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Anh ấy đang nằm đọc bài báo về số lượng người nhiễm đã tăng đột biến tại bang New York. Anh ấy đọc cả những câu chuyện về những người phải nhập viện, những người phải dùng đến máy trợ thở, những người chết - đó đều là những người mang trong mình con virus đang tấn công anh ấy từ bên trong cơ thể.

Tâm sự đầy nước mắt của nữ biên tập viên có chồng nhiễm Covid-19: Gồng mình chiến đấu từng phút, chung một mái nhà nhưng bị cô lập, hoảng loạn và bất định - Ảnh 3.

New York hoang vắng chưa từng thấy giữa đại dịch Covid-19.

Thời gian đầu khi chồng tôi phải nằm bẹp trong phòng ngủ, tôi và con gái còn rảnh dang xem phim "Chernobyl" trên HBO, nhưng 2 mẹ con phải dừng lại ở tập thứ 3. Giờ đây, tôi có quá nhiều thứ phải lo chu toàn. Tôi phải chuẩn bị bữa tối cho chồng, một bát súp nhỏ để T cầm cự khỏi chứng buồn nôn nghiêm trọng. Tôi phải đo thân nhiệt, theo dõi nồng độ oxy trong máu, pha trà, pha thuốc cho chồng. Tôi phải liên tục rửa tay, nhắn tin cho bác sĩ khi thấy tình trạng của anh ấy xấu đi, ở cạnh chồng trong khi anh ấy ho sặc sụa trong chăn và xoa đầu gối cho anh qua lớp chăn.

"Em không nên ở đây. Nó có thể giết chết em đấy", chồng tôi nói, nhưng tôi biết anh anh ấy càng sợ hãi hơn khi màn đêm buông xuống, anh sợ những cơn sốt kéo dài và ướt đẫm mồ hôi, anh run rẩy và vật vã với cơn đau đớn khủng khiếp.

Trường cấp 3 của con gái tôi đã đóng cửa từ hôm 13/3 và giờ chuẩn bị bắt đầu chương trình dạy học từ xa, giống với hầu hết các trường công lập ở thành phố New York. Trong nhiều ngày, con bé và các bạn cùng lớp đã nhận được hướng dẫn của giáo viên và quản lý nhà trường, cùng những lời nhắc nhở lặp đi lặp lại: "Các em phải học tập chăm chỉ bởi đây không phải kỳ nghỉ". Còn tôi thì có trách nhiệm gửi email cho hiệu trưởng, người hướng dẫn và giáo viên của CK để báo cáo tình hình học tập của con bé ở nhà. 

Tôi phải nhắn tin cho bác sĩ, nhắn tin cho 5 anh chị em của chồng trong nhóm chat, nhắn tin cho bố mẹ và anh trai tôi, nhắn tin cho đối tác kinh doanh và nhân viên của chồng tôi và những người bạn thân nhất của chúng tôi. Tất cả cứ quanh quẩn với biểu tượng trái tim và biểu tượng cảm xúc cầu nguyện, rồi biết ơn.

Chồng tôi đã quá kiệt sức, quá yếu đuối, không cầm nổi chiếc điện thoại nhắn tin trả lời tất cả những tin nhắn dồn dập đến. Chồng tôi nhờ tôi mặc chiếc áo len màu xám mà bố anh thường mặc khi còn sống. Tôi biết anh ấy sẽ không cởi nó ra.

Những ngày qua, CK từ một cô bé mơ mộng giờ đã trở thành trợ lý đắc lực của tôi trong việc điều dưỡng, dọn phòng, nấu nướng, cho mèo ăn và dọn dẹp thùng rác, gấp quần áo, chuẩn bị bữa ăn nhỏ, rửa bát... Hai mẹ con phối hợp nhịp nhàng, đặc biệt là trong công đoạn tôi mang bát đũa từ phòng của chồng ra để rửa.

Tôi phải cố gắng hết sức để giữ an toàn cho cả nhà. Tôi lau tay nắm cửa, công tắc đèn, vòi nước... bằng chất khử trùng. Tôi lau điện thoại bằng cồn. Tôi giặt tất cả khăn của chúng tôi, giặt đi giặt lại. Khi CK muốn tắm, tôi lau rửa toàn bộ phòng tắm chính - nơi chồng tôi làm tràn cốc nước của anh ấy, nơi anh ấy bị tiêu chảy, nơi anh ấy ho và phun ra đờm - bằng thuốc tẩy rồi thay toàn bộ khăn của chồng tôi. 

Tôi nhắc nhở con gái CK cố gắng không chạm vào bất cứ thứ gì, tắm xong phải quay trở lại phòng con bé ngay. Sau đó tôi cũng làm như vậy. Nếu chồng tôi cần sử dụng phòng tắm trước khi chúng tôi sẵn sàng tắm, tôi sẽ phải cọ rửa sạch sẽ trước khi 2 mẹ con vào tắm. 

Tuần đầu tiên chồng tôi bị ốm, tôi giúp chồng tắm bằng muối epsom 2 lần. Nhưng kể từ đó, tôi không thể tiếp tục làm vậy bởi chồng tôi giờ quá yếu. Mỗi lần đi tới phòng tắm, anh ấy đều phải dựa lần vào tường. Anh ấy chỉ đủ sức vã nước lên mặt rồi quay về phòng ngủ.

Tôi cũng phải tính đến những trường hợp có thể xảy ra. Tôi không quá lo nếu CK bị ốm bởi tôi có thể chăm sóc cho con. Hoặc nếu chính tôi bị ốm, tôi vẫn có thể hướng dẫn nhiều thứ cho con. Nhưng điều tôi lo lắng là chồng tôi hoặc tôi phải nhập viện. Một đứa trẻ 16 tuổi có thể tự bảo vệ mình ở nhà không? Con bé có thể tự làm những thứ mình cần không? Và con bé có thể duy trì trong bao lâu?

Tôi biết mình không thể gửi con bé tới chỗ bố mẹ tôi, những người đã gần 80 tuổi, ở Long Island. Họ muốn con bé tới nhưng con bé có thể sẽ gây nguy hiểm cho họ nếu ôm hôn ông bà trong khi có thể đã nhiễm virus. Không có ai khác có thể chăm sóc con bé, hoặc có phòng ngủ và phòng tắm riêng để con bé có thể tự cách ly và được chăm sóc.

Đêm luôn là khoảng thời gian khó khăn nhất khi nỗi sợ hãi kéo đến. Chồng tôi lên cơn sốt, anh ấy nằm ngửa, mê man, rên rỉ về chuyện về chuyện Anomie và có lúc còn gọi CK bằng tên của bạn gái cũ 20 năm trước. Đã ba lần tôi phải đứng trước quyết định liệu có phải đưa chồng tôi vào viện cấp cứu khi trao đổi với bác sĩ qua điện thoại. Tôi bật khóc nức nở trong nhà tắm và nói lớn "Em sợ mình có quyết định sai lầm". Cả ba lần đó chúng tôi vẫn quyết định ở nhà, bởi chồng tôi không bị khó thở nên chưa cần nhập viện. 

1 trong 3 đêm đó, chúng tôi gọi video với một bác sĩ phòng cấp cứu của Đại học New York, một trong số 250 người đã được huy động để thực hiện các cuộc gọi video chăm sóc khẩn cấp với các bệnh nhân có triệu chứng giống như chồng tôi. Cô ấy nói với chúng tôi rằng căn bệnh này có thể kéo dài 2 đến 3 tuần. Cô ấy nói với chúng tôi rằng chồng tôi vẫn ổn và có thể ở nhà nếu độ bão hòa oxy của anh ấy không quá thấp và anh ấy không khó thở.

Tâm sự đầy nước mắt của nữ biên tập viên có chồng nhiễm Covid-19: Gồng mình chiến đấu từng phút, chung một mái nhà nhưng bị cô lập, hoảng loạn và bất định - Ảnh 4.
 

Khi tôi mở cửa phòng và thấy anh ấy đã ngủ, tôi rón rén bước đến gần để kiểm và đảm bảo rằng chồng tôi còn sống và đang thở bình thường, giống như điều tôi từng làm khi CK còn là một đứa trẻ sơ sinh ngủ trong cũi.

Vào một trong những đêm tồi tệ nhất, tôi phải ở bên cạnh giường, cố gắng xoa người chồng tôi qua lớp chăn và hát ru để anh cảm thấy dễ chịu hơn.

Giây phút tôi quyết định đưa chồng tôi tới phòng khám là khi cả ngày hôm trước anh bị đau đầu, buồn nôn, không ăn được, ho nhiều hơn và phải sử dụng thuốc hít hen suyễn nhiều hơn, sau đó lại tiếp tục ho. Người anh ướt đẫm mồ hôi vào buổi sáng nhưng đến tối thì lại lạnh run và phải cuộn tròn trong chăn. "Anh vừa ho ra máu", anh khẽ nói với tôi.

Trước đó, tôi đã gọi điện nói chuyện với bác sĩ của chồng tôi. Ông ấy nói rằng nhiều bệnh nhân sẽ cảm thấy khỏe dần lên sau một tuần nhưng một số ca bệnh nghiêm trọng thì tình hình ngày càng tồi tệ hơn và rủi ro sẽ tăng cao khi virus tấn công vào phổi. Viêm phổi là giai đoạn tiếp theo của quá trình virus tấn công. Chúng tôi đã đọc được điều đó ở những bệnh nhân buộc phải nhập viện.

Tâm sự đầy nước mắt của nữ biên tập viên có chồng nhiễm Covid-19: Gồng mình chiến đấu từng phút, chung một mái nhà nhưng bị cô lập, hoảng loạn và bất định - Ảnh 5.

Ảnh minh họa.

Bác sĩ khuyên tôi đưa chồng tới phòng khám chụp X-quang lồng ngực vào sáng hôm đó. Chúng tôi đi bộ qua 3 khu phố, chồng tôi vẫn liên tục ho sau lớp khẩu trang bịt kín trên mặt. Tôi để ý thấy đường phố đã vắng vẻ hơn trước, chính xác là trước thời điểm Thống đốc bang New York Andrew Cuomo kêu gọi mọi người nên ở nhà nhiều hơn. Một số ít đeo khẩu trang nhưng họ vẫn đi lại bình thường, họ đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân, chứ không như chúng tôi, đang phải gồng mình chống lại con virus đó.

Tại phòng khám, một cặp vợ chồng khác đeo khẩu trang mở cửa và bước vào. Một người đàn ông đeo khẩu trang ngồi trong khu vực chờ. Chồng tôi kéo ghế và ngồi dựa lưng vào tường, mắt nhắm tịt, còn tôi bước tới quầy lễ tân. Tôi nói: "Chồng tôi được xét nghiệm dương tính với Covid-19".

Cô gái ở quầy lễ tân đưa cho tôi một chiếc khẩu trang. Bác sĩ của chồng tôi hôm nay làm việc ở một phòng khám khác nên họ được sắp xếp một người khác khám thay. Trong lúc ngồi đợi, mắt anh ấy vẫn nhắm nghiền. Tôi nhìn ra cửa sổ phía sau chúng tôi, mọi người trên phố đang đi bộ như thể đó là một ngày bình thường. Một người đàn ông mở cánh cửa của một quán cà phê nhỏ bên kia đường bằng tay không và đi vào trong. Một nhân viên khác đến bàn làm việc, và người vừa phục vụ chúng tôi ghé vào tai thì thầm gì đó với cô ấy. Cô nhân viên thứ 2 có đeo khẩu trang.

Chúng tôi được gọi vào phòng khám. Những y tá đeo khẩu trang kiểm tra dấu hiệu sinh tồn của chồng tôi. Anh ấy sốt 37,2 độ C nhưng có thể là do tác động của thuốc. Huyết áp, nhịp tim và nồng độ oxy trong máu đều bình thường. Chúng tôi nói với họ về những cơn sốt, tình trạng đổ mồ hôi, buồn nôn, ho ra máu và nồng độ oxy trong máu đo tại nhà sáng nay thấp hơn. Khi các y tá rời đi, chồng tôi lại dựa lưng vào ghế kiểm tra, anh ấy ngả đầu với đôi mắt vẫn nhắm nghiền vì quá mệt. Ra ngoài hội trường, tôi nghe ai đó nói với một bệnh nhân rằng anh ta bị bệnh đã lâu, đã đến lúc phải đến bệnh viện.

Bác sĩ đeo khẩu trang và kính bảo hộ bước vào. Chồng tôi được y tá đưa đi chụp X-quang. "Thật không dễ dàng khi phải giơ cao hai tay trên đầu", anh ấy nói khi trở ra.

Hình ảnh chụp X-quang khác nhiều so với lần chụp một tuần trước và bác sĩ cho biết chồng tôi đã bị viêm phổi trái. Bác sĩ của anh ấy đã rất sáng suốt khi yêu cầu anh dùng kháng sinh vào đêm hôm trước. Khi bác sĩ nghe tim phổi, không có tiếng khò khè phát ra. Anh ấy cũng không có vấn đề gì về hô hấp nên anh có thể điều trị tại nhà. "Nhưng chúng tôi sẽ theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của anh", bác sĩ nói.

Trước cửa phòng khám, chúng tôi đứng gần hai người phụ nữ lớn tuổi đang nói chuyện với nhau. Tôi tự hỏi có nên bảo họ rời đi, khuyên họ nên đứng cách xa và về nhà, rửa tay và không đi ra ngoài. Nhưng cuối cùng, tôi lại chỉ biết lúng túng đứng cạnh cho tới khi họ rời đi.

Sau đó, chúng tôi đi qua ba dãy phố để về nhà. Chồng tôi kêu lạnh. Nhiều sợi râu dưới cằm anh đã bạc. Vài người đi qua chúng tôi trên vỉa hè chắc không biết chúng tôi như những vị khách đến từ tương lai. Hình ảnh của chúng tôi sẽ có thể là họ trong tương lai: hoặc là T, người phải đeo khẩu trang, hoặc nếu may mắn hơn là tôi, người phải chăm sóc anh ấy.

* Bài viết của tác giả Jessica Lustig đăng trên tờ New York Times ngày 24/3/2020. Jessica là biên tập viên của tờ New York Times, cô đang phải cùng chồng chiến đấu chống lại virus corona sau khi chồng cô được xác nhận dương tính với virus này.

(Nguồn: New York Times)

 

Theo Nhịp Sống Việt

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang