Tâm sự người mẹ có con mắc hội chứng down: “Bác sĩ nói tôi cố nuôi con được ngày nào thì nuôi”

(lamchame.vn) - Khi phát hiện ra con bị mắc hội chứng down, cả gia đình chị Bình đều sốc và phải mất một khoảng thời gian dài để đối diện với sự thật.

Bất kì một người phụ nữ nào khi sinh con ra đều chỉ ước mong duy nhất một điều là con được khỏe mạnh và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.

Tuy nhiên với chị Bình, một nhân viên kế toán tại Viettel, may mắn dường như đã không mỉm cười với lần sinh bé thứ 2, bé Phạm Quang Minh. Con bị mắc hội chứng down!

Hội chứng Down (Down syndrome hay Down’s syndrome) là tập hợp các bất thường bẩm sinh, trong đó nổi bật là người mắc bệnh sở hữu khuôn mặt đặc trưng, luôn ở trong tình trạng trì trệ tâm thần và gặp một số bất thường ở hệ tim mạch, tiêu hóa... dễ dẫn đến tử vong trong 5 năm đầu tiên. Hội chứng này thường gặp nhất trong số các bệnh do rối loạn nhiễm sắc thể. Cứ 800 - 1.000 trẻ mới sinh thì có 1 trẻ bị hội chứng Down.

Hình ảnh chị Bình hạnh phúc bên các con. Phạm Quang Minh (bên trái)

Chị Bình chia sẻ, đây là nỗi đau có thể nói là lớn nhất từ nhỏ đến lớn phải trải qua. Trước đây, chị là một người phụ nữ khá may mắn khi vừa được sống trong một gia đình gia giáo, điều kiện sống đầy đủ và gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp. Cuộc sống hôn nhân cũng không có gì bất trắc, chồng chị là một người đàn ông thành đạt, luôn yêu thương và hết mình xây dựng tổ ấm gia đình.

Chị không ngờ rằng, cuộc sống của mình lại phải đối diện với một cú sốc lớn như vậy. Khi Phạm Quang Minh ( con trai chị Bình) ra đời, chị như chết lặng, gia đình ai nấy đều cảm thấy sốc. Nói về cảm xúc của mình khi đó, chị Bình nghẹn lời khi nhớ lại: “Tai tôi khi ấy gần như ù đi, tâm trí rối bời khi nghe bác sĩ kết luận con bị mắc hội chứng down. Thời gian đầu tôi rất sốc và gần như không dám tin vào sự thật.”

Chị Bình luôn dành thời gian tự tay chăm sóc cho Quang Minh

Quãng thời gian đầu khi Quang Minh mới ra đời, 1 tháng rưỡi con gần như không lớn, không bú và cũng không mở mắt. Lo lắng cho con, chị Bình tiếp tục đưa bé đến gặp bác sĩ thì nhận được kết luận: “Chị cố gắng nuôi con được ngày nào thì nuôi.” Đau lòng hơn, khi Quang Minh lại mắc thêm căn bệnh tim bẩm sinh. Những tưởng những nỗi đau đó sẽ khiến người phụ nữ này trở nên suy sụp, nhưng chị chia sẻ: “Tôi buồn nhưng chưa bao giờ than trách số phận, sau một tháng rưỡi sống trong nước mắt mỗi đêm khi nghĩ về con, tôi đã vực chính bản thân mình dậy. Tôi tự nhủ: “Mình phải là chỗ dựa cho con, phải luôn tin vào bản thân mình.””

Thời điểm đó, internet chưa phát triển, hai vợ chồng chị đã đi khắp các hiệu sách lớn nhỏ để tìm đọc những vấn đề liên quan đến trẻ bị mắc hội chứng down. Dẫu biết đây là căn bệnh vô phương cứu chữa, nhưng chị vẫn cố gắng để giúp đỡ con hòa nhập với xã hội một cách tốt nhất.

Quang Minh trong bữa tiệc sinh nhật cùng bạn bè ngày bé học lớp 1. Có thể thấy cậu bé khá hòa đồng và vui vẻ cùng các bạn trong lớp

Ngày nhỏ, Quang Minh là một cậu bé kháu khỉnh và đáng yêu như thế này

Trò chuyện với Lamchame, chị Bình cho biết: “Tôi cũng từng gặp nhiều gia đình có hoàn cảnh giống gia đình tôi, nhưng đa phần khi biết con bị mắc hội chứng Down các ông bố bà mẹ như mặc cảm và luôn giấu diếm điều đó. Tôi nghĩ rằng chính suy nghĩ và hành động đó của các bậc phụ huynh đã vô tình khiến cho con mình bị thiệt thòi. Con sẽ không được hưởng bất cứ điều gì từ cuộc sống hiện tại. Tôi thật sự buồn khi nhìn thấy điều đó trong ánh mắt của một số bậc cha mẹ có con khiếm khuyết.”

Nụ cười hạnh phúc của hai mẹ con chị Bình khi bên nhau

“Ở Việt Nam đặc biệt lắm, dù có cố gắng truyền thông như thế nào thì họ luôn nhìn trẻ khiếm khuyết hoặc tự kỉ bằng một con mắt không mấy thân thiện thậm chí là xa lánh. Ở các nước Châu Âu những đứa trẻ đặc biệt được đối xử công bằng hơn và gần gũi hơn. Vậy nên mình phải thay đổi bản thân mình trước khi muốn thay đổi suy nghĩ của những người khác”, chị tâm sự.

Không chỉ có mẹ, cậu bé còn nhận được rất nhiều yêu thương từ những người thân trong gia đình

Khi được hỏi về chế độ chăm sóc đặc biệt dành cho Quang Minh, chị nói: “Thật sự đến thời điểm này, tôi không nghĩ rằng việc chăm sóc một em bé đặc biệt là khó. Một người phải làm nhiều việc, đóng nhiều vai, nhiều thiên chức là điều nghiễm nhiên. Và tôi cảm thấy mình thật sự may mắn khi luôn có chồng và gia đình luôn bên cạnh san sẻ công việc và cùng chăm sóc con.”

"Với những trẻ đặc biệt, điều quan trọng hơn cả là sự nhất tâm đồng lòng của cả gia đình. Khi mẹ đc hưởng cuộc sống trong gia đình tốt thì khi xây dựng gia đình riêng cần sống sao để cả gia đình chồng yêu thương và không bỏ rơi mình và con khi hoạn nạn."

Quả thật, không có thứ tình cảm thiêng liêng và đáng trân quý bằng tình mẫu tử. Chị Bình tin rằng, chỉ cần mình cố gắng và tin vào bản thân thì bất cứ khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Cũng như cách chị cùng Quang Minh vượt lên tất cả để có được ngày hôm nay.

Video gia đình đã cùng Quang Minh cố gắng vượt qua khó khăn của một đứa trẻ mắc hội chứng down như thế nào:

*Xem thêm:

Bạo hành mầm non: Bé 20 tháng bị nhiều vết bầm tím sau khi đi học ở trường về

Bé 20 tháng tuổi bị thâm mặt sau khi đi học về.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang