Thông thường, vì yếu tố công việc bận rộn mà nhiều bố mẹ không có thời gian chơi đùa cùng với con cái, hoặc khi có một chút thời gian rảnh, họ lại thích nghỉ ngơi nhiều hơn. Khi bố mẹ miễn cưỡng chơi với con mình, có thể là họ muốn trở thành một bậc phụ huynh hoàn hảo, hay đơn thuần là con cái yêu cầu bố mẹ chơi với mình vì chúng không có anh chị em, bạn bè.
Dù đó có phải là lý do chính đáng hay không, nhưng không thể phủ nhận rằng, việc bố mẹ chơi với con cái mang lại rất nhiều lợi ích cho cả 2 bên.
Định nghĩa việc "chơi đùa" là gì?
Tiến sĩ tâm thần học Stuart Brown, người sáng lập kiêm chủ tịch của National Institute for Play, tác giả cuốn sách "Play: How it Shapes the Brain, Opens the Imagination and Invigorates the Soul" (Tạm dịch: Chơi đùa: Cách để việc chơi đùa giúp mở mang trí tưởng tượng, định hướng cho não bộ, tinh thần tràn đầy năng lượng) cho biết: "Chơi đùa mang lại cho người lớn niềm vui, thay đổi cảm giác về thời gian, không gian và quan trọng nhất là trải nghiệm".
Bố mẹ có thể chơi với con cái theo nhiều cách khác nhau như lắp ghép Lego, hóa trang, thể thao, trò chơi điện tử, giải câu đố…, hoặc là một số hoạt động khác như nướng bánh, làm vườn, tưới cây, tắm rửa cho vật nuôi. Tùy theo từng đứa trẻ mà mỗi gia đình sẽ có những kiểu chơi và tần suất chơi khác nhau.
Laurel Snyder, một tác giả sách dành cho trẻ em rất tin tưởng vào những lợi ích của việc chơi đùa cùng với con cái mang lại, đặc biệt là quá trình sáng tạo: "Mùa hè năm ngoái, khi đang giãn cách xã hội, chúng tôi đã đi ra ngoài dạo vào ban đêm trong một công viên gần nhà. Lúc này, tôi và bọn trẻ nghe được cả tiếng ve kêu rồi cùng nhau đoán xem con ve đang ở đâu. Nếu không có đại dịch, chúng tôi sẽ chẳng có cơ hội cùng nhau làm việc đó. Sau khi kết thúc giãn cách, tôi phát hiện ra mình và bọn trẻ rất thích đi bộ vào ban đêm, cảm thấy ban đêm giống như một thế giới khác".
Người lớn cần chơi đùa nhiều hơn
Nhiều bố mẹ than thở rằng, mình không có đủ thời gian, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi chất lượng công việc, tối ưu hóa lịch trình, khiến họ có cảm giác như mình không thể hoàn thành được các mục tiêu đề ra. Tệ hơn nữa là họ tin rằng, đây là do tính cách của mình gây ra.
Họ đã quên rằng, có một sự kỳ diệu khi họ để bản thân thoải mái chơi đùa với con cái và nghỉ ngơi.
"Chơi đùa buộc chúng ta phải tự hỏi: Tôi là ai khi không làm việc hoặc không kiếm được tiền. Bộ não của tôi để làm gì", Snyder nói. Điều này khiến bạn không ngừng tự trách bản thân vì đã không làm việc hiệu quả.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc chơi đùa có thể bù đắp phần nào đối với sự lo lắng "không bao giờ là đủ" của người lớn. Hay nói một cách khác, chơi đùa giúp người lớn đối phó được với căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng quát. Thiếu việc chơi đùa nó cũng có tác động tiêu cực về lâu dài như thiếu ngủ.
Vì vậy, bố mẹ có thể tìm thấy những điều tươi vui, tích cực, xóa bỏ sự kìm nén bấy lâu nay thông qua việc chơi đùa cùng với con cái.
Con cái có thể hướng dẫn bố mẹ mình biết cách chơi đùa như thế nào?
Đối với một số bố mẹ muốn chơi đùa cùng với con cái nhưng không có hứng thú, con cái có thể trở thành giáo viên cho bố mẹ mình.
Nhà tâm lý học Alison Gopnik là một chuyên gia về sự phát triển của trẻ em cho biết: "Chơi đùa là một nét đặc trưng của tuổi thơ một đứa trẻ. Nó phản ánh sự sinh động của trí tưởng tượng và cả trong học tập".
Trong lúc chơi đùa, trẻ rất hào hứng với mọi thứ và giống như một nhà khoa học nhỏ tuổi khi thể hiện khả năng tưởng tượng, quan sát mọi vật xung quanh. Trẻ em thích khám phá và thử nghiệm những ý tưởng mới, trong khi người lớn có xu hướng sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của bản thân để đưa ra các quyết định.
Việc bố mẹ chơi đùa cùng với con cái có thể phần nào nhắc nhở người lớn chúng ta vẫn còn khả năng khám phá tiềm ẩn bên trong, không còn xem thời gian như một thứ dễ dàng bị bỏ phí.
Khi chơi với con cái, bố mẹ sẽ nhận ra rằng, cuộc sống luôn ngập tràn những cơ hội bất ngờ. Đó cũng là lúc mà bố mẹ sẽ tạm gác lại những lo âu, nỗi buồn trong công việc, cuộc sống, giúp tái tạo lại năng lượng mới cho bản thân.
Nguồn: CNN
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.