Tết trên chặng đường bán rong của vợ chồng ở Sài Gòn

4 giờ chiều, chiếc xe ba bánh cải tiến len lỏi giữa dòng xe bị kẹt. Đường Cách mạng tháng 8 (phường 11, quận 3, TP.HCM) trước chợ Hòa Hưng vào những ngày cuối năm khá đông đúc. Vậy mà chiếc xe vẫn lầm lũi nhích lên...

Vợ chồng cách biệt 34 tuổi, bán khô bò 20 năm

Ngồi trên yên xe là một người đàn ông. Ông mặc quần ngắn màu đen, áo sơ mi đỏ. Đôi dép cũ kỹ trong chân, ông chậm rãi đạp xe.

Trên xe chất đầy nguyên vật liệu để bán gỏi khô bò. Đi bên cạnh, giúp ông điều khiển xe chính xác hơn, giúp xe lên dốc là một phụ nữ so với ông còn khá trẻ.

Đi được một đoạn, cả hai rẽ vào con hẻm bên phải. Hẻm hẹp nhưng vắng. Cứ thế mà luồn lách chẳng mấy chốc chiếc xe đến được đường Trần Văn Đang.

Đường rộng, ít xe, ông thong thả đạp. Người phụ nữ đi bên cạnh tay cầm chiếc kéo lớn nhấp kéo liên tục. Từ xưa đến nay tại Sài Gòn, đối với món gỏi khô bò, tiếng nhấp kéo thay cho tiếng rao...

Xe gỏi khô bò của đôi vợ chồng trên đường Tô Hiến Thành. Trong tay bà Năm, chiếc kéo được nhắp liên tục thay cho tiếng rao.

Chiếc xe lấn sang trái chuẩn bị chuyển hướng. Bà ra hiệu cho ông chuẩn bị dừng trước một quán nhậu chưa đông khách. Một người khách trong bàn nhậu đưa tay ra hiệu cho bà. Dường như đã quen thuộc, bà gật đầu và bắt đầu chế biến.

Chiếc dĩa bằng xốp dùng một lần được lấy ra. Một nắm đu đủ bào còn tươi trải đều trên dĩa, rồi thêm vào đó là khô bò. Bà rưới một ít nước tương, dấm cho thêm chút rau thơm và cuối cùng là đậu phộng. Đĩa gỏi đã xong bà mang đến tận bàn cho khách. Ông vẫn ngồi trên yên xe, bình thản nhìn cảnh vật xung quanh...

Trong dòng xe dày đặc, hai người phải nhích từng bước.

Rời quán nhậu, chiếc xe gỏi khô bò tiếp tục ra đường Hoàng Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc. Gió từ dưới kênh thổi lên cùng với không khí lạnh cuối năm khiến ai cũng phải rùng mình. Thế mà ông vẫn tỉnh như không.

Cứ hết quán này đến quán khác. Những ngày cuối năm ai nấy đều tất bật lo Tết. Quán xá không đông khách như ngày thường nhưng chiếc xe gỏi khô bò vẫn đến tìm khách. Tiếng nhấp kéo đều đặn vang lên. Những đĩa những hộp gỏi rất hấp dẫn được trao cho khách...

Xe dừng trước quán nhậu thưa khách.

Trong một lúc rảnh rỗi, chúng tôi tiếp cận với người bán gỏi. Họ đều rất cởi mở. Bà nở nụ cười thật tươi nói: "Chúng tôi là vợ chồng. Ông là Phạm Văn Hợp (94 tuổi, quê ở Hưng Yên) vào Nam khi mới 17 tuổi. Tôi là Cao Thị Năm (60 tuổi, quê Thanh Hóa). Chúng tôi đã bên nhau, trên chiếc xe này rong ruổi mưu sinh suốt 20 năm nay... ".

Thật bất ngờ một mối tình cách biệt tuổi tác như thế đến nay vẫn bền bỉ keo sơn. Ông cứ ngồi trên xe ngắm nhìn bà bán hàng. Có vài người khách biết chuyện nói vài câu trêu chọc, ông nở nụ cười vui vẻ.

Có khách nhậu yêu cầu một đĩa gỏi. Bà chế biến, ông âu yếm lặng nhìn.

Chúng tôi xin phép viết bài về mối tình của họ, ông cười sảng khoái: "Tự nhiên có người đến "bốc" mình lên sao lại từ chối được? Tôi chỉ đi bán từ 16 giờ đến 21 giờ mỗi ngày. Chiều mai, khoảng 14 giờ mời anh đến nhà tôi trò chuyện cho vui".

Lãnh phần khổ để chồng được nhàn hạ

Theo hẹn, chúng tôi đến nhà ông trên đường Tô Hiến Thành. Ông mở cửa. Bên trong bầy gà kiểng 4 con đang tung tăng ăn mồi. Phía trên cao, một hàng lồng chim và lồng gà. Ông chăm sóc từng con thật kỹ và đúng kỹ thuật.

Ông mở một chiếc hũ để trong góc, hơn chục quả trứng gà. Trong một chậu nhỏ, một con gà đang ấp.

Ông nói: "Gà này mỗi con chưa được 2 lạng. Giá mỗi con cả triệu đồng. Nuôi được vài tháng nó đẻ rồi ấp. Chim cũng thế. Tôi nuôi cho vui, cho có việc làm vì ngồi không chán lắm. Mọi việc bây giờ có bà lo hết rồi... ".

Nghe đến đây, bà đang ngồi bào đu đủ lên tiếng: "Ông già rồi. Còn được như thế này là tốt lắm rồi. Hiện giờ mắt ông đã mờ nhưng tai ông rất thính. Đặc biệt ông có trí nhớ tốt. Những việc trôi qua rất lâu ông vẫn còn nhớ... ".

Chưa ra khỏi hẻm đã có khách mở hàng.

Bà Năm kể tiếp: "Tôi gặp ông vào năm 1995, khi tôi đang làm công cho một tiệm ăn trên đường Trương Định. Khi ấy, ông đi lấy cơm heo để về nuôi heo. Nhìn ông già rồi còn lam lũ như thế, tôi cũng có chút cảm tình.

Hỏi thăm, ông có vợ và 6 đứa con. Nhà đất rộng ông làm chuồng nuôi heo. Hàng ngày ông đi hết quán này đến quán nọ lấy cơm thừa canh cặn về cho heo".

Bà tiếp tục: "Tình bạn chúng tôi kéo dài được vài năm. Cảm thông cho hoàn cảnh ông từ ngày vào Nam chưa một lần về Bắc, năm 1999 tôi động viên, mua vé cho ông về.

Ngày về của ông cả họ ngỡ ngàng vì trên bàn thờ trước hình ảnh ông, trong lư hương những cây nhang đang nghi ngút khói. Ai cũng nghĩ ông chết nên lập bàn thờ...".

Hai năm sau vợ ông mất, bà Năm và ông sống chính thức như vợ chồng và sau đó 2 đứa con chung ra đời. Họ có cuộc sống khá khó khăn.

"Đến với nhau bằng tình thương yêu chân thật, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua những trở ngại có lúc tưởng chừng như gục ngã. Ông và tôi đã trải qua nhiều công việc rất đắng cay.

Trước khi nuôi heo ông cũng đã bán gỏi khô bò, nghề mà ông học được từ những người Hoa. Ông truyền lại cho tôi. Tôi cố gắng chăm chỉ thực hành. Mất nhiều tháng tôi mới làm được khô bò...

Sau khi làm được rồi, mọi việc tôi đảm nhận không cho ông đụng tay vào. Hàng ngày, ông chỉ theo tôi. Có ông tôi vững tin hơn và chính ông, ngồi sau xe ông cũng thấy vui", bà kể tiếp.

Bà lý giải thêm, ông năm nay đã 94 tuổi và vất vả nhiều nên bà không muốn ông phải khổ thêm. Bà chỉ muốn họ cứ mãi bên nhau càng lâu càng tốt.

Chúng tôi hỏi thăm về Tết này, ông Hợp cười, nói: "Tết nhất mà làm gì. Tôi không nghỉ ngày nào hết vì nghỉ khi bán lại phải xem ngày phiền phức lắm". Bà Năm cũng chia sẻ: "Mấy chục năm nay chưa có năm nào chúng tôi nghỉ để ăn Tết".

Chúng tôi ra về không quên chúc ông bà mãi hạnh phúc bên nhau. Trên phố sắc xuân đã ngập tràn...

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang