Nói về thời gian công bố môn thi vào lớp 10 tại Hà Nội, TS Đỗ Viết Tuân, giáo viên môn Toán tại Hà Nội cho rằng: “Có thể hiểu rằng việc Hà Nội đợi đến tháng 3 hàng năm mới công bố môn thi thứ 4 nhằm tránh tình trạng học lệch của học sinh lớp 9. Tuy nhiên nếu căn cứ vào việc này để thúc đẩy học sinh học đều thì không nên, vì khi còn thi cử là còn có sự tập trung vào những nội dung sẽ ôn thi, nghĩa là có sự học lệch.
Theo thầy Tuân, để tránh những áp lực không cần thiết cho học sinh, phụ huynh, ngay từ đầu năm học, Hà Nội nên công bố số môn thi vào lớp 10 THPT công lập, trường hợp nếu thi môn thứ 4 thì thời gian công bố nên sớm hơn, sau khi kết thúc học kỳ 1.
"Việc công bố muộn cũng tạo dư luận không được tích cực về việc có nên thi môn thứ 4 hay không. Thời gian qua, nhiều nền tảng mạng xã hội đã dựa vào việc này để tạo phản ứng trái chiều, điều này không tốt cho các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, trong khi cuối cùng quyết định đưa ra vẫn phải dựa vào lấy ý kiến thi môn thứ 4 từ cha mẹ học sinh”.
Về việc nên thi 3 hay 4 môn, Thầy Đỗ Viết Tuân cũng đặt câu hỏi, nếu lựa chọn thi 4 môn, vậy những môn này đại diện cho những mạch kiến thức nào? Nếu nhằm mục đích giúp học sinh học cân bằng cả khối tự nhiên và xã hội, tại sao Hà Nội không chọn thêm 2 môn ngẫu nhiên từ 2 tổ hợp KHT và KHXH?: “Đúng ra nếu kỳ vọng để học sinh học toàn diện trước kỳ thi chuyển cấp thì nên thi hẳn 5 môn, chứ không chỉ là 4 môn, còn không chỉ nên dừng lại ở 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Rõ ràng phương án thi 5 môn là không khả thi, vậy nên tôi cho rằng dừng lại ở 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ là phù hợp".
Còn theo thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội, phương án thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ vốn đã đảm bảo hiệu quả tối đa của kỳ thi tuyển sinh lớp 10. 3 môn thi này đảm bảo yếu tố cân bằng giữa các môn tự nhiên và xã hội và đã đủ để phân hóa học sinh.
Thầy Khánh cho rằng, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội vốn đã rất khắc nghiệt, thậm chí được cho là cam go hơn cả xét tuyển đại học, do đó, nên việc tối ưu thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ sẽ là hợp lý nhất.
"Thi 4 môn sẽ chỉ tăng thêm gánh nặng cho nhà trường, gia đình và chính các em học sinh, trong khi đó hiệu quả phân hóa không cao. Việc kỳ thi thay đổi theo từng năm, năm nay thi môn này, sang năm thi môn khác cũng sẽ tạo ra tâm lý bất an lo lắng, gánh nặng cho cả hệ thống từ gia đình, nhà trường và học trò. Hà Nội nên có phương án thi cố định thay vì mỗi năm thí sinh và phụ huynh lại hồi hộp đợi chờ phương án thi.
Nếu mạnh dạn hơn nữa, để thực sự công tâm, công bằng, tiếp cận xu hướng mới, Hà Nội nên chuyển sang thi đánh giá năng lực như cách một số trường đại học đang tổ chức để xét tuyển đại học. Khi đó thay vì môn Toán thông thường sẽ là Toán tư duy, các câu hỏi không mang tính hàn lâm, chuyên sâu quá mà mang tính gợi mở, đòi hỏi khả năng suy luận, giải quyết vấn đề. Cách thi này cũng sẽ khắc phục được tình trạng học lệch, học tủ, hay tình trạng luyện thi như "luyện gà nòi" hiện nay", thầy Nguyễn Duy Khánh nêu quan điểm.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.