Mạt bụi – họ hàng gần của loài ve và nhện - là những sinh vật tí hon ký sinh dưới lớp chăn đệm trên giường nhà bạn. Chúng có kích thước rất nhỏ, chỉ có thể được nhìn thấy qua kính hiển vi.
Theo American Lung Association - Tổ chức Y tế hàng đầu về cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa bệnh phổi, kích thước mạt bụi rất chỉ khoảng 1/4 mm. Chúng sống nhờ ăn những tế bào da chết từ cơ thể của chúng ta.
Những con mạt bụi có kích thước siêu nhỏ chỉ có thể được nhìn thấy qua ống kính hiển vi. (Ảnh minh họa)
Hậu quả mạt bụi để lại có thể nghiêm trọng hơn so với những gì bạn vẫn nghĩ. Trường hợp nhẹ nhất là chảy nước mũi, nước mắt hay hắt hơi. Nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến bệnh mãn tính như hắt hơi dai dẳng, ho, nghẹt mũi, áp mặt, bùng phát bệnh chàm hoặc lên cơn hen suyễn nghiêm trọng.
Số lượng “đông như quân Nguyên”, việc tiêu diệt hoàn toàn con mạt bụi gần như là điều không thể. Tuy nhiên, gia đình có thể giảm thiểu tối đa tác động của con mạt bụi để yên tâm ngủ ngon mỗi tối bằng cách vệ sinh chăn gối đúng cách.
Hàng nghìn con mạt bụi ăn da trên chăn nệm của người dùng dưới ống kính hiển vi. (Video Vnexpress)
“Chu kỳ vàng” để thay thế
Ngay cả trong lúc ngủ, cơ thể con người vẫn tiết ra mồ hôi, dù là mùa đông hay mùa hè. Mồ hôi thấm vào các loại chăn ga gối, lâu ngày sẽ khiến sản sinh các loại vi khuẩn, vi trùng và chắc chắn không thể thiếu mạt bụi.
Theo các chuyên gia, thời gian lý tưởng để thay vỏ ga và gối đệm là 2 tuần/lần ( áp dụng trong mùa đông) và 1 tuần/lần (áp dụng trong mùa hè).
Lưu ý "chu kỳ vàng" để thay các loại chăn, ga, gối mới để luôn đảm bảo giữ vệ sinh. (Ảnh minh họa)
Đối với các loại ruột, đặc tính kết cấu nén dày, lâu khô nên tần suất 1 lần/năm là hợp lý. Cách đơn giản nhất là mang ruột chăn ga gối đệm ra phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời (lưu ý thời gian tránh làm hỏng ruột) để tiêu diệt vi khuẩn và mầm mống bệnh nguy hiểm ẩn trú sâu bên trong.
Các loại nệm thì nên vệ sinh khoảng 1 tháng/ lần.
Vệ sinh đúng cách
Cho dù được làm bằng sợi tự nhiên (như lông tơ) hay vật liệu tổng hợp (thường là polyester), hầu hết các loại chăn, gối đều có thể giặt máy nhưng không nên giặt chung với quần áo hàng ngày.
Vải chăn ga gối cấu tạo khác biệt so với quần áo. Do đó, không phải loại nước giặt hay thuốc tẩy nào cũng phù hợp. Chất tẩy rửa trung tính, pha loãng dạng lỏng sẽ giúp không làm bay màu đồ dùng và không để lại cặn.
Chế độ giặt nên để nước nóng từ 60 đến 90 độ C để đảm bảo loại bỏ được mọi vi khuẩn trên bề mặt. Một số loại vải đặc biệt nên chọn chế độ giặt khô. Riêng chất liệu lụa ưu tiên giặt bằng tay, không dùng bàn chải chà xát làm hỏng vải.
Chăn ga gối cũng cần giặt đúng cách để được làm sạch tối ưu. (Ảnh minh họa)
Trước khi phơi khô, bạn lưu ý lộn trái đồ dùng để tránh bạc màu, khiến chăn, gối, nệm trở nên cũ kỹ. Phơi ngoài trời dưới ánh nắng trực tiếp chỉ nên khoảng 1 giờ và linh hoạt đảo chiều. Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng giặt.
Đối với nệm, cần lưu ý tháo bỏ tấm drap, chăn ga gối và di chuyển các vật dụng khác trên giường ra ngoài để thuận tiện vệ sinh.
Hút bụi giúp loại bỏ phần lớn mạt bụi và da chết. Mách nhỏ bạn có thể nhỏ vài giọt tinh dầu vào baking soda rồi rắc lên toàn bộ bề mặt. Sau 30 phút, hỗn hợp trên sẽ hấp thụ hoàn toàn mùi hôi khó chịu. Hút bụi thêm một lần nữa và phơi ở nơi khô ráo và thoáng mát.
Chăm chút những điều nhỏ nhất chính là bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Với gần 2 triệu mạt bụi trú ẩn trong nệm, việc vệ sinh thường xuyên sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh dị ứng mãn tính và kết thúc chuỗi ngày “ngủ chung” cùng một ổ vi khuẩn.
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/thay-doi-thoi-quen-nay-ngay-neu-khong-muon-ngu-chung-voi-hang-ngan-con-mat-bui-moi-dem-162222104184118190.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.