Đó là trường hợp đau lòng của chị N.T.H. (35 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM). Giờ đây tính mạng chị H. đang rất nguy kịch, khi căn bệnh tiểu đường nặng làm da trên cơ thể chị bị hoại tử, biến chứng mờ mắt trái, thị lực chỉ còn 2/10.
Chị H. tại bệnh viện.
Ra máu âm đạo nhưng không đi khám, phát hiện ung thư buồng trứng giai đoạn 3
Trong khi đó, căn bệnh ung thư buồng trứng của chị đã ở vào giai đoạn 3. Nữ bệnh nhân vừa phải trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ khối u và tiến hành vào hóa chất tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.
Khai thác bệnh sử, chị H. cho biết mình phát hiện bị tiểu đường hơn 3 năm nay. Tuy nhiên vì phải một mình nuôi hai con nên nữ bệnh nhân không điều trị tận gốc cũng như tuân thủ đúng phác đồ điều trị.
Hậu quả là bệnh ngày một nặng hơn, chị bị biến chứng lên mắt, hoại tử chân nặng.
Người phụ trị tiểu đường đã nhiều năm.
Khoảng nửa năm trước khi đang điều trị tiểu đường, chị H. bị ra huyết âm đạo đột ngột. Chủ quan đó lại là hậu quả do điều trị tiểu đường, người phụ nữ không khám ngay.
Đến khi cảm thấy đau quặn bụng và quá mệt mỏi, chị mới đến viện kiểm tra. Ngay khi phát hiện người phụ nữ bị ung thư, các bác sĩ đã làm giấy chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Kết quả các xét nghiệm, cận lâm sàng cho thấy chị H. bị ung thư buồng trứng giai đoạn 3, phải phẫu thuật gấp.
Biến chứng hoại tử ở chân.
Sau ca phẫu thuật chị tiếp tục điều trị bằng hóa chất. Hiện tình trạng ung thư đã được tạm khống chế, nhưng đổi lại là bệnh tiểu đường trầm trọng hơn do không được khống chế trong khoảng thời gian đối phó với khối bướu buồng trứng hiểm ác.
"Bây giờ không đêm nào tôi ngủ được, cứ đau nhức suốt. Mắt tôi cũng không thấy rõ còn chân cũng bị lở loét nhiều lắm" - chị H. nói và chỉ vào những vết sẹo chi chít ở vùng đùi lan xuống bàn chân.
Giờ đây tính mạng người phụ nữ đang gặp nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Trang, người đang điều trị tiểu đường cho bệnh nhân chia sẻ, hiện đường huyết bệnh nhân kiểm soát khá kém, dịch rỉ ra nhiều. Bệnh nhân còn nôn ói và mệt nhiều, thời gian điều trị dự kiến kéo dài chưa biết khi nào xuất viện.
Làm cách nào để giảm nguy cơ ung thư phụ khoa?
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết trung bình mỗi tuần gần đây, khoa tiếp nhận điều trị trên 60 ca ung thư phụ khoa. Trong đó, số ca ung thư trẻ tuổi chiếm tỉ lệ không nhỏ.
Phẫu thuật ung thư buồng trứng tại Bệnh viện Ung BƯớu TP.HCM.
"Ung thư phụ khoa ở người trẻ trong giai đoạn đầu phát hiện rất khó vì người trẻ ít khi quan tâm đến sức khỏe của mình chỉ phát hiện ung thư trong những trường hợp tình cờ, ngẫu nhiên.
Thường ung thư ở người trẻ diễn tiến rầm rộ, tiên lượng nặng hơn so với người lớn dù đáp ứng điều trị tốt hơn trong phẫu trị, hóa hay xạ trị. Chính vì vậy điều trị ung thư ở người trẻ là một thử thách" - bác sĩ phân tích.
Trong số các ung thư phụ khoa, ung thư buồng trứng là căn bệnh phụ khoa đáng sợ nhất vì thường không có dấu hiệu hoặc các triệu chứng rõ ràng.
Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư buồng trứng có thể xảy ra là: khó chịu và/hoặc đau ở vùng bụng nói chung; buồn nôn, tiêu chảy, táo bón hoặc đi tiểu thường xuyên; kém ăn, cảm thấy đầy bụng ngay cả sau bữa ăn nhẹ; tăng hoặc giảm cân không rõ lý do; chảy máu âm đạo bất thường...
Ung thư phụ khoa ở người trẻ là một thách thức lớn.
Dù hầu hết ung thư ở người trẻ không có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng, không thể phòng ngừa tất cả chúng được tuy nhiên theo bác sĩ, có những điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ bị ung thư như:
Hạn chế các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống không lành mạnh và ô nhiễm môi trường;
Không hút thuốc;
Tập luyện thường xuyên để có và giữ cân nặng hợp lý;
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và nằm trong các máy tắm nắng;
Hạn chế số bạn tình và thực hành tình dục an toàn;
Tầm soát thường xuyên;
Tiêm vắc-xin (như vaccine ngừa ung thư cổ tử cung);
Phẫu thuật phòng ngừa trước khi bệnh xảy ra.
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.