Thế giới của trẻ trước 7 tuổi quan trọng như thế nào?

(lamchame.vn) - GS. Lipton, nhà khoa học lỗi lạc người Mỹ từng nói rằng: '95% cuộc sống của chúng ta sẽ được lập trình trong 7 năm đầu đời'.

Nhà triết học vĩ đại người Hy Lạp Aristotle từng nói: "Hãy cho tôi 1 cậu bé cho đến 7 tuổi và tôi có thể cho bạn thấy cậu ta như thế nào khi lớn". Hàng ngàn năm sau, khoa học hiện đại vẫn cùng quan điểm này của ông về thế giới của trẻ trước 7 tuổi. Còn GS. Lipton, nhà khoa học lỗi lạc người Mỹ từng nói rằng: "95% cuộc sống của chúng ta sẽ được lập trình trong 7 năm đầu đời".

Vậy, chúng ta cần quan tâm và đầu tư gì với 1 đứa trẻ trước 7 tuổi? Dưới đây là quan điểm từ chuyên gia - bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn, chuyên gia tư vấn về y học bộ gen, Phó Tổng Biên tập tạp chí Harvard Public Health Review tại Đại học Harvard.

Bố mẹ cần quan tâm các giai đoạn phát triển tâm lý quan trọng của trẻ

- 3 tháng tuổi trẻ có thể hiểu cảm xúc buồn, vui, giận dữ. Cha mẹ nên tránh các cuộc tranh cãi trước mặt trẻ ngay từ lúc này.

- 9 đến 18 tháng tuổi trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ sự kết dính với mẹ và phát triển nỗi lo chia cắt.

- 3 đến 5 tuổi: trẻ muốn được độc lập và tự do trong mọi hoạt động. Cha mẹ nên trở thành người cùng chơi hơn là điều khiển trẻ nên chơi ra sao. Giai đoạn này cũng nên dạy trẻ cách chia sẻ, những bài học về yêu thương.

- 6 đến 10 tuổi: giai đoạn này trẻ thường tò mò và quan tâm đến các vấn đề. Đây là lúc cha mẹ phải đối mặt với những câu hỏi của trẻ. Cha mẹ nên tận dụng để ở bên con, trở thành bạn của trẻ, đừng để lỡ bởi vì những giai đoạn sau đó hướng tập trung của trẻ sẽ không còn là bạn nữa.

Quan tâm các giai đoạn học hỏi nhanh của não bộ trẻ

Não bộ trẻ giai đoạn này có thể hình thành lên đến 1.000 kết nối mỗi giây và có thể truy xuất lên đến 100.000 từ mỗi ngày. Tốc độ xử lý này làm trẻ phát triển ngôn ngữ, nhận thức, cảm xúc và hành vi xã hội rất nhanh. Điều này có nghĩa rằng cha mẹ không nên bỏ lỡ khoảng thời gian này để giao tiếp, trò chuyện, tương tác và vui chơi cùng trẻ.

- Từ khi sinh ra đến 5 tháng tuổi: mẹ thường xuyên tiếp xúc da kề da với bé, thì thầm, mát-xa, chơi cùng bé đặc biệt trong những lúc bé nằm sấp.

- Từ 6 tháng tuổi - 1,5 tuổi: thường xuyên nói cho bé nghe về những việc bạn làm với bé như thay tã như thế nào, tắm cho bé ra sao...

- Từ 3 đến 7 tuổi: cách nói chuyện gợi mở tình huống để bé tìm hướng giải quyết. Ví dụ, tưởng tượng mẹ và con phải đi qua 1 đường hầm rất tối, con nghĩ mình cần đem theo những vật dụng gì và phải làm sao để vượt qua đường hầm tối này nhỉ?

Mẹ có biết thế giới của con trước 7 tuổi quan trọng như thế nào? - Ảnh 1.

Quan tâm các giai đoạn chiều cao của trẻ phát triển nhanh

Tính luôn giai đoạn bào thai, có 4 giai đoạn phát triển vượt bậc về chiều cao của 1 người, trong đó có đến 3 thời điểm xảy ra trước tuổi dậy thì. Không những vậy, một nghiên cứu thú vị của nhóm GS. Adams, ĐH New South Wales trên 1 triệu người trong 40 ngành công nghiệp khác nhau suốt 6 năm cho thấy có mối liên hệ giữa khả năng tư duy và chiều cao, cứ mỗi 1cm trên chiều cao trung bình tương đương 0.91 điểm IQ. Điều này cho thấy tầm vóc không chỉ cho trẻ sự tự tin trong vóc dáng, mà còn là kì vọng cho 1 dân tộc hùng mạnh về tư duy lẫn kinh tế.

Đây là những điều bạn cần quan tâm để giúp trẻ phát triển tối ưu chiều cao trong những giai đoạn này:

1. Dinh dưỡng

Chế độ ăn trẻ cần đa dạng, cân bằng, cũng như đầy đủ các vitamin khoáng quan trọng cho sự phát triển chiều cao như vitamin D, kẽm, sắt, canxi...

- Trong đó vitamin D giúp hỗ trợ hấp thu canxi và nhu cầu cần 400 IU/ngày.

- Canxi là nguyên liệu cần thiết cho sự phát triển xương. Trẻ được khuyên nên ăn đa dạng để đảm bảo nhận đủ lượng canxi trẻ cần từ đa dạng các nguồn.

- Nên đa dạng nguồn đạm cho trẻ trong bữa ăn hàng ngày và trong tuần. Mỗi tuần, trẻ cần 2 ngày thịt bò, heo, 2 ngày cá và hải sản, 2 ngày thịt gà, gia cầm hay trứng và 1 ngày trẻ có thể lấy đạm từ những nguồn khác như các loại đậu, đậu hũ hoặc hải sản.

2. Lối sống năng động

Trẻ dưới 5 tuổi khuyến khích nên có lối sống năng động. Để đạt được điều này, trẻ cần giới hạn thời gian sử dụng các thiết tử điện tử như TV, Ipad, điện thoại không quá 60 phút/ngày. Trẻ từ 5 đến 11 tuổi có thể tham gia 1 số loại hình thể thao bài bản như bơi lội, đá banh, học võ... Chỉ cần duy trì ít nhất 60 phút/tuần với trẻ 5-10 tuổi, 90 phút/tuần với trẻ trên 10 tuổi.

3. Hạn chế thừa cân béo phì sau 2 tuổi

Thừa cân béo phì sẽ làm trẻ tích trữ mỡ trong cơ thể, tăng nguy cơ tim mạch, gan nhiễm mỡ và hơn hết làm trẻ giảm vận động và hấp thu vitamin D kém.

4. Ngủ đủ giấc

Giờ ngủ nên thiết lập sớm khi trẻ bước sang 10 tháng tuổi để trẻ quen với việc tự vào giấc ngủ. Trước giờ ngủ 20-30 phút nên có khoảng thời gian hugging time để giúp trẻ vào giấc ngủ tốt hơn.

Mẹ có biết thế giới của con trước 7 tuổi quan trọng như thế nào? - Ảnh 2.

Quan tâm các giai đoạn quan trọng cần đầu tư giáo dục cho trẻ

Theo nghiên cứu của Heckman, trẻ được đầu tư tốt về tương tác, giáo dục có cơ hội phát triển gấp 6 lần về thành công và hạnh phúc trong việc chọn đúng nghề nghiệp và ước mơ của mình. Đây là những điều cha mẹ nên quan tâm từ sớm cho trẻ.

Trước khi chọn trường mẫu giáo và quyết định 1 nơi để trẻ học khi trẻ bước sang 3 tuổi, hãy tìm hiểu về triết lý giáo dục của trường, thái độ của giáo viên và nhân viên trong trường hơn là chỉ nhìn vào cơ sở vật chất của trường.

3 tuổi cũng là độ tuổi tốt để đầu tư ngoại ngữ cho trẻ. Chủ yếu giúp trẻ học thông qua giao tiếp và vui chơi, chứ không ép học với 1 khung chương trình dày đặc.

5 tuổi là độ tuổi thích hợp để trẻ học về nghệ thuật như vẽ, đàn phím và hát. Một lần nữa, học ở đây là chơi để học. Đừng tạo quá nhiều áp lực. Để con tham gia, vui chơi và học từ đó.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang