Đại dịch Covid-19 đã đẩy thế giới vào một "thử nghiệm" về xã hội chưa từng có, đó là việc giãn cách xã hội trở thành một điều "bình thường mới". Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan, các chính phủ ban đầu khuyến khích, sau đó là yêu cầu người dân thực hiện giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa các cá nhân. Hơn nữa, hầu hết mọi người đều được yêu cầu ở trong nhà, làm việc từ xa nhiều nhất có thể và tránh tụ tập đám đông.
Các nhà khoa học về hành vi cho biết việc giãn cách xã hội thực sự là một thách thức đối với con người, khi chúng ta đều có mối liên hệ với xã hội, và mang đến những hậu quả khác nhau cho thế giới – từ những người phục vụ ở đầu tuyến, hay nhóm người dễ tổn thương cho đến những người hứng chịu tình trạng bạo lực gia đình.
Giãn cách xã hội đã khiến học sinh, sinh viên phải tham gia các lớp học trực tuyến, khách hàng phải đứng cách xa hàng mét tại các cửa hàng tạp hoá, người lao động phải sắp xếp giữa việc làm ở nhà và chăm sóc con cái, những sự kiện tụ tập đông người, thậm chí là đám tang, đều được thực hiện qua video.
David Savage– giáo sư dự bị ngành kinh tế học hành vi tại Đại học Newcastle ở Australia, nhận định: "Con người là những 'động vật xã hội' (social animal), kể cả những người đang bực bội cũng sẽ phàn nàn với bạn bè của họ và có rất ít người sống ẩn dật. Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của việc tương tác xã hội qua mạng trực tuyến, thay vì vật lý."
Sau khi đại dịch kết thúc, các chuyên gia cho biết mọi người sẽ từ bỏ các thói quan giãn cách xã hội, nhưng một số hành vi và chuẩn mực xã hội sẽ thay đổi mãi mãi. Làm việc ở nhà có thể trở nên phổ biến hơn, đeo khẩu trang có thể là điều bình thường ở những nơi vốn phản đối nó. Nhiều bài giảng, hội nghị, cuộc họp có thể được tổ chức qua các ứng dụng online và việc rửa tay có thể là một thói quen không thể thiếu.
Tại Hồng Kông - nơi đã chứng kiến nhiều thay đổi sau khi dịch SARS kết thúc, việc đeo khẩu trang đã phổ biến hơn, làm việc từ xa, giãn cách xã hội đều được thực hiện nhanh chóng ngay khi Covid-19 bùng phát.
Donald Low– nhà kinh tế học hành vi tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), nhận định việc yêu cầu người dân làm việc ở nhà và giảm tương tác xã hội tạo "áp lực khá lớn về nhận thức và hành vi", nó đòi hỏi họ phải từ bỏ các thói quen vốn có. Do đó, sau một thời gian, họ sẽ cảm thấy mệt mỏi. Ông cho biết, những thói quen mới, như việc giảng dạy và họp online, có thể dễ dàng được áp dụng sau đại dịch.
Low cho biết thêm: "Chúng ta sẽ không chỉ đơn giản quay trở lại với các hoạt động như trước đây. Đây là ‘thử nghiệm’ có tính bền vững nhất về hoạt động làm việc tại nhà, cách ly xã hội, giảng dạy online,… và chúng ta nên cố gắng giữ lại một số lợi ích. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên cũng là những thói quen tốt cần được duy trì."
Việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội cũng có mức độ khác nhau ở mỗi quốc gia. Một cuộc khảo sát thực hiện về thái độ đã được thực hiện trên quy mô toàn cầu, với sự tham gia của Đại học Warwick, Đại học Oxford và Đại học Prince. Trong đó, hơn 80% người cho biết họ đang ở nhà và hơn 90% không tham gia các buổi tụ tập xã hội. Mức độ giãn cách xã hội cao nhất là ở Argentina, Ecuador và Philippines.
Ví dụ, tại Philippines, chính phủ đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để đảm bảo người dân thực hiện giãn cách xã hội. Họ yêu cầu các cá nhân phải giữ khoảng cách ít nhất 1m với người khác. Cảnh sát cũng bắt giữ hàng trăm người vi phạm quy định. Hiện tại, bước vào tuần thứ 4 cách ly, hầu hết người dân đều tuân thủ quy định.
Ronald Del Castillo– giáo sư ngành sức khoẻ công cộng tại Đại học Philippines, cho biết: "Khi các biện pháp ngăn chặn dịch được dỡ bỏ, nhiều người trong số chúng ta sẽ giữ thói quen rửa tay trong 20 giây, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và có lẽ chúng ta vẫn sợ khi ai đó hắt hơi hoặc ho. Nhưng dần dần, thói quen cũ sẽ quay trở lại."
Dẫu vậy, bất chấp việc "cách ly xã hội" đã trở thành một cụm từ cực kỳ phổ biến trên thế giới gần đây, thì nhiều hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy những bãi biển, công viên ở nhiều nước vẫn đông nghịt người. Savage - giáo sư dự bị tại Đại học Newcastle, cho biết yêu cầu cách ly xã hội ở Australia nhìn chung đã có sự thành công, nhưng vẫn có những người chủ quan về đại dịch và coi việc giãn cách xã hội gây ra sự bất tiện.
Ông cho biết: "Bạn có thể xác định lược đồ rủi ro của nhóm người này khá dễ dàng dựa vào hành vi của họ. Họ là những người ưa thích rủi ro, trái ngược với phần lớn số đông, bởi họ không nghĩ rằng đại dịch thực sự là mối đe doạ". Ông nói thêm rằng, phản ứng của người dân sau đại dịch sẽ phụ thuộc vào tính cách của họ, họ chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ở mức độ nào và thời gian phong toả kéo dài bao lâu.
Shane Timmons là chuyên gia đến từ bộ phận nghiên cứu hành vi tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội có trụ sở tại Dublin– Ireland. Ông nhận định rằng đã có những điều trở thành chuẩn mực mới đáng chú ý như việc duy trì khoảng cách 2m. Theo đó, có thể thấy rằng mọi người sẵn sàng thay đổi hành vi khi được nhắc nhở về sự cần thiết phải bảo vệ sức khoẻ của những người dễ tổn thương – như người già và nhân viên y tế, và khi họ dự định tương tác với người khác.
Link gốc: http://toquoc.vn/the-gioi-hau-covid-19-giu-khoang-cach-2-met-deo-khau-trang-o-noi-cong-cong-va-lam-viec-tham-gia-cac-khoa-hoc-tu-xa-se-tro-thanh-nhung-dieu-binh-thuong-moi-4202015492331314.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.