Người Việt ăn đường rất nhiều
Tại hội thảo "Công bố các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường để phòng, chống bệnh không lây nhiễm" do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức năm 2018, tại Hà Nội đã thông tin:
"Hiện nay, trung bình 1 người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức nên tiêu thụ (là dưới 25g/ngày) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)".
Việc tiêu thụ nhiều đường khiến cho người Việt đối mặt với nguy cơ của hàng loạt các bệnh mãn tính không lây. Hiện rất nhiều người Việt đang có những hiểu sai về việc tiêu thụ đường.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho hay, nhiều người sai lầm khi sử dụng đường, kẹo bánh đang gây hại cho sức khoẻ. Một trong những sai lầm phổ biến nhiều người thường cho rằng, bánh kẹo thường được làm ngọt bằng si-rô bắp giàu fructose (đường đơn) không làm tăng đường huyết như sử dụng đường cát trắng.
Đường có mặt trong rất nhiều thực phẩm - ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên, các thực phẩm giàu fructose vẫn được chuyển hoá thành glucose trong cơ thể, do đó vẫn tác động lên đường huyết và tổng năng lượng nhập vào của cơ thể trong ngày.
PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên khuyến cáo, tiêu thụ nhiều đường sẽ là tăng nguy cơ thừa cân, béo phì do tăng năng lượng đưa vào.Tăng nguy cơ đái tháo đường type2, bệnh tim mạch. Ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ răng miệng
“Một số nghiên cứu cho thấy fructose được chuyển hoá ở gan. Do vậy nếu ăn nhiều fructose dẫn đến tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ”, PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên nói.
Đường có mặt trong mọi thực phẩm
TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng cho hay hiện nay đường hiện diện trong mọi thực phẩm, nước uống và nó được ví như là chất gây nghiện. Ăn quá nhiều đường sẽ gây ra tình trạng thừa cân, béo phì, gây rối loạn trao đổi chất trong cơ.
Khi ăn nhiều đồ ngọt tuyến tụy hoạt động nhiều làm lượng insulin trong máu tăng là nguyên nhân chính gây ra bệnh đái tháo đường. Người mắc bệnh đái tháo đường nếu phát hiện sớm có thể gây ra các biến chứng hỏng thận, hỏng gan, mất chi...
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo chỉ nên tiêu thụ dưới mức 5%/tổng lượng calo/ngày để tránh nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì…
TS. Từ Ngữ cho biết, việc hạn chế ăn đường tinh là chưa đủ cần phải giảm ăn các thực phẩm giàu fructose như: bánh kem, socola, đồ ăn nhanh, bánh kẹo ngọt, nước ngọt, nước trái cây đóng chai, cà phê, nước tăng lực…
Để giảm các nguy cơ bệnh tật rình rập cần phải hạn chế ăn đường và có chế độ dinh dưỡng cân bằng với 4 nhóm thực phẩm: chất đạm, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Bên cạnh đó, cần phải kết hợp lối sống lành mạnh uống nước đủ, tăng cường luyệt tập thể dục thể thao.
Để hạn chế ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của đồ uống có đường, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị: Các quốc gia cần truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức của người dân để sử dụng đồ uống có đường ở mức vừa phải.
https://soha.vn/thich-an-ngot-nguoi-viet-am-tham-pha-hong-gan-tim-mach-theo-cach-chang-ngo-toi-20220207074303936.htm
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/thich-an-ngot-nguoi-viet-am-tham-pha-hong-gan-tim-mach-theo-cach-chang-ngo-toi-161220702084350624.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.