Thông tin "họp khẩn giữa Chủ tịch TP và các Sở ngành về dịch Covid-19, chuẩn bị đón 1.800 người từ Châu Á" là bịa đặt

Thông tin từ cơ quan chức năng của Hà Nội cho biết, từ đêm qua, trên mạng xã hội đã lan truyền một số thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.

Thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống Covid-19 ở Hà Nội

Đêm 17/3, trên mạng xã hội, nhất là tại các nhóm kín, bắt đầu lan truyền những thông tin về nội dung "cuộc họp khẩn giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các sở ngành (họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 - PV)". Để củng cố độ tin cậy, tin nhắn này còn nêu cuộc họp bắt đầu từ 16h, tan lúc 19h.

Nội dung tiếp theo đưa ra thông tin cho rằng: "15 ngày tới sẽ là những ngày căng thẳng vô cùng, mọi người lưu ý nhắc gia đình hạn chế tối đa ra đường", và "ngày 18/3, Hà Nội sẽ phải đón 1.800 người bay về từ các nước châu Á và đây sẽ là nguồn lây dịch tiềm năng trong khi năng lực xét nghiệm Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội – CDC quá tải; các khu cách ly tại Hà Nội cũng đã quá tải…

Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang từ chối các cuộc điện thoai của lãnh đạo thành phố vì không thể sản xuất đủ nhu cầu…".

Sáng 18/3, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khẳng định, những thông tin lan truyền trên mạng xã hội này là hoàn toàn sai sự thật.

Cụ thể, trong ngày 17/3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội không họp. Cuộc họp gần nhất của Ban chỉ đạo diễn ra chiều ngày 16/3 do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì.

Thêm vào đó, tất cả các phiên họp của Ban chỉ đạo từ khi thành lập tới nay đều diễn ra công khai, có mời đông đảo phóng viên báo chí tới dự và đưa tin kịp thời về tình hình dịch bệnh nói chung; các chỉ đạo, biện pháp phòng chống dịch của thành phố đã, đang và sẽ triển khai.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch Hà Nội, tất cả thông tin phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội đều được công khai tới toàn bộ người dân, huy động người dân cùng vào cuộc.

Trong cuộc họp chiều ngày 16/3, Chủ tịch UBND Hà Nội cũng thông tin, nhằm chuẩn bị đón học sinh, sinh viên, người lao động từ Châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông về, theo chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố đã tính toán các địa điểm.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã tính toán, xin ý kiến Thường trực Thành ủy, công khai một số địa điểm dự kiến tổ chức cách ly tập trung như khu nhà ở sinh viên ở Tứ Hiệp (Hoàng Mai).

"Khu vực này có thể được 2.000 trường hợp. Đang có giường sẵn và bổ sung khử khuẩn, điện nước, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất để chuẩn bị", ông Chung nói.

Một số địa điểm cũng được tính tới làm điểm cách ly tập trung là một số trường dạy nghề ở Phú Xuyên, Sơn Tây, Chương Mỹ. Khu tái định cư Thượng Thanh (Long Biên) cũng được tính tới, hiện có 427 căn hộ, có thể cách ly tập trung được 2.000 người.

Thành phố cũng tiến hành sửa chữa bệnh viện đa khoa cũ của Mê Linh để dự bị cho kịch bản xấu xảy ra, sẵn sàng đảm bảo chữa trị cho khoảng 200 bệnh nhân.

"Đây là những cơ sở để cách ly phòng ngừa chứ không phải đưa người bệnh về chữa trị. Các quận, huyện, các phường xã phải phổ biến rộng rãi cho người dân để yên tâm", ông Chung chỉ đạo. 

Hà Nội có đủ năng lực, kit cho xét nghiệm

Cũng tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP chiều 16/3, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ, đến nay, thành phố có đủ năng lực, đủ kit cho xét nghiệm có kết quả trong vòng 4 – 6 tiếng. Dù thế, thành phố vẫn đang tìm các nguồn có kit xét nghiệm thời gian nhanh hơn.

"Tất cả các trường hợp F1, F2, những người đi từ nước ngoài về thực hiện cách ly đều được xét nghiệm 2 lần. Một lầnngay khi vừa xuống sân bay hoặc vừa phát hiện, lần thứ 2 sau 13 – 14 ngày cách ly.

Nếu kết quả âm tính thì mới cho ra khỏi nơi cách ly. Toàn bộ kinh phí thành phố chi trả", ông Chung nói.

Ông Chung cũng cho biết biết, quan điểm của thành phố, nếu lần 1 xét nghiệm dương tính thì các biện pháp xử lý coi như bệnh nhân đã nhiễm Covid-19.

"Mặc dù theo quy định là cần phải có xét nghiệm chéo của Viện dịch tễ T.Ư thì mới khẳng định và công bố. Nếu không triển khai ngay thì mất 8 – 24 tiếng, chậm mất", ông Chung nói.

Người đứng đầu UBND TP cũng đề nghị tuyên truyền, phổ biến đến tất cả người dân để những người trở về từ các vùng có dịch trong thời gian qua nên xét nghiệm.

"Nếu công dân ở trong nước nếu có nhu cầu đặc biệt, do bác sĩ chỉ định cũng sẽ cho xét nghiệm", Chủ tịch UBND thành phố nói.

Về tình hình lương thực, thực phẩm, ông Chung tái khẳng định việc thành phố đảm bảo cung ứng đủ cho người dân, vì thế không cần và không nên tích trữ.

"Thành phố cũng quyết định cho tất cả đơn vị cung ứng lương thực thực phẩm trên địa bàn được phép chở ô tô vào thành phố 24/24/7", ông Chung cho biết, đồng thời khuyến khích các trung tâm thương mại mở cửa thời gian dài hơn.

Ông Chung cho biết, thành phố đề nghị tất cả các hoạt động tôn giáo trên địa bàn thành phố tạm thời dừng lại đến hết tháng 3/2020 bởi cần tránh tập trung đông người vào lúc cao điểm lây nhiễm Covid-19.

"Mọi gười phải nâng cao ý thức tự giác cũng như các quy định của Chính phủ và thành phố Hà Nội. Phải phấn đấu giữ được thành phố an toàn. Còn người là còn tất cả. Không bị tổn thất về con người là thành quả lớn nhất, còn thiệt hại về kinh tế sẽ khắc phục được.

Chúng ta thực hiện hai nhiệm vụ song song, nhưng nhiệm vụ số 1 vẫn phải là an toàn, phòng chống Covid-19. Nếu để xảy ra sẽ gây tổn thương cho xã hội, cho nền văn hóa rất lâu, chưa thể tính hết được", ông Chung nói thêm.

Theo Trí Thức Trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang