Chúng ta tiếp cận vaccine sớm nhưng không được ưu tiên như một số nước
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã có thông tin về tiến độ tiêm vaccine của Việt Nam so với thế giới và một số nội dung liên quan.
Cụ thể, theo ông Cường, hiện nay theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Về cơ bản, đến nay, ông Cường nhấn mạnh, Việt Nam đã tiếp cận được đủ số lượng vaccine này.
Tuy nhiên, khi nhập khẩu, Việt Nam phải ký cam kết với nhà sản xuất mà không được đàm phán, cụ thể, đó là ký thỏa thuận miễn trách nhiệm trong sử dụng vaccine khi có sự cố xảy ra.
"Cùng với đó, tất cả đối tác đều yêu cầu chúng ta phải chấp nhận, nếu họ giao hàng không đúng tiến độ thì phải chịu, bởi vì chúng ta có đặc thù là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt.
Vì vậy, có trường hợp, họ đã chuyển cho chúng ta nhưng một vài hôm trước khi hàng về họ lại chuyển sang nước khác, ví dụ vừa rồi chuyển sang Lào, Campuchia.
Cho nên tiến độ chúng ta hoàn toàn phụ thuộc nhà cung ứng, trong bối cảnh cung chưa đủ cầu và tình hình dịch ở một số nước khác đang là điểm nóng”, ông Cường nói.
Ông nhấn mạnh thêm: "Chúng ta tiếp cận vaccine sớm nhưng không được ưu tiên như một số nước".
Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm, từ tháng 8 trở đi, các nguồn vaccine Việt Nam đã đặt mua sẽ về đều.
Hiện nay, chúng ta đã mua được 170 triệu liều vaccine nhưng phải chấp nhận khả năng không được giao hàng đúng tiến độ vì các lý do tôi đã nêu ở trên.
Cụ thể, Pfizer cam kết chuyển 15,5 triệu liều trong quý III/2021 và một số lượng tương đương trong quý IV. AstraZeneca và Covax cũng cam kết cung cấp khoảng 30 triệu liều. Mới đây nhât, phía Nga cũng cam kết dành cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine Sputnik.
Về việc kiểm soát chất lượng, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, vaccine hiện nay được nhập khẩu trong tình trạng khẩn cấp với chất lượng được nhà sản xuất đảm bảo.
Tuy nhiên, do vaccine được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên có một số đặc thù như chất lượng vaccine được nhà sản xuất đảm bảo, nhưng phản ứng và hiệu quả còn cần được tiếp tục theo dõi.
Thêm vào đó, có những loại vaccine được bảo quản trong điều kiện rất ngặt nghèo, ví dụ có loại vaccine bảo quản nhiệt độ âm 75 độ.
Đặc biệt, do được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên vaccine khi về Việt Nam có một số nội dung chưa kiểm định được.
Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng vaccine không thực hiện theo những tiêu chí thông thường mà phải chấp nhận những vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp chứng nhận hoặc do một số nước châu Âu, Mỹ, Nga chứng nhận.
Trong trường hợp này, ông Cường nêu rõ, phương pháp là phải trực tiếp mua của nhà sản xuất, không qua trung gian vì khi vận chuyển vaccine về, chúng ta không kiểm soát được quá trình bảo quản vaccine có bảo đảm không hoặc nhà sản xuất phải ủy quyền chính thức cho công ty nào...
Lịch trình hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 sẽ về Việt Nam
Vào ngày 3/6, Bộ Y tế đã thông tin chi tiết về hơn 120 triệu liều vaccine phòng Covid-19 sẽ có tại Việt Nam trong năm 2021.
Theo đó, ngoài vaccine AstraZeneca, trong năm nay Việt Nam đã đàm phán để có thêm vaccine của Moderna (5 triệu liều), của Pfizer (31 triệu liều) và 20 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga.
Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó ngoài nguồn của Chương trình COVAX Facility, AstraZeneca, Việt Nam đã đàm phán để có thêm các nguồn vaccine khác.
Cụ thể, hôm 2/6, Bộ Y tế đã đạt được thỏa thuận mua 20 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga.
Tháng 5/2021, Moderna đã ủy quyền cho một công ty phân phối 5 triệu liều cho Việt Nam.
Bộ Y tế cũng cho biết từ tháng 3/2021, Bộ đã đàm phán trực tiếp với hãng này, tuy nhiên hãng cho biết không có vaccine cung cấp trong năm 2021.
Ngoài ra, với vaccine của Pfizer/BioNTech, Bộ Y tế cho biết đã làm việc với hãng về việc mua 31 triệu liều ngay từ tháng 10/2020, khi vaccine đang thử nghiệm lâm sàng.
Ngày 20/5, Bộ đã ký hợp đồng vaccine. Số vaccine này sẽ được cung ứng trong quý 3, 4 của năm 2021 theo tiến độ quý 3: 15,5 triệu liều; quý 4: 15,5 triệu liều.
Trước đó, Bộ Y tế đã đàm phán thành công 38,9 triệu liều vaccine Covid-19 qua nguồn COVAX, trong đó lô thứ nhất với 811.200 liều đã về Việt Nam vào ngày 1/4, lô thứ 2 có hơn 1,682 triệu liều đã về ngày 16/5.
Bộ Y tế cũng đã đăng ký với COVAX để mua thêm vaccine phòng Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.
Đồng thời có 30 triệu liều vaccine AstraZeneca. Trong đó, lô đầu tiên có 117.600 liều về Việt Nam vào ngày 24/2, lô thứ 2 về vào ngày 25/5 với 288.100 liều.
Trong một thông tin mới nhất, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt có điều kiện vaccine Vero Cell của Trung Quốc, phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/thu-truong-truong-quoc-cuong-co-lo-vaccine-covid-19-dang-ve-viet-nam-lai-duoc-dieu-chuyen-sang-nuoc-khac-161210406103354195.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.