Cá chép còn có tên gọi khác là lý ngư, sống ở nước ngọt. Từ thịt cá đến vây cá đều là bài thuốc quý. Cá chép có thịt dày và béo, ít xương găm, thớ thịt trắng mịn, có mùi thơm khi chế biến thành các món ăn.
Các chị em thường rỉ tai nhau rằng, khi mang thai mẹ bầu ăn cá chép, con sinh ra chắc chắn sẽ thông minh. Không những thế còn có ngoại hình xinh đẹp với làn da trắng, đôi môi hồng.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là quan niệm dân gian và chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh cả. Mẹ bầu đừng vội thất vọng vì thông tin này, bởi cá chép có rất nhiều lợi ích đối với phụ nữ mang thai. Cùng tìm hiểu nhé!
1. Mẹ bầu ăn cá chép giúp an thai
Một công dụng tuyệt vời không thể bỏ qua khi ăn cá chép chính là giúp an thai ở bà bầu. Theo Đông y, cá chép là một trong những bài thuốc hiệu quả để chữa các bệnh như lợi tiểu, thông đường tiêu hóa, khử độc tố trong cơ thể, chữa lở loét, ho,… Khi kết hợp cá chép với thảo dược, thực phẩm khác có thể trị được bệnh phù thủng, nôn mửa, nghén ở phụ nữ mang thai giai đoạn đầu, lợi sữa ở giai đoạn sau sinh.
Khi mang bầu, chị em cảm thấy mỏi mệt, cơ thể suy nhược cũng có thể ăn cá chép để khỏe khoắn hơn.
2. Là thực phẩm giàu dinh dưỡng
Cá chép rất nhiều dưỡng chất. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 100gr cá chép cung cấp khoảng 162 calories, có khoảng 23g protein, 1g chất béo bão hòa, 84mg cholesterol và một ít các vi chất như canxi, vitamin A, vitamin C, sắt... Tùy theo mùa và sự thay đổi của thời tiết mà hàm lượng protein trong thịt cá chép sẽ có sự khác nhau. Trong đó, hàm lượng protein trong thịt cá chép vào mùa hè là phong phú nhất; vào mùa đông, hàm lượng protein và acid amin trong cá chép sẽ giảm đi.
Mặc dù không có tác dụng trong việc sinh con ra đẹp như mẹ mong muốn, nhưng với nguồn dinh dưỡng dồi dào trong cá chép, thai nhi sẽ phát triển toàn diện, đặc biệt là não bộ, giúp ngăn ngừa các vấn đề liên quan tới thần kinh.
3. Những lưu ý khi mẹ bầu ăn cá chép
- Khi mua cá chép, chị em nên chọn những con cá còn sống và là cá chép sông, sống trong môi trường tự nhiên, tránh mua cá chép bị nuôi trong môi trường độc hại, hóa chất, có thể ảnh hưởng tới thai kỳ của mẹ. Cá chép sông thường có đặc điểm như dài mình không béo tròn như cá ao, vảy dày và có màu sậm hơn. Ngoài ra, mẹ bầu cũng tránh loại cá cắt khúc sẵn vì đó có thể là cá chết hoặc là đã để lâu ngày. Cá có trứng sẽ gầy, ít thịt hơn.
- Những lưu ý khi sơ chế cá chép: Loại bỏ sạch ruột, gan cá vì những bộ phận này hay chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh không tốt cho sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi.
Khi sơ chế cá cần tránh làm vỡ mật cá, loại sạch mật cá rồi mới dùng. Nguyên nhân là mật cá có thành phần cyprinol sulfat rất dễ dẫn đến ngộ độc thức ăn.
- Theo Đông y, cá chép có vị ngọt, tính hàn nên không hợp để nấu cùng thịt gà tính ấm. Ăn phải cá chép nấu thịt gà mẹ rất dễ sinh mụn nhọt. Nếu lỡ ăn rồi mẹ bầu có thể uống nước đỗ đen để giải quyết.
- Cá chép còn "kỵ" cam thảo, dùng chung rất dễ sinh ra độc tố gây chết người, mẹ nhất thiết nên lưu tâm điều này
- Đối với cá chép thì tốt nhất mẹ bầu nên ăn vào giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên, tức trong 3 tháng mang thai đầu tiên của giai đoạn thai kỳ. Vì đây là thời điểm mà mọi tế bào thai nhi đang trong giai đoạn hình thành. Bởi vậy sẽ dễ dàng hấp thụ chất bổ hơn.
Vì vậy, ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ, các mẹ hãy thường xuyên bổ sung các món ăn chế biến từ cá chép vào thực đơn thai kỳ của mình nhé!
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.