"Tôi đang chuẩn bị đến Manhattan trong nhiều tuần để xạ trị thì nhận được kết quả từ Memorial Sloan Kettering thông báo mình đã khỏi bệnh ung thư" - cô Sascha Roth, một bệnh nhân tham gia một cuộc thử nghiệm về thuốc điều trị ung thư, hồi hởi chia sẻ với tờ New York Times - "Tôi đã đem tin vui báo cho gia đình mình nhưng họ không tin".
Sascha Roth, bệnh nhân đầu tiên tham gia nghiên cứu thực nghiệm vào cuối năm 2019. Ngoài cô còn có 11 bệnh nhân khác nữa.
Tin vui này cũng đến với 11 bệnh nhân còn lại tham gia thử nghiệm. Căn bệnh ung thư quái ác dường như đã biến mất ở tất cả mọi người. Khám sức khỏe, nội soi, chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) đều không còn phát hiện dấu hiệu bệnh.
Một thành tựu y học đáng chú ý nhất gần đây, nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân trên toàn thế giới, là hiệu quả thuyên giảm ung thư của một loại thuốc mới.
Thử nghiệm rất nhỏ được thực hiện chỉ với 12 bệnh nhân. Tuy nhiên, kết quả thu được đều khiến bệnh nhân và bác sĩ ngạc nhiên.
Trong quá trình thử nghiệm được tiến hành ở Mỹ, bệnh nhân đã dùng thuốc Dostarlimab trong 6 tháng. Kết quả cho thấy bệnh ung thư của họ thuyên giảm sau khi được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch thử nghiệm. Tất cả 12 bệnh nhân tham gia thử nghiệm đều bị ung thư trực tràng tiến triển cục bộ, tức các khối u đã di căn trong trực tràng. Thậm chí, có khi đã đến các hạch bạch huyết nhưng chưa đến các cơ quan khác - cũng như khối u có đột biến gen hiếm gặp được gọi là thiếu hụt sửa chữa không phù hợp (MMRd).
Cuộc thử nghiệm do Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York - Mỹ thực hiện và được công bố vào Chủ nhật (ngày 5 tháng 6) trên Tạp chí Y học New England.
Tổng cộng có 32 tác giả đã được liệt kê trong bài báo nghiên cứu được hỗ trợ bởi Quỹ Simon và Eve Colin, GlaxoSmithKline, Stand Up to Cancer, Swim Across America và Viện Ung thư Quốc gia của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Andrea Cercek - một bác sĩ ung thư tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, tác giả của bài báo và cũng là người trình bày nghiên cứu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ ở Chicago. Cô thậm chí còn chưa hoàn thành bài thuyết trình 10 phút của mình thì căn phòng vỡ òa trong tiếng vỗ tay. Tiếng thở dồn dập vì xúc động và nước mắt ngấn đọng lại trên khóe mắt của khán giả khi thấy những chữ cái in đậm, gạch chân xuất hiện trên màn hình màu xanh: "Hiệu quả lâm sàng với 100% bệnh nhân đầu tiên".
"Chúng tôi chắc chắn chưa bao giờ thấy điều này trước đây, đó thực sự là ước mơ của các bác sĩ chữa ung thư", tiến sĩ Andrea Cercek cho biết sau khi nghiên cứu được công bố và ghi nhận.
Còn tiến sĩ Luis A. Diaz Jr. thuộc Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering - một trong những tác giả nghiên cứu, nói với tờ New York Times: "Tôi không biết có nghiên cứu nào khác về phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh ung thư ở mọi bệnh nhân không nhưng tôi tin rằng đây là lần đầu tiên điều này xảy ra trong lịch sử điều trị bệnh ung thư".
Nguồn cảm hứng cho nghiên cứu đến từ một thử nghiệm lâm sàng do tiến sĩ Diaz dẫn đầu vào năm 2017, với 86 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư di căn có chung một đột biến gen ngăn cản các tế bào sửa chữa tổn thương DNA.
Các bệnh nhân từ thử nghiệm trước đó đã dùng chất ức chế điểm kiểm soát trong tối đa 2 năm. Sau đó kết quả cho thấy các khối u thu nhỏ hoặc ổn định ở khoảng 1/3 đến một nửa số bệnh nhân và biến mất hoàn toàn ở 10% số người tham gia.
Kết quả đã khiến tiến sĩ Cercek và tiến sĩ Diaz đặt câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra nếu thuốc được sử dụng sớm hơn trong quá trình bệnh. Và chính trăn trở này đã dẫn đến việc thử nghiệm thành công của thuốc Dostarlimab.
Dostarlimab đã được chấp thuận ở Mỹ và châu Âu vào tháng 4/2021. Đây là loại thuốc miễn dịch sử dụng trong điều trị ung thư nội mạc tử cung, tác động vào niêm mạc tử cung, có hiệu quả rất cao. Năm 2022, các nhà khoa học lần đầu tiên thử nghiệm thuốc trên khối u trực tràng.
Dostarlimab là chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Thuốc không hoạt động bằng cách tấn công trực tiếp vào chính khối u ung thư, mà thúc đẩy hệ thống miễn dịch của bệnh nhân thực hiện điều này.
Chia sẻ về lý do tại sao loại thuốc này có tác dụng, tiến sĩ ung thư Andrea Cercek giải thích: Dostarlimab hoạt động bằng cách "mở khóa hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể để chống lại bệnh ung thư". Cô cũng cho biết phương pháp điều trị đặc biệt này hoạt động ở "các tế bào ung thư cụ thể" cho phép chúng sửa chữa DNA của mình, cuối cùng dẫn đến đột biến.
Và theo lời tiến sĩ Cercek thì kết quả nhận được ngoài cả mong đợi: "Liệu pháp miễn dịch như dostarlimab thường thực sự chỉ điều chỉnh hệ thống miễn dịch để nó nhìn thấy ung thư và loại bỏ nó. Nhưng điều đáng chú ý ở đây là phương pháp này đã loại bỏ hoàn toàn ung thư, các khối u đã biến mất".
Bác sĩ Cercek tiếp tục giải thích rằng những kết quả như vậy thường chỉ xuất hiện ở 10% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, nhưng ở đây lại có hiệu quả với 100% bệnh nhân tham gia khiến kết quả của nghiên cứu càng trở nên "ấn tượng".
"Chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại hỏi rằng liệu thuốc có chữa được bệnh ung thư mà họ đang mắc phải hay không. Tôi đã rất xúc động khi nhận ra rằng họ đang mong đợi vào loại thuốc này", tiến sĩ Cercek nói.
Tiến sĩ Aju Mathew - chuyên gia tại Trung tâm Ung thư Ernakulam, cho biết ông cũng thường xuyên nhận được câu hỏi có phải loại thuốc mới chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư hay không.
Theo tiến sĩ Aju Mathew, các thuốc ức chế như dostarlimab chỉ phù hợp với bệnh nhân bị suy giảm chức năng hệ thống sửa lỗi ghép cặp DNA (MMR). Những bệnh nhân này có một số đột biến gen nhất định, khiến hệ thống sửa chữa gặp sai lầm khi ghép cặp DNA trong tế bào. Các tế bào không được sửa lỗi thường có nhiều đột biến gene, có thể dẫn đến ung thư.
MMR phổ biến nhất ở người mắc ung thư đại trực tràng, các loại ung thư đường tiêu hóa và ung thư nội mạc tử cung. Một số bệnh nhân ung thư vú, tuyến giáp, tuyến tiền liệt và bàng quang cũng gặp tình trạng này. Ông thừa nhận dostarlimab là một loại thuốc đầy hứa hẹn, song lưu ý các thử nghiệm lâm sàng đều rất nhỏ, chỉ có kết quả trên bệnh nhân mắc một loại ung thư cụ thể.
Còn theo tiến sĩ Nitesh Rohatgi, giám đốc cấp cao, khoa ung thư, Viện nghiên cứu Fortis Memorial, dostarlimab nên được chỉ định cùng với một số loại thuốc khác chứ không dùng độc lập. Với kết quả nghiên cứu mới, tại thời điểm này, chúng ta chỉ nên mong đợi một liệu pháp miễn dịch chữa ung thư ruột kết, có thể sử dụng trước khi phẫu thuật.
Trên toàn thế giới, ung thư đại trực tràng là loại khối u phổ biến thứ ba ở nam giới và phổ biến thứ hai ở phụ nữ, theo Cơ quan Thuốc và Công nghệ Y tế Canada. Có tới khoảng 5% bệnh nhân ung thư đại trực tràng là những trường hợp có khối u phát triển vì các tế bào không có khả năng sửa chữa những "sai sót" dẫn đến ung thư.
Mặc dù bệnh nhân ung thư trực tràng có khả năng sống sót cao khi được điều trị trong giai đoạn đầu, các phương pháp điều trị truyền thống hiệu quả nhất như xạ trị, hóa trị và phẫu thuật cũng có thể khiến bệnh nhân bị rối loạn chức năng ruột, bàng quang vĩnh viễn, thậm chí cả rối loạn chức năng tình dục và vô sinh. Đối với phụ nữ trẻ, việc điều trị có thể gây sẹo tử cung, khiến họ không thể mang thai. Những bệnh nhân khác có khối u trực tràng nằm thấp cần phải sử dụng vĩnh viễn một túi hậu môn nhân tạo sau khi phẫu thuật.
Theo Washingtonpost, Timesofindia, Wionews
https://afamily.vn/thuoc-dau-tien-chua-khoi-ung-thu-hanh-trinh-hien-thuc-hoa-uoc-mo-den-ket-qua-vi-dai-trong-lich-su-dieu-tri-benh-ung-thu-20220613152514215.chnTheo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.