Bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết thông tin này trong ngày 18/2.
Cụ thể chỉ trong vòng 2 tháng, khoa đã tiếp nhận đến 5 trường hợp sản phụ nằm than sau sinh dẫn đến bỏng nặng.
Như trường hợp của chị T.T.V.E. (31 tuổi, ngụ huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) nhập viện trong tình trạng ngộ độc khí CO, bỏng độ 2-3, bỏng sâu vùng mông, đùi, nhiễm trùng, hoại tử.
Theo lời khai từ người nhà, trước đó sau khi sinh con thứ 2 được vài ngày, chị E. xuất viện và được gia đình chuẩn bị bếp than ở dưới giường cho chị nằm, khiến chị bị ngộ độc khí, ngất xỉu rồi bỏng nặng.
Tại BV, các bác sĩ cho biết bệnh nhân dự kiến phải điều trị hơn một tháng mới ổn định.
Cùng cảnh ngộ, một sản phụ ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã ngộ độc ngất xỉu, đau lòng hơn là bàn tay bị rơi vào bếp than nóng rực gây nên vết bỏng quá nặng.
Nhiều bệnh nhân bỏng nặng vì nằm than sau sinh.
Ekip điều trị khi tiếp nhận buộc phải mổ khẩn, đoạn cả bàn tay để tránh tình trạng nhiễm trùng nặng và hoại tử ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
Mới nhất là vào ngày 13/2, chị P.T.G. (32 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận) nhập viện khi cả cánh tay trái, bàn tay phải đều bỏng sâu độ 3 và hoại tử nhiễm trùng nặng.
Hiện các bác sĩ đã cắt lọc, bù dịch và dùng kháng sinh cho bệnh nhân. Dự kiến khi tình trạng ổn định, sản phụ G. sẽ phẫu thuật ghép da bàn tay. Tuy nhiên vết thương dù lạnh vẫn để lại sẹo co rút, ảnh hưởng đến vận động sau này.
Được biết, chị G. vừa sinh con thứ 2 và gặp nạn khi vừa nằm than vừa phủ mền xông hơi.
May mắn là khi chị gặp nạn, con đã được chồng bế ra ngoài. Nếu không, hậu quả thực sự khó lường.
Bác sĩ Hiệp cho biết, phụ nữ Việt Nam sau khi sinh con thường nằm than để giữ ấm theo quan niệm dân gian.
Tuy nhiên đây là việc làm không phù hợp và phản khoa học vì khí hậu Việt Nam nóng ẩm. Phụ nữ sau khi cơ thể rất suy yếu, mất nhiều máu và có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh hơn người bình thường, nằm than sau sinh vừa có nguy cơ bỏng cao vừa gây ngộ độc.
Bên cạnh đó, em bé mới sinh làn da sẽ mỏng manh, dễ bị ảnh hưởng nhiệt độ của than gây bỏng.
Thậm chí, vẫn có những trường hợp sản phụ ở phòng thoáng mát, ngồi trước cửa phòng xông than vẫn ngất xỉu và té vào lửa đỏ gây nên tai nạn đau lòng.
Do đó theo bác sĩ thay vì nằm than, mẹ con sản phụ chỉ cần mặc thêm áo giữ ấm, gia đình gắn lò sưởi là đủ.
"Bếp than thường tạo ra khí CO, khí này một người hít vào sẽ gây ra các phản ứng hóa học trong máu, cản trở sự truyền tải Oxy rất nguy hiểm" - bác sĩ phân tích.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.