Nhận thông báo thưởng Tết, tôi đi làm không biết mệt
Từ hôm nhận thông báo thưởng Tết của công ty với 3 tháng lương, chị Nguyễn Thị Nghĩa (nhân viên Công ty Cổ phần In số 7, quận Bình Tân) đi làm mà không biết mệt. Trước đó, chị thường xuyên lo lắng bởi nghe thông tin cắt giảm lao động, nhiều người mất việc khi Tết cận kề. Cuối năm, nhiều thứ phải chi tiêu, nên người lao động nào cũng trông ngóng vào khoản thưởng này.
Theo chị Nghĩa, mấy tháng nay, chị chỉ được làm việc theo giờ hành chính, không có tăng ca. Để có tiền tiết kiệm, chị phải thắt chặt chi tiêu. Những đồ dùng gì thật cần thiết mới mua, đến ăn uống chị cũng tiết giảm tối đa.
" Mọi năm được làm việc, tăng ca đều thì có thể tích luỹ được một khoản. Giờ tăng ca không còn công nhân chỉ trông chờ vào khoản tiền thưởng Tết. Một đống tiền công không bằng một đồng tiền thưởng nên nhận được thông báo thưởng Tết, tôi và mọi người cảm động trước sự động viên của Ban lãnh đạo công ty", chị Nghĩa cho hay.
Để có số tiền thưởng này, chị đã rất nỗ lực lao động, chăm chỉ, xếp loại A - theo cách tính thưởng của công ty. Theo chị Nghĩa, với những người năng suất làm việc thấp hơn sẽ nhận thưởng thấp hơn.
" Mấy tháng nay do công ty thiếu đơn hàng nên việc làm của người lao động giảm đi. Có nhiều bộ phận vẫn đều việc, nhiều bộ phận thưa việc thì lao động phải điều chuyển liên tục. Sau khi công ty công bố thưởng, mọi lo lắng biến mất, ai cũng vui và phấn khởi", chị Nghĩa kể.
Là đồng nghiệp với chị Nghĩa, chị Nguyễn Đỗ Hồng Thanh cho hay, gần 15 năm làm công nhân, có bao nhiêu tiền đều gửi về quê nuôi con ăn học. Hai năm dịch bệnh, lại thêm kinh tế bị suy thoái khiến đời sống của chị và gia đình càng thêm chật vật.
“ Chúng tôi nghĩ rằng công ty thưởng 1 tháng lương đã mừng lắm rồi, không ngờ công ty quyết định thưởng thêm 3 tháng lương, ai cũng vỡ òa vui sướng. Mừng hơn khi nghe tin công ty sẽ lì xì thêm 1 triệu đồng, vậy là có cái Tết ấm no”, chị Thanh mừng rỡ nói.
Gia đình đông con, áp lực chi tiêu càng lớn hơn. Những tháng trước đây, chị vẫn dành được từ 2-3 triệu đồng gửi về quê. Gần đây, có tháng vợ chồng chị phải "khất" ông bà, nhờ ông bà chăm nuôi con giúp.
Những tháng gần đây, công ty gặp khó khăn, không tăng ca nên thu nhập giảm đáng kể. Để trang trải cuộc sống, tiết kiệm chi tiêu là cách mà chị Thanh lựa chọn trong bối cảnh khó khăn này. Có những ngày chị chỉ dám cầm 50.000 - 70.000 đồng đi chợ. Hai vợ chồng chị coi bữa ăn trong nhà máy là ăn chính, bữa tối chỉ rau, đậu qua ngày.
" Dịp này, công nhân nào cũng mong ngóng công ty công bố thưởng Tết. Khoản tiền này giúp động viên kịp thời người lao động và để chúng tôi ngày càng gắn bó hơn với công ty", chị Thanh chia sẻ.
Ngóng chờ vào tiền thưởng Tết
Tìm đến các khu trọ tại TP Thủ Đức trong những ngày cuối năm, không khó để bắt gặp hình ảnh công nhân rảnh rỗi, chỉ quẩn quanh trong các dãy nhà trọ.
Theo tìm hiểu, trong số những công nhân đang thuê trọ tại đây, không ít người rơi vào tình cảnh thiếu việc vì doanh nghiệp giảm đơn hàng và giờ làm. Họ muốn tăng ca để kiếm thêm thu nhập chuẩn bị đón Tết nhưng cũng lực bất tòng tâm.
Trong căn phòng trọ rộng chừng 10m2, chị Nguyễn Thị Điển (Công ty Freetrend, TP Thủ Đức) loay hoay nấu bữa cơm tối. Với chị, những ngày phải ngưng việc thật buồn chán.
Không may mắn như những công nhân khác, hơn 3 tháng trước, công ty cũ của chị ở Bình Dương phải đóng cửa do không có đơn hàng, chị phải chuyển về TP.HCM xin công việc mới. Do là người mới nên chị không được thưởng Tết như bao đồng nghiệp khác.
Thời gian này, chị Điển sống bằng lương thử việc của công việc mới, tương ứng 4 triệu đồng/tháng. Từ mức lương 7 triệu đồng/tháng, nay thu nhập giảm gần một nửa nên mọi chi tiêu chị Điển phải tiết kiệm ở mức tối đa.
"Bây giờ mua cái gì cũng đắt đỏ. Cầm tiền đi chợ mua cái gì cũng xót" , chị Điển nói.
Chị Điển cho biết, đã hơn 3 năm nay chị chưa về quê thăm con. Con gái hiện đang sống với người dì, lương công nhân vừa đủ chị trang trải cuộc sống hằng ngày, tiền học và tiền ăn của con.
“ Chị rất cần tiền thưởng để Tết về quê, lâu lắm rồi chị chưa về quê, nên Tết năm nay rất muốn có khoản tiền để về nhà thăm con”, chị Điển chia sẻ.
Theo chị Điển, gần 11 năm làm công nhân, chưa khi nào chị lại “rảnh” như năm nay. Những năm trước, từ giữa tháng 12, công ty chị Điển đã thông báo thưởng Tết cho người lao động. Năm nay, chuyển công ty mới, Tết Nguyên đán rất gần nhưng chị Điển vẫn chưa có thông tin gì về thưởng.
" Tết năm ngoái đang còn làm ở công ty cũ, dù khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh nhưng công ty vẫn thưởng Tết cho chúng tôi. Năm nay, tôi vừa chuyển đến công ty mới được thời gian ngắn nên khả năng không được thưởng Tết, cứ sống trong tâm trạng thấp thỏm. Với mức lương ngừng việc hiện nay, tôi không dám nghĩ đến Tết", chị Điển bày tỏ.
Nhiều năm mưu sinh xa nhà, mơ có một căn nhà là điều chị Điển chưa bao giờ nghĩ tới. Chị chỉ hy vọng có việc làm, có thu nhập, có khoản tiền thưởng cuối năm để dư chút tiền cho con học hành. Nhưng với tình hình hiện tại, chị rất khó bám trụ ở thành phố.
" Xa nhà nhiều năm nên tôi rất muốn về thăm bố mẹ và con gái. Tình hình doanh nghiệp khó khăn như vậy thì khó trông chờ vào thưởng Tết", chị Điển bộc bạch.
Cũng rơi vào cảnh ngừng việc do công ty ít đơn hàng, đã hơn 2 tháng nay, chị Nguyễn Khánh Huyền (công nhân Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM) phải xin bán hàng ở tiệm tạp hoá để bù đắp thu nhập cuối năm, chờ ngày công ty ổn định đơn hàng rồi đi làm tiếp.
Thu nhập bị giảm một nửa, chị Huyền không dám về quê thời điểm này. Làm công việc thời vụ, chị Linh xác định đây là giải pháp tạm thời. Nữ công nhân này chỉ mong, hết tháng này công ty gọi đi làm để công nhân còn có cơ hội nhận thưởng Tết.
" Năm nay, công nhân bị ngừng việc đều bàn tán bao giờ được đi làm, không biết có thưởng Tết hay không. Đều đi làm xa, không có việc làm có lẽ là nỗi sợ lớn nhất với chúng tôi", chị Huyền nói.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.