Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em: Vấn đề cấp thiết hay tình huống khó xử về đạo đức?

Lo ngại các biến thể virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh, nhiều nước đang xúc tiến việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em.

Song vấn đề tiêm phòng cho trẻ vẫn đang đứng trước thách thức lớn, thậm chí còn làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về tính cấp thiết của việc chủng ngừa cho nhóm đối tượng mà đa số không thuộc diện có nguy cơ cao này. Chưa kể nhiều ý kiến còn cho rằng, cần xem xét vấn đề đạo đức, phải hoàn toàn chắc chắn về mức độ an toàn cũng như lợi ích của trẻ khi tiêm vaccine Covid-19.

 

Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em: Vấn đề cấp thiết hay tình huống khó xử về đạo đức?  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

 

Cuba vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà cho trẻ em từ 2 đến 11 tuổi, sử dụng vaccine nội địa. Quốc đảo với 11,2 triệu dân này đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả trẻ em trước mùa tựu trường. Tất cả trẻ em từ 2 đến 18 tuổi sẽ được tiêm ít nhất hai liều vaccine Soberana-2 do Cuba tự phát triển và chiến dịch tiêm ngừa cho trẻ bắt đầu được triển khai từ ngày 6/9 vừa qua, đúng ngày khai giảng năm học mới tại tỉnh miền Trung Cienfuegos.

 

Giám đốc Viện vaccine Finlay của Cuba, ông Verez Bencomo khẳng định, vaccine nước này sử dụng cho trẻ em được chứng minh là an toàn, tạo miễn dịch tốt: "Chúng tôi tự phát triển vaccine dành cho trẻ em. Viện vaccine Finlay đảm nhận nhiệm vụ này. Chúng tôi đã phát triển vaccine dựa trên nền tảng của các loại vaccine dành riêng cho trẻ em, vì vậy không có nhiều nguy cơ rủi ro mà vaccine có thể gây ra cho trẻ em. Điều này cho phép chúng tôi đạt được những tiến bộ nhanh hơn. Chúng tôi cũng đã thu thập được tất cả bằng chứng qua các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được thực hiện ở La Habana cho thấy vaccine rất an toàn với trẻ em".

 

Ngoài Cuba, một số quốc gia khác cũng đã lên kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em nhưng đa phần nhắm đến nhóm tuổi từ 12 trở lên trong bối cảnh các trường học đang dần mở cửa trở lại. Một trong những quốc gia được xem là đi đầu trong việc phê duyệt vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi phải kể đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đầu tháng 8/2021 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của Sinopharm cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Viện Y tế Chile (ISP) cách đây 2 ngày cũng phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của công ty Trung Quốc Sinovac cho trẻ em từ 6 đến 12 tuổi.

 

Trong khi nhiều quốc gia vẫn tỏ ra thận trọng, mới chỉ tiêm chủ yếu cho nhóm đối tượng trẻ vị thành niên. Như tại Australia hay Hàn Quốc mới chỉ nhắm đến tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 16 tuổi trở lên. Ngay cả Ấn Độ một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh vẫn chưa tiến hành tiêm cho trẻ em, mà mới chỉ dừng ở thử nghiệm kiểm tra tính an toàn hiệu quả của vaccine.

 

Trong khi đó, phần đông các nước trong đó có các nước phương Tây như Mỹ, Anh hay Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang chờ thêm kết quả nghiên cứu về vấn đề này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng khi triển khai tiêm cho nhóm trẻ em nhỏ tuổi. Việc sử dụng vaccine để tiêm cho trẻ cũng được áp dụng với những chính sách khác nhau tùy điều kiện từng nước. Không thể phủ nhận, trước mối đe dọa của các chủng biến thể virus ngày càng nguy hiểm, chuyện tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn, song việc triển khai tiêm chủng cho nhóm đối tượng này vẫn vấp phải nhiều khó khăn, cần hết sức cẩn trọng, cân nhắc tới cả vấn đề đạo đức, khoa học, đặt lợi ích và sự an toàn của trẻ lên hàng đầu.

 

Đến nay thực tế đặt ra là việc nghiên cứu vaccine và tiêm chủng cho trẻ em vẫn gặp nhiều trở ngại. Cần tính toán, đánh giá liều lượng, độ an toàn của vaccine phù hợp với từng nhóm đối tượng trẻ em ở các độ tuổi khác nhau, với tình trạng sức khỏe khác nhau. Bởi trẻ em được cho là nhóm đối tượng có thể trạng và hệ miễn dịch yếu hơn người trưởng thành. Ngay cả khi vaccine được phê duyệt để tiêm cho trẻ, thì vấn đề quyết định tiêm cho trẻ hay không cũng cần có sự đồng tình từ phía các bậc cha mẹ mà nhiều người trong số đó vẫn không khỏi băn khoăn về tác dụng phụ của vaccine đối với sức khỏe của trẻ.

 

Ở một khía cạnh khác liên quan tới vấn đề đạo đức, tính cấp thiết của việc tiêm vaccine đại trà cho trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ tuổi còn được cho là đang được xem xét một phần do xuất phát từ lập luận rằng nguy cơ mắc Covid-19 ở trẻ là thấp hơn rất nhiều so với người trưởng thành.

 

Dù vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều xoay quanh việc tiêm chủng cho trẻ em, song trước khi có thêm nhiều dữ liệu về tính an toàn, hiệu quả của vaccine đối với nhóm đối tượng này, thì chính phủ các nước, giới chuyên gia y tế vẫn đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào các chương trình nghiên cứu vaccine cho trẻ với hy vọng sớm triển khai tiêm đại trà cho nhóm đối tượng này trong khoảng quý 4 năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Hiện các hãng dược phẩm lớn cũng đang dồn lực tập trung nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em. Pfizer/ BioNtech và Moderna đang gấp rút đẩy nhanh việc tiến hành các thử nghiệm đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccine do các hãng này phát triển nhằm vào nhóm đối tượng dưới 12 tuổi.

 

 

 

Link gốc: https://vov.vn/the-gioi/tiem-vaccine-covid-19-cho-tre-em-van-de-cap-thiet-hay-tinh-huong-kho-xu-ve-dao-duc-889091.vov

 

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang