“Đừng để vụ này chìm” có thể là câu nói đùa của cư dân mạng mỗi khi có "drama". Nhưng khi đặt nó vào ngữ cảnh vụ bê bối do cáo buộc quấy rối tình dục của giám đốc một nhà phát hành sách, chúng ta nhìn thấy một cuộc đấu tranh dài hơn để phá vỡ cơ chế bao che cho những kẻ quấy rối và phớt lờ đi tiếng nói của người bị hại.
Trong những chia sẻ với mạng xã hội, một tác giả nổi tiếng là người thân của nạn nhân cho biết: Nạn nhân đã không ít lần phản ánh tới các quản lý trong công ty, để rồi nhận về sự im lặng hoặc xem nhẹ vấn đề. Ngay cả khi chính anh lên tiếng và mạng xã hội bắt đầu có những phản ứng đầu tiên, nhà phát hành nọ vẫn phủ nhận mọi cáo buộc và yêu cầu khách hàng hãy có sự “tỉnh táo” khi đón nhận câu chuyện. Chỉ đến khi làn sóng phản đối trở nên dữ dội, công ty mới đưa ra lời xin lỗi chính thức kèm theo những cam kết để giải quyết sự việc.
Hãy thử đặt câu hỏi, nếu người nhân viên bị quấy rối đó không phải người thân của tác giả sở hữu hơn 80 nghìn người theo dõi trên Facebook - thì liệu câu chuyện này có thật sự nhận được sự chú ý và tạo ra sức ép đủ lớn để khiến chính nhà phát hành kia phải lên tiếng xin lỗi và cách chức để điều tra người giám đốc (vốn sở hữu hơn 50% cổ phần công ty) của chính mình?
Sự phớt lờ và dửng dưng mang tính tổ chức vốn là thứ tiền lệ đã luôn tiếp tay cho những hành vi quấy rối tình dục. Nó không chỉ khoét sâu thêm vết thương của nạn nhân khi tiếng kêu cứu của họ bị xem nhẹ, mà còn tạo thành một tâm lý chung cho những nạn nhân khác khi nhìn thấy kết cục tuyệt vọng của việc đứng lên đi tìm công lý cho chính mình. Kẻ quấy rối gây ra hành vi sai trái với nạn nhân sẽ phải trả giá vì nó, nhưng một tổ chức quay lưng với việc bảo vệ người lao động cũng buộc phải tự nhìn nhận lại và chỉnh đốn những sai lầm mang tính ý thức của cả một hệ thống. Tội ác cần phải chấm dứt. Và thứ tiền lệ dung túng cho nó cũng cần được xóa sổ.
Câu chuyện diễn ra ở nhà phát hành nọ chắc chắn chỉ là một trong vô số những câu chuyện khác vẫn tồn tại trong xã hội chúng ta hàng ngày. Nhưng những nạn nhân trong đó không phải là cháu của một tác giả nổi tiếng để có thể tạo ra một làn sóng đòi lại công bằng cho mình. Tôi từng choáng váng khi có dịp ngồi cùng với một người chủ tịch đạo mạo của một công ty lớn và nghe ông ta dùng những từ ngữ khiếm nhã để bình phẩm về ngoại hình của một nhân viên không có mặt tại đó. Điều khiến tôi giật mình bàng hoàng không chỉ bởi sự tục tĩu của những từ ngữ, hay việc nó được phát ra bởi một người đàn ông có hình ảnh được xã hội đánh giá là lịch lãm, học thức - mà còn bởi vị chủ tịch đó sẵn sàng nói những từ ngữ ấy trước mặt cả những người không nằm trong tổ chức của ông ta như tôi. Có lẽ ẩn sâu trong tiềm thức của ông ta, sử dụng những lời lẽ đó để nói về phụ nữ là chuyện hoàn toàn bình thường. Câu chuyện đó khiến tôi hoàn toàn thay đổi góc nhìn của mình về vị chủ tịch nọ, đồng thời, dấy lên trong tôi một mối hoài nghi về thứ đạo đức đằng sau vẻ ngoài đàng hoàng của không ít những doanh nghiệp ngoài kia.
Không phải tự nhiên mà đa số những kẻ quấy rối thường có vị trí cao hơn nạn nhân trong một tổ chức. Đó có thể là chủ doanh nghiệp, giám đốc công ty, trưởng phòng, trưởng nhóm… Hành vi quấy rối thường diễn ra trong một không gian chỉ có hai người, và chẳng nạn nhân nào dám lên tiếng tố cáo người chủ của mình khi họ không có bằng chứng hữu hình để nhận được sự ủng hộ và khích lệ của những người xung quanh. Họ vẫn buộc phải im lặng và thỏa hiệp để tồn tại. Họ vẫn bị phớt lờ và coi nhẹ vì một môi trường vốn đã coi chuyện quấy rối là một thứ mà nạn nhân phải chấp nhận. Họ là muôn vàn những tiếng nói bé nhỏ khác bị lấn át bởi sức mạnh của những kẻ trên quyền và những tội ác đấy vẫn tiếp tục được bao che chỉ bởi chúng ta chưa hề có một cơ chế xử lý đủ nghiêm khắc và minh bạch.
Điều gì sẽ đảm bảo tiếng nói của nạn nhân được lắng nghe?
Điều gì sẽ đảm bảo sự ghi nhận, điều tra và xử lý thỏa đáng với những gì nạn nhân đã trải qua?
Điều gì sẽ đảm bảo một môi trường công bằng và tôn trọng cho nạn nhân sau khi họ dám đứng lên tố cáo kẻ đã quấy rối?
Chỉ khi trả lời được những câu hỏi đó, chúng ta mới có thể tạo ra một môi trường có những nền tảng cơ bản để bảo vệ các nạn nhân khỏi quấy rối tình dục. Và chỉ khi nhìn về quấy rối tình dục như tội ác cần phải nghiêm khắc tận diệt, chúng ta mới tìm đủ mọi cách để những kẻ quấy rối không có chỗ để tồn tại trong một tổ chức đứng đắn, văn minh và tôn trọng người lao động.
Khi Harvey Weinstein bị bóc trần hành vi quấy rối tình dục với hàng trăm phụ nữ trong suốt sự nghiệp, ông ta buộc phải từ chức khỏi hãng phim lừng danh do chính mình đồng sáng lập, đồng thời phải rút khỏi Viện hàn lâm khoa học và điện ảnh Mỹ. Nhưng câu chuyện không chấm dứt ở đó. Sự sụp đổ của Weinstein kéo theo bức màn hé lộ sự thật trần trụi về ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood, nơi tồn tại những tội phạm tình dục được dung túng trong môi trường mà công lý thuộc về kẻ mạnh. #Metoo ra đời để xoay chuyển lại cán cân đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, và lần đầu tiên, trao quyền được cất tiếng nói cho các nạn nhân.
Đối chiếu với câu chuyện của nhà phát hành sách kia, tôi mong rằng mọi thứ sẽ không dừng lại ở một lời xin lỗi. Không một chiến lược truyền thông nào có thể xử lý khủng hoảng nếu cốt lõi của vấn đề vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo và rõ ràng. Nhìn về phía xa hơn, không một tội ác nào chấm dứt nếu những lời xin lỗi được đưa ra chỉ để chữa cháy một cách bề mặt.
Nếu những cáo buộc được điều tra và chứng minh là sự thật, tôi không chỉ mong kẻ quấy rối phải trả giá cho những sai lầm của mình trước pháp luật và xã hội, mà còn muốn nhìn thấy những thay đổi mang tính hệ thống của chính nhà phát hành ấy và các công ty lớn khác trong việc cam kết tạo ra một môi trường an toàn và công bằng cho các nhân viên của mình.
Tôi tin rằng sự việc lần này đã tạo ra một tiền lệ để động viên các nạn nhân của quấy rối tình dục có được sự dũng cảm để lên tiếng cho chính mình trong tương lai. Nhưng cũng hãy để sự việc lần này là bàn đạp để chúng ta đặt dấu chấm cho không chỉ những kẻ quấy rối, mà còn là dấu chấm cho sự im lặng, phớt lờ và xem nhẹ - những tiền lệ đã bao che cho tội ác được âm thầm tiếp diễn trong xã hội văn minh của chúng ta bấy lâu nay.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.