Đó là câu chuyện bếp núc ngày dịch của người phụ nữ "khéo co" Nguyễn Thị Nguyệt, 45 tuổi ở đường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.
Hiện nay, giữa tình hình dịch bệnh cả nước đang thực hiện nghiêm ngặt chỉ thị 16 của Chính phủ, nhiều hàng quán và chợ cóc ở đã tạm thời đóng cửa. Hầu hết mọi gia đình, phân xưởng ở Hà Nội bắt đầu hình thành thói quen nấu ăn, thưởng thức tại nhà, tại công ty nhiều hơn hẳn trước đây.
Vì vậy, để thay đổi khẩu vị, chị Nguyễn Thị Nguyệt cũng như nhiều người nấu bếp khác đang đau đầu tính cách chi tiêu tiền ăn tiết kiệm mà vẫn đầy đủ dưỡng chất để gia đình phòng dịch.
Gần chục năm nay chị Nguyệt làm công việc nấu ăn cho một công ty chuyên về xăm lốp ô tô tại Hà Đông. Hàng ngày ngoài lau dọn bàn ghế văn phòng, chị đảm nhiệm nấu bữa ăn trưa cho hơn 30 nhân viên của công ty. Chính bởi thế chị rất có kinh nghiệm vén khéo và chi tiêu cho bữa ăn gia đình mình vừa đầy đủ chất mà tiết kiệm nhất.
Mỗi ngày chị thức dậy lúc 6h sáng và chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà, 7h bắt đầu đi làm. Chiều chị về nhà chuẩn bị bữa tối cho cả gia đình.
Theo chị Nguyệt cho biết, do đã quen mua thực phẩm và nấu bữa trưa cho khoảng 30-32 người ở công ty nên hầu như việc bếp núc gia đình với chị rất nhàn nhã và không bao giờ chi tiêu quá tay. Ngược lại chị luôn kiểm soát được từng bữa ăn gia đình vẫn đảm bảo đủ chất nhất.
Bà nội trợ này cũng cho biết, nhà có 6 người nhưng tiền ăn của gia đình chị chỉ hết khoảng 4 triệu đồng/tháng. Vì mọi người đều đi học, đi làm hết nên ở nhà chị thường có 2 bữa chính là bữa sáng và bữa tối.
Bữa sáng 6 người ăn hết khoảng 50 ngàn đồng: "Mình thường nấu xôi sáng ăn kèm thịt lợn băm hay thịt kho cho mọi người ăn. Hoặc có lúc đổi món thì ăn mì, bánh đa nấu rau cải thịt băm. Hoặc có lúc ăn miến, phở gà hoặc cháo lòng... thay đổi".
Bữa tối là bữa chính cả nhà sum vầy, chị thường nấu nhiều đồ ăn hết khoảng 120 ngàn đồng/mâm cơm. Chia nhỏ ra mỗi người ăn tối chỉ mất khoảng 20 ngàn đồng/bữa.
Số tiền này chỉ tính riêng tiền mua thức ăn và mắm muối, chưa bao gồm tiền gạo và tiền gas hàng ngày: "Ban đầu mình khá đau đầu tính toán bữa ăn sao cho mâm cơm tối chỉ trong khoảng 120 ngàn đồng/6 người ăn. Song cũng phải liệu cơm gắp mắm để mua bán và chế biến thực phẩm sao cho cố gắng có mâm cơm tươm tất nhất cho người thân ăn".
Với số tiền 20 ngàn đồng/người/bữa chính, chị Nguyệt vẫn cố gắng đảm bảo sao cho mâm cơm luôn có 4 món: 2 món mặn, 1 món xào, 1 món canh rau. Đặc biệt, có những hôm nhờ tài chi tiêu và vén khéo mà chị vẫn cho được mọi người ăn tôm chiên, cá tẩm bột.
"Để đảm bảo mâm cơm 6 người ăn chỉ loanh quanh trong 120 ngàn đồng, mỗi ngày đi chợ là mỗi ngày mình phải tính toán lên thực đơn trước. Thế nhưng khi ra đến chợ, thực đơn tính toán sẵn có khi lại không thực hiện được.
Bởi giá cả thực phẩm ở chợ lên xuống thất thường lắm. Chưa kể, có món mình dự định hôm nay ăn nhưng chợ lại không có bán nên cũng không mua chế biến được. Vì thế, thực đơn mình nấu thường tùy cơ ứng biến, hôm nọ bù hôm kia", chị Nguyệt chia sẻ.
Do tiền ăn của gia đình chỉ gói gọn trong từng đó nên với bà nội trợ này, việc đi chợ, nấu ăn hàng ngày khá áp lực và chưa bao giờ đơn giản. Bởi làm sao cho bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng, lại vừa ngon miệng hợp khẩu vị mọi người là điều khiến người đứng bếp như chị luôn đau đầu.
Thông thường những món ăn của chị Nguyệt làm khá đơn giản từ cách chế biến không quá khó nấu và hợp với thời tiết: "Chẳng hạn ngày nắng nóng thì nhất thiết phải có bát canh rau muống, canh bầu, canh cua mùng tơi hoặc đậu phụ và phải có bát cà ăn cơm mới thấy ngon. Dù có các món mặn nhiều đạm nhưng lúc nào mình cũng thích mâm cơm nhiều rau đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho bữa cơm trưa cho mọi người".
Khi hỏi về bí quyết đi chợ để mua được thực phẩm rẻ lại tươi ngon về chế biến mâm cơm đầy đặn thời dịch bệnh, bà nội trợ này thú nhận:
"Thời buổi dịch bệnh mọi thứ đều rất khó khăn thế nên phương châm của mình là đi chợ mua cái gì rẻ được đồng nào đỡ đồng ấy. Không riêng gì bữa ăn nấu tại công ty mà cho gia đình mình cũng phải tính toán kỹ lưỡng để tiết kiệm.
Để có mâm cơm đầy đặn chỉ 20 ngàn đồng/người, mình phải chịu khó chạy xe đi chợ xa một chút nhưng bù lại mua đồ giá rẻ hơn, nhất là các loại rau, củ quả bày bán tại chợ rất tươi ngon. Đây cũng là cách để mình cân đối chi tiêu cho bữa ăn hằng ngày".
Ghi theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/tiet-kiem-mua-dich-me-dam-o-ha-dong-kheo-ven-nau-mam-com-6-nguoi-an-ma-chi-het-20-ngan-nguoi-222021118233755901.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.