Tiêu chảy khi mang thai mẹ bầu nên làm gì?

(lamchame.vn) - Tiêu chảy khi mang thai nếu bị nhẹ có thể tự khỏi, chỉ cần bù nước và điện giải. Tuy nhiên, nếu tình trạng tiêu chảy nặng có thể gây mất nước, đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ thì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho cả mẹ bầu và thai nhi.

Nguyên nhân tiêu chảy khi mang thai

 

Tiêu chảy là tình trạng rối loạn đường ruột với biểu hiện là đi ngoài, phân lỏng liên tục (hơn 3 lần/ngày) và kéo dài.

Trong giai đoạn thai kỳ, sức đề kháng và hệ tiêu hóa của phụ nữ thường bị giảm sút và rất yếu nên khi ăn uống cần hết sức thận trọng. Nếu mẹ bầu ăn uống phải thực phẩm hoặc nguồn nước bị nhiễm khuẩn, cộng thêm sức đề kháng yếu hơn bình thường sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây ra tình trạng tiêu chảy.

Một số nguyên nhân thông thường khiến bà bầu bị sôi bụng tiêu chảy có thể kể đến:

  • - Virus, vi khuẩn xâm nhập vào đường ruột gây bệnh

  • - Nhiễm ký sinh trùng gây bệnh đường tiêu hóa

  • - Ngộ độc thực phẩm

  • - Viêm dạ dày ruột cấp tính do virus

  • - Hội chứng ruột kích thích

  • - Tác dụng phụ của một số thuốc

  • - Mắc bệnh viêm loét dạ dày, bệnh Crohn, bệnh Celiac

Ngoài ra, khi mang thai, chế độ ăn uống của mẹ thay đổi. Sự thay đổi đột ngột khiến cho dạ dày không kịp thích ứng và gây ra tiêu chảy.

Nhất là khi đa số mẹ bầu sẽ uống thêm vitamin để tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, những loại vitamin này cũng có thể làm đau dạ dày và gây nên tình trạng tiêu chảy.

Một nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tiêu chảy khi mang thai đó là do có sự thay đổi hormone trong cơ thể người mẹ. Nếu hormone này khiến hệ thống tiêu hóa làm việc nhanh hơn thì có nguy cơ gây nên bệnh tiêu chảy.

Tiêu chảy khi mang thai có nguy hiểm không?

Tiêu chảy khi mang thai có thể kéo dài 1-10 ngày tùy thuộc nguyên nhân. Các triệu chứng đau bụng tiêu do tiêu chảy thường gặp như đau bụng vùng quanh rốn, đôi khi có thể đau dữ dội và mỗi cơn đau lại mót đi ngoài phân lỏng. Điều đáng lo ngại nhất là các cơn đau bụng có thể kích thích tử cung co bóp, đe dọa sự an toàn của thai nhi.

Phụ nữ mang thai sức đề kháng kém hơn nên mắc tiêu chảy nặng hơn các trường hợp bình thường, do đó, mức độ nguy hiểm cao hơn. Ngoài tác hại lên cơ thể mẹ, thai nhi trong bụng cũng chịu ảnh hưởng nếu mẹ bị tiêu chảy. Người mẹ bị mệt, kém ăn, suy kiệt có thể khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển và nặng hơn nữa có thể làm thai chết lưu trong bụng mẹ.

Nếu gặp những dấu hiệu sau đây, bà bầu cần nhập viện ngay lập tức để nhận được sự hỗ trợ kịp thời:

  • - Tiêu chảy nghiêm trọng từ 2 ngày trở lên.

  • - Tiêu chảy kèm theo nôn mửa và sốt.

  • - Phân lẫn máu.

  • - Tiêu chảy kèm theo đau bụng dữ dội.

  • - Không tiểu được hoặc tiểu rất ít trong khoảng hơn 5 giờ.

Bà bầu bị tiêu chảy nên ăn gì?

Một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp bà bầu mau khỏi bệnh hơn. Vì vậy, bà bầu bị tiêu chảy nên ăn các thực phẩm sau:

  • - Cà rốt

  • - Chuối

  • - Cơm trắng

  • - Khoai lang, khoai tây

  • - Táo

  • - Trứng gà

  • - Bánh mì nướng

  • - Dầu hạt lạnh

  • - Việt quất

Bà bầu bị tiêu chảy phải làm sao?

Để nhanh chóng mau hết bệnh, mẹ bị tiêu chảy cần chú ý:

  • - Uống nhiều nước: Tiêu chảy sẽ khiến cơ thể bà bầu bị mất nước trầm trọng, do đó, rất cần bổ sung nước cho cơ thể. Tuy nhiên, bà bầu nên tránh những loại nước ngọt, nước hoa quả, nước có gas… Tốt nhất là nước lọc, nước đun sôi để nguội.

  • - Bổ sung điện giải: Đây cũng là điều cực kỳ quan trọng với bà bầu bị tiêu chảy. Bà bầu nên tích cực uống oresol mỗi giờ để bổ sung điện giải kịp thời.

  • - Nghỉ ngơi nhiều hơn: Do mất nhiều nước, bà bầu sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn rất nhiều. Vì thế, hãy dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn để lấy lại sức cho cả mẹ và bé.

 

Những lưu ý nếu bị tiêu chảy khi mang thai

Nếu điều trị sớm thì tình trạng tiêu chảy khi mang thai sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Dưới đây là một số lưu ý cần thiết:

  • - Điều trị tiêu chảy muốn hiệu quả thì cần phải điều trị theo nguyên nhân.

  • - Những trường hợp tình trạng tiêu chảy ở mức độ nhẹ: Thông thường bệnh sẽ tự khỏi và mẹ bầu có thể chỉ cần uống oresol, bù nước.

  • - Những trường hợp tình trạng tiêu chảy ở mức độ nghiêm trọng: Mẹ bầu không nên chủ quan. Hãy đi khám sớm để được chẩn đoán bệnh, đồng thời đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

  • - Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị để tránh gây hại cho sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

Chắc hẳn sau khi đọc bài viết trên mẹ cũng có thể giải đáp phần nào câu hỏi “Mẹ bầu bị tiêu chảy có nguy hiểm không?”. Nếu tình trạng mẹ bầu bị tiêu chảy kéo dài, mệt mỏi, kèm theo các dấu hiệu khác thì nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời nhé!

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang