Một trong những nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin COVID-19 tại Mỹ đã được tiến hành vào sáng thứ Hai (27/7), theo Viện Y Tế Quốc gia Mỹ (N.I.H) và công ty công nghệ sinh học Moderna – hai đơn vị cùng hợp tác phát triển loại vắc-xin này.
Theo nghiên cứu trên, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc-xin này có sự tham gia của 30.000 người khỏe mạnh tại khoảng 89 địa điểm trên cả nước. Một nửa trong số đó sẽ được tiêm hai liều vắc-xin cách nhau 28 ngày và nửa còn lại sẽ được cho dùng giả dược nước muối. Cả những người tình nguyện và nhân viên y tế tiêm thuốc đều sẽ không biết ai được tiêm vắc-xin thật.
Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi các đối tượng này, tìm hiểu các tác dụng phụ và chờ xem liệu những người được tiêm vắc-xin có giảm đáng kể nguy cơ mắc Covid-19 hay không - nhằm chứng minh hiệu quả của vắc-xin.
Mục tiêu chính của thử nghiệm là xác địnhh xem vắc-xin có thể ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 hay không. Nghiên cứu cũng sẽ nỗ lực đi tìm lời giải đáp cho nhiều câu hỏi như: vắc-xin đang được thử nghiệm có thể hạn chế tình trạng bệnh nặng và tử vong hay không; có thể ngừa nhiễm virus nCoV hoàn toàn không và nếu chỉ tiêm một mũi thì có thể ngừa nhiễm COVID-19 được không.
Các thử nghiệm trước đây cho thấy vắc-xin này kích thích phản ứng miễn dịch mạnh mẽ với một số tác dụng phụ nhẹ như: đau cánh tay, mệt mỏi, đau mỏi và sốt. Nhưng chính xác là loại phản ứng miễn dịch nào cần để ngăn ngừa dịch bệnh thì vẫn chưa được tìm ra, vì vậy các nghiên cứu ở giai đoạn 3 là rất cần thiết để xác định xem vắc-xin có thực sự phát huy tác dụng hay không.
Tiến sĩ, Bác sĩ Francis Collins - Giám đốc của N.I.H cho biết: "Việc phân phối một loại vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả vào cuối năm 2020 là một mục tiêu không dễ đạt được, nhưng nó là mục tiêu đúng đắn cho người dân Mỹ". Vị này cho biết mặc dù với tiến độ rất nhanh để sớm thử nghiệm vắc-xin trên người nhưng "các biện pháp an toàn nghiêm ngặt nhất" vẫn được duy trì.
Công ty Moderna cho biết họ sẽ có thể cung cấp khoảng 500 triệu liều mỗi năm và có thể lên tới một tỷ liều mỗi năm từ năm 2021. Công ty này đã nhận được khoảng nửa tỷ đô la từ chính phủ để phát triển vắc-xin COVID-19, họ cũng cho biết sẽ không bán vắc-xin với giá gốc để vì lợi nhuận.
Vắc-xin này dùng một phiên bản tổng hợp của vật liệu di truyền từ một phần của coronavirus, được bọc trong các hạt nhỏ từ chất béo giúp nó xâm nhập vào tế bào người. Vật liệu di truyền còn được gọi là RNA (ARN) hay mRNA (ARN thông tin), làm các tế bào tạo ra một mảnh virus nhỏ mà hệ thống miễn dịch coi là ngoại lai và dần nhận biết được. Nếu người này sau đó tiếp xúc với virus thực sự, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công chúng.
ARN thông tin chưa được đưa vào sản xuất trong bất kỳ loại vắc-xin nào được kiểm duyệt, nhưng các công ty khác cũng đã đầu tư vào phương pháp điều chế này, vì tiềm năng sản xuất vắc-xin nhanh chóng. Chính phủ Mỹ tuần trước tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận trị giá 1,95 tỷ đô la mua 100 triệu liều vắc-xin mRNA do công ty dược phẩm đa quốc gia Pfizer hợp tác sản xuất với công ty BioNTech của Đức.
Vắc-xin đó cũng dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 trong tháng này và chính phủ Mỹ sẽ mua nếu thử nghiệm chứng minh rằng nó an toàn và hiệu quả. Hai công ty Curevac và Sanofi cũng đang nghiên cứu vắc-xin mRNA.
Nguồn: NYT
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.