Tịnh thất Bồng Lai trưng ra giấy nhận con nuôi: Mẹ ruột nếu đòi con phải đền 10 tỷ đồng?

Theo văn bản nhận con nuôi mà ông Hoàn Nguyên, đại diện Tịnh thất Bồng Lai cung cấp cho PV, mẹ ruột của các bé muốn nhận lại con phải 'đền' cho ông Lê Tùng Vân 10 tỷ đồng.

"Giao kèo" gây sốc

Vừa qua, câu chuyện liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai đã khiến dư luận không khỏi xôn xao. Theo đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An cũng đã lên tiếng khẳng định cơ sở này không phải là cơ sở Phật giáo.

Vào năm 2020, sau khi bị các cơ quan ngôn luận lên tiếng về những hoạt động sai trái, ông Lê Tùng Vân còn cho đổi tên Tịnh Thất Bồng Lai thành Thiền am bên bờ vũ trụ.

Trước đó, trả lời Đài PT-TH Long An, ông Hồ Trường Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xác nhận địa phương đã làm giấy khai sinh đối với 3 em bé tại Tịnh thất Bồng Lai, có "mẹ" là một số phụ nữ sống tại đây.

Tịnh thất Bồng Lai trưng ra giấy nhận con nuôi: Mẹ ruột nếu đòi con phải đền 10 tỷ đồng? - Ảnh 1.

Em bé được Tịnh thất Bồng Lai nhận nuôi

Tịnh thất Bồng Lai trưng ra giấy nhận con nuôi: Mẹ ruột nếu đòi con phải đền 10 tỷ đồng? - Ảnh 2.

Ông Nhất Nguyên đến nhận nuôi trẻ

Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, ông Hoàn Nguyên vẫn khẳng định các cô "chỉ làm mẹ" trên phương diện giấy tờ, hoàn toàn không có mối quan hệ huyết thống. Đồng thời, ông Nguyên cũng cung cấp cho PV một số hình ảnh, giấy tờ để chứng minh việc nhận nuôi trẻ mồ côi tại cơ sở này.

Theo ông Nguyên, em bé này được cơ sở của ông Lê Tùng Vân nhận nuôi từ một người mẹ không có khả năng kinh tế. Văn bản cho con nêu rõ lý do của người mẹ vì "hoàn cảnh gia đình quá khó khăn" nên "cho đứt bé vĩnh viễn cho ông Lê Tùng Vân".

Tịnh thất Bồng Lai trưng ra giấy nhận con nuôi: Mẹ ruột nếu đòi con phải đền 10 tỷ đồng? - Ảnh 3.

Giấy "cho con" mà ông Hoàn Nguyên cung cấp

Đáng chú ý, trong văn bản cho con có dòng cam kết: "Nếu vì một lý do bất khả kháng nào đó mà tôi phải đòi bé lại thì tôi phải đền lại cho ông Lê Tùng Vân 10 tỷ đồng".

Ông Nguyên cũng cho biết: "Hoàn cảnh bé rất đáng thương, nếu không nhận nuôi bé sẽ bị bỏ rơi. Chúng tôi không để trẻ bơ vơ nên mới nhận về nuôi".

Giấy thỏa thuận liệu có giá trị pháp lý?

Theo quan điểm của luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, về nguyên tắc, người nhận con nuôi ngoài việc đáp ứng đủ các điều kiện để nhận nuôi con nuôi được quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010, còn phải thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

Hồ sơ sẽ bao gồm: Đơn xin nhận con nuôi; Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; Phiếu lý lịch tư pháp; Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; Giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 21 Luật Nuôi con nuôi, việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi được thể hiện tại Giấy thỏa thuận về việc cho trẻ em làm con nuôi.

Đồng thời, ở phần cuối Giấy thỏa thuận phải ghi rõ địa điểm và thời gian lập thỏa thuận, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của Cha mẹ đẻ/Người giám hộ hoặc nơi có Cơ sở y tế/Cơ sở nuôi dưỡng.

Trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

Tịnh thất Bồng Lai trưng ra giấy nhận con nuôi: Mẹ ruột nếu đòi con phải đền 10 tỷ đồng? - Ảnh 4.

Ông Hoàn Nguyên khẳng định các cô tại Tịnh thất Bồng Lai chỉ có mối quan hệ trên giấy tờ với "trẻ mồ côi".

 

Trong Giấy thỏa thuận cũng cần ghi rõ các thông tin như: mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi. Sự đồng ý của cha mẹ đẻ/người giám hộ đứa trẻ phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe doạ hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

Nếu thiếu một trong các thông tin trên, Giấy thỏa thuận về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi sẽ không có giá trị.

Như vậy, trong Giấy thỏa thuận nói trên mà phía Tịnh thất Bồng Lai đưa ra chưa ghi rõ thông tin của đứa trẻ được nhận làm con nuôi, nếu đứa trẻ từ đủ 9 tuổi trở lên còn cần phải được sự đồng ý của đứa trẻ về việc nhận con nuôi.

Hơn nữa trong nội dung chưa ghi rõ quyền và nghĩa vụ của hai bên mà chỉ ghi nghĩa vụ và trách nhiệm của người mẹ nếu vi phạm thỏa thuận, cũng như việc xác nhận của người mẹ về việc hoàn toàn tự nguyện, đồng ý cho đứa trẻ làm con nuôi, phần cuối Giấy thỏa thuận chưa có xác nhận của UNBD xác nhận về việc này, vì vậy Giấy thỏa thuận này sẽ không có giá trị về mặt pháp lý.

 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang