Tôi đã đánh, mắng con có phải là cách dạy tốt?

(lamchame.vn) - Đã có rất nhiều ý kiến xung quanh quan điểm dạy con bằng cách trừng phạt hoặc đánh, mắng con. Có nhiều bố mẹ tỏ ra thận trọng khi trừng phạt hay đánh, mắng con khi con mắc lỗi, tuy nhiên cũng có bố mẹ lại coi việc đánh, mắng con là cách dạy con hiệu quả. Họ thường vin vào câu: "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" để biện hộ cho hành động của mình.


[​IMG]

Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng xuất phát từ mong muốn dạy cho trẻ tinh thần kỷ luật và một nếp sống tốt thì việc áp dụng một số hình thức thưởng/phạt nho nhỏ là điều cần thiết. Tuy nhiên việc cần thiết ở đây là xác định được hình thức phạt và mức độ phạt như thế nào cho phù hợp?

Trước hết là những hình thức phạt chấp nhận được là cách phạt mà chỉ với mục đích để trẻ nhận thấy và hiểu được hành động của mình là sai và hậu quả mà trẻ sẽ phải chịu. Ví dụ, với trẻ lớn hơn 3 tuổi, nếu trẻ mắc lỗi bạn có thể cho trẻ vào một góc nào đó trong nhà một mình để trẻ bình tĩnh lại. Hay nếu trẻ mải đi chơi về muộn quá giờ quy định, bạn có thể áp dụng hình phạt trẻ sẽ không được đi chơi trong một khoảng thời gian nào đó.

Có một lưu ý ở đây mà các bố mẹ nên nhớ là trước khi áp dụng bất cứ hình phạt nào thì cũng cần giải thích cho con một cách ngắn gọn tại sao con bị phạt để trẻ có thể suy nghĩ thêm trong thời gian phạt. Việc bạn nói chuyện thêm với con sau khi hết thời hạn phạt cũng sẽ giúp con nhận thức sâu hơn về hành động đã làm của trẻ và hành động của bố mẹ khi đó. Bố mẹ cũng nên nhớ không nên sử dụng các hình phạt quá thường xuyên vì điều này sẽ mất dần tính hiệu quả của các hình phạt.

Bên cạnh những hình thức phạt chấp nhận được thì cũng có những hình phạt khó chấp nhận được. Đó là những hình phạt làm đau đớn, tổn thương trẻ về thể chất cũng như tinh thần, làm giảm lòng tự trọng, nhân phẩm của trẻ. Điển hình như phạt bắt trẻ nhịn ăn, cởi quần áo, mắng nhiếc trẻ trước mặt bạn bè, gia đình,...Những hình phạt ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ sẽ khiến trẻ dễ nổi loạn dẫn đến không hợp tác với bố mẹ.

Một trong những hình phạt hay được các bố mẹ áp dụng đó là đánh, mắng con. Thực chất việc đánh, mắng trẻ không những không thể hiện quyền lực mà còn chứng tỏ sự bất lực của bố mẹ. Việc làm này chỉ khiến không khí gia đình căng thẳng, ảnh hướng đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Quan trong hơn, bạn đánh trẻ là bạn đang vô tình dạy trẻ cách sử dụng bạo lực khi giận và thói quen dùng vũ lực để giải quyết vấn đề.

Có một câu hỏi đặt ra là: "Nếu quá tức giận mà cho con một vài cái tét đít thì hành động đó có chấp nhận được không?". Theo cá nhân tôi, nếu điều này thực sự hãn hữu và bố mẹ sau khi đánh con như vậy, nhận ra sai lầm của mình và tìm cách đối xử tốt hơn với con thì có thể chấp nhận được.

Khi phạt bằng hình thức đánh, mắng con, bạn nên suy nghĩ những hậu quả sau đó xảy ra với đứa trẻ như việc trẻ tỏ ra lì lợm, hay phiền muộn, cáu giận, có thái độ thù hằn, khó xây dựng lòng tự trọng...

Trách nhiệm làm bố mẹ, chúng ta cần hướng dẫn trẻ biết cư xử thế nào cho phù hợp. Mục tiêu của kỷ luật là giúp con có thể đưa ra các lựa chọn tốt trong suốt cuộc đời của mình.

Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang