Năm ngoái sinh con đầu lòng, hai vợ chồng tôi thỏa thuận con thứ hai thì sinh ở quê vợ còn con đầu thì cho về nhà nội để ông bà vui cửa vui nhà, thỏa ước mong có cháu bế bồng. Tôi chẳng nghĩ gì cũng thoải mái đồng ý.
26 mới được nghỉ Tết nhưng vì dự định sinh con tại quê chồng nên từ 24 hai vợ chồng đã dắt díu nhau về nhà nội. Ngày bé Gấu từ viện về nhà ông bà nội cũng đã là 30 Tết. Vì mới sinh, thể trạng sức khỏe yếu nên tôi còn đau, không giúp được nhà chồng trong việc dọn dẹp nhà cửa hay chuẩn bị đồ ăn.
Tết cả nhà chuẩn bị tất bật, rộn ràng còn trên phòng chỉ 2 mẹ con ôm nhau (ảnh minh họa)
Nhìn cảnh cả nhà tấp nập ra vào, cười nói cùng nhau đi chợ chọn cây cảnh, thịt gà, làm cơm thắp hương tôi thấy tủi thân và nhớ da diết ngày Tết còn được ở với bố mẹ. Vẫn biết mình mới đẻ, nhà chồng không bắt làm việc ngay là cũng nghĩ cho mẹ và con nhưng vẫn ứa nước mắt bởi cảm giác kẻ dư thừa, người bên lề của tất cả các câu chuyện đang diễn ra trong nhà chồng. Tết này ăn món gì, đi đâu, mua cây đào hay quất chẳng ai hỏi đến tôi. Mẹ chồng thì chỉ ngày mang 3 bữa cơm thịt với rau ngót coi như đã tròn nghĩa vụ chăm con dâu đẻ vì còn vội vội vàng vàng đi sắm đồ Tết.
Lắm lúc con ngủ ngoan, tôi cũng định giúp đỡ mọi người nhưng toàn bị mẹ chồng gạt phắt đi, bảo đang ở cữ không cần động tay động chân vào việc gì, nhà không thiếu người. Vẫn biết là có người nhưng nếu tôi là con đẻ của mẹ, liệu mẹ có đối xử khách sáo như thế?
Chồng thấy vợ buồn cũng dỗ dành an ủi bảo tôi chỉ cần chuyên tâm chăm con nhưng vẫn chẳng thể ở nhà được nhiều vì còn tất niên chỗ này, chia tay năm cũ chỗ kia.
Nhưng đỉnh điểm là mấy ngày Tết! Sáng sớm cả nhà đi chúc Tết thì tôi vẫn phải ru rú trong phòng với con, đến chiều mọi người kéo nhau về nhà chồng ăn nhưng cũng chẳng ai lên hỏi thăm mẹ con tôi đến một lời. Ở dưới nhà thì đông vui như trẩy hội còn trên phòng, hai mẹ con ôm nhau cho qua Tết bởi người ta quan niệm vào thăm bà đẻ đầu tháng, đầu năm là đen. Cô dì chú bác bên nhà chồng lại làm kinh doanh nhiều nên ai cũng sợ tôi như sợ tà, thậm chí mẹ chồng còn dặn đừng ra khỏi phòng. Quả thật, lúc đó tôi ứa nước mắt mà không nói được câu gì.
Nhìn con ngủ ngoan mà tôi ứa nước mắt vì tủi thân (ảnh minh họa)
Tôi sinh con, sinh cháu cho nhà chồng, con tôi mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày mà chẳng khác gì mầm tai họa bị cả gia đình hắt hủi, xa lánh.
Đến khi mọi người về hết, chồng vào phòng thăm con rồi hồ hởi khoe các bác mừng tuổi Gấu này, xem ảnh con ai cũng khen sau này lớn lên đẹp trai phải biết thì bao uất ức kìm nén tôi không thể chịu được nữa. Biết là năm mới, cũng chẳng phải toàn lỗi của chồng nhưng tôi chẳng còn ai để trút nên vẫn đành cãi nhau với chồng, nước mắt ngắn nước mắt dài ngay ngày đầu năm. Hôm sau, chồng chẳng còn hồ hởi khoe tiền mừng con mà chỉ len lén để đầu tủ nhưng tôi vẫn chẳng thể vui nổi. Cả 1 tuần tết ở nhà chồng, ngày nào tôi cũng ôm con khóc khi nhìn bát cơm chỉ thịt nạc với rau ngót và nghe dưới nhà mọi người cười đùa.
Tôi thầm nghĩ, không biết mình ở nhà bố mẹ đẻ thì có bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, lạc lõng ngày Tết như thế này không? Chẳng nhẽ, cứ sinh con vào dịp Tết thì sẽ là điều không may mắn cho mọi người hay sao? Tủi thân cho mình 1 thì tôi càng thương con 10, đáng lẽ con phải được cả nhà thăm hỏi, ôm ấp mừng tuổi mới thì đây chẳng ai thèm ngó nghiêng.
Con quấy khóc phải dỗ nín kẻo mọi người bảo Tết nghe tiếng khóc không tốt (ảnh minh họa)
Ngày sinh con đầu lòng, 10 người gọi điện hỏi thăm nghe nói tôi dự tính về quê nội ăn Tết và ở cữ luôn thì cả 9 người đều tặc lưỡi bảo sao dại thế? Lúc đó tôi không hiểu hết những lời nói đó nhưng giờ thì thấm thía những cái tặc lưỡi của mọi người cũng đã quá muộn. Chẳng dám gọi điện cho mẹ, tôi chỉ dám gọi điện cho đứa em gái vừa khóc vừa dặn “Sau này, dù có thế nào cũng tuyệt đối đừng về nhà chồng nếu sinh con dịp Tết!”.
(Bài tâm sự của thành viên diễn đàn Lamchame.com)
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.