Đối với hậu thế, có lẽ sẽ thật khó hiểu vì sao mà cái món "đắt xắt ra miếng", không vào nhà hàng to với menu trị giá sáu con số trở lên thì còn lâu mới thưởng thức được, lại có thời trôi dạt đầy rẫy bên bờ biển, có cho cũng chẳng ai thèm lấy.
Có lẽ chẳng ai tưởng tượng được hình ảnh người ta đi dạo bãi biển, nhìn đám tôm hùm to béo bị đánh dạt vào bờ nhưng vẫn hờ hững bước tiếp.
Vào thế kỷ 17, tôm hùm chính là bị "rẻ rúng" như thế đấy, không những không được ưa chuộng mà việc ăn nó còn bị xem như "hình phạt" dành cho tù nhân thân mang trọng tội.
Từng có thời tôm hùm là món ăn nhà nghèo.
Dám cá là giới trẻ ngày nay hẳn ai cũng muốn bị "phạt" ăn tôm hùm như thế vài lần nhỉ?
Giải thích vì sao tôm hùm lại bị "hắt hủi"
Có nhiều bằng chứng cho thấy người châu Âu ngày xưa từng ăn một số chủng tôm hùm từ lâu, nhưng đối với những ai không sinh sống gần biển, tôm hùm cùng một số loài động vật có vỏ khác đều mang tiếng hơi… "bốc mùi" theo nghĩa đen.
Khi tôm hùm chết, enzym trong bụng của nó thấm sang các bộ phận khác. Mỗi lần một con tôm hùm chết không lâu, nó sẽ bắt đầu thối rữa và việc ăn nó có thể khiến bạn dễ mắc bệnh.
Khi người Anh mới đến New England (hiện giờ là Mỹ) lần đầu, họ nhanh chóng nhận ra người Algonquins bản địa ăn rất nhiều tôm hùm và xem chúng như nguồn đạm chính.
Sau mỗi lần có bão lớn, hàng trăm con tôm hùm sẽ bị dạt vào bờ, và nếu bạn đủ nhanh thì bạn có thể "quẹo lựa" một số con còn "ngáp ngáp", chưa chết hẳn để chế biến và ăn trước khi chúng hỏng.
Những người Anh này phải ăn tôm hùm gần như mỗi ngày, và mùi hôi của hàng nghìn con tôm hùm chết dọc bờ biển đã mang lại ấn tượng cực kì xấu cho món ăn này.
Vì lẽ đó, tôm hùm đã bị "ghim" thành một loại thức ăn mà người ta chỉ ăn khi quá đói, quá… tuyệt vọng.
Những ai ăn tôm hùm chỉ có nghèo hoặc có thân phận thấp kém, bởi vì tôm hùm còn được sử dụng như phân bón và thức ăn cho gia súc, gia cầm. Vào năm 1717, tôm hùm đã từng có danh tiếng tệ như vậy.
Không ai nghĩ rằng mấy trăm năm sau, nó lại đứng cùng hàng ngũ với biết bao món đắt đỏ như trứng cá tầm, filet mignon…
Hành trình "from zero to hero" của tôm hùm
Đời con cháu bây giờ có lẽ chẳng biết làm gì hơn ngoài "khóc thét" khi biết tiền nhân dư thừa tôm hùm đến mức đem làm… phân bón.
Thế nhưng có câu "anh hùng không hỏi xuất xứ", hay là "đại sự chỉ thiếu gió Đông". Bản thân tôm hùm đã là một món ngon, nó chỉ cần một cơ hội để chứng minh với con người rằng nó thực ra là một món ăn tuyệt vời.
Ngọn gió Đông của tôm hùm đến cùng với Nội chiến Mỹ (1860). Trong thời này, thức ăn đóng hộp rất phổ biến vì chúng phù hợp để binh sĩ mang ra chiến trường.
Người ta phát hiện tôm hùm là một món rất dễ đóng hộp dự trữ sau khi nấu chín. Vì thế, tôm hùm xứ Maine đã được phân bố rộng rãi và được người ta săn đón.
Như lời David Foster Wallace thì "người ta chuộng nó vì nó rẻ, nhiều đạm và về cơ bản là một loại nhiên liệu nhai được".
Một nguyên do khác khiến tôm hùm có vị thế cao như hiện tại là: du lịch.
Nhiều người phương xa đã từng được thử tôm hùm đóng hộp, không biết rằng tôm hùm thực ra là một món ăn nhà nghèo, đã yêu thích hương vị của nó đến mức lặn lội đến New England để được nếm thử món tôm hùm tươi.
Thế là như cầu tôm hùm tươi tăng cao đột ngột ở nhiều nơi, và vì tôm hùm phải sống thì mới ngon, nên người ta phải bỏ ra tiền để bảo quản chúng khi di chuyển, và như một hệ quả, đẩy giá tôm hùm lên cao ngất.
Đến những năm 1900, món ăn "nhà nghèo" ấy đã làm một cú trở mình ngoạn mục, chiễm chệ trên bàn tiệc sang trọng trong các nhà hàng trước ánh mắt trầm trồ của nhiều người.
Tương lai, các nước phương Tây có thể sẽ lại "hắt hủi" tôm hùm
Một số nước cấm luộc sống tôm hùm vì lý do nhân đạo.
Tuy nhiên, không phải vì xem thường nó mà vì một lý do khác. Như đã nói, tôm hùm chỉ có thể ăn được khi chế biến lúc nó còn sống.
Nhiều nhà động vật học và tổ chức quyền lợi động vật cho rằng việc luộc tôm hùm khi nó còn đang sống có thể gây ra những nỗi đau không cần thiết cho con vật, đi ngược lại với tiêu chí nhân đạo của loài người.
Thậm chí, một số nước như New Zealand, Switzerland đã cấm tiệt hành vi này và có nhiều nước khác cũng bắt đầu cân nhắc.
Không biết rồi số phận của tôm hùm sẽ đi về đâu trong tương lai đây?
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.