Tôi vẫn cháy túi dù thu nhập tăng gấp 3 lần

Từ mức lương 15 triệu đồng tăng lên gần 50 triệu, chị Thủy vẫn thấy tháng nào tiêu hết tháng đó.

Bài viết dưới đây là chia sẻ bài toán thu - chi của chị Thu Thủy, 36 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khi mức tiêu tỷ lệ thuận với thu nhập khiến chị không có tích lũy: 

Tôi đang sống cuộc đời được nhiều người thèm muốn: Có nhà chung cư cao cấp, đi làm bằng xe hơi, con cái học trường tư chất lượng tốt, gia đình đi du lịch thường xuyên, bản thân đều đặn đi spa, dùng hàng hiệu... Để có mức sống như vậy, tôi cũng phải làm việc cật lực và chi ra hầu như hết sạch mọi khoản kiếm được.

Chồng tôi làm sếp nhỏ trong một công ty xây dựng. Anh thường xuyên phải đi công tác. Tôi làm trong một cơ quan truyền thông của nhà nước. Năm năm trở về trước, tôi có mức lương đều đều tầm hơn chục triệu mỗi tháng. Số tiền này đủ trang trải cuộc sống của hai vợ chồng với một con nhỏ. Ở chung với bố mẹ chồng nên chúng tôi không mất tiền thuê nhà, tháng chỉ đưa cho ông bà 5-7 triệu chi phí sinh hoạt, cộng thêm 2-3 triệu học phí cho con và thi thoảng dư thì cả nhà đi chơi. Chồng tôi gánh trách nhiệm tích lũy khoản lớn để mua nhà.

Những chuyến du lịch xa là một phần không thể thiếu mỗi năm của gia đình chị Thủy. Ảnh: T.U.

Những chuyến du lịch xa là một phần không thể thiếu mỗi năm của gia đình chị Thủy. Ảnh: T.U.

Năm 2013, vợ chồng tôi được bố mẹ chồng hỗ trợ thêm nên đã mua được căn hộ cao cấp cách Hồ Gươm 3 km. Tuy nhiên, từ đó tới cơ quan tôi là 15km nên hai vợ chồng buộc phải tính chuyện mua ôtô. Có xe hơi, tôi thấy mình không thể bằng lòng với đồng lương 15 triệu khi ấy nên cố gắng xoay xở kiếm thêm. Nhờ có nhiều mối quan hệ tốt, tôi dần nhận thêm các hợp đồng làm sự kiện, truyền thông bên ngoài và thu nhập cứ thế tăng lên. Ba năm nay, đều đều, hầu như mỗi tháng tôi đều kiếm được trên dưới năm mươi triệu đồng. 

Mức thu cao nhưng chi phí cho bản thân và gia đình tôi cũng vọt lên cấp số nhân. Vài tháng trước, sau mấy năm thấy mình làm nhiều mà chẳng để ra được bao nhiêu, tôi mới liệt kê các khoản ra bảng excel thì giật mình khi thấy chi phí mỗi tháng tầm 45 triệu cho cả nhà, chưa kể khoản tôi tiêu riêng là 15-20 triệu. Tính sơ, một tháng tôi tốn 12 triệu nuôi ô tô và người giúp việc, 18 triệu tiền học cho 2 con một mẫu giáo một tiểu học, 8-10 triệu cho ăn uống, 4 triệu thanh toán hóa đơn điện, nước, phí dịch vụ, internet... 

Tôi cũng khá chịu chi vào việc chăm sóc bản thân, rèn luyện sức khỏe. Có dịp tôi mất nguyên trăm triệu mua thẻ phòng tập theo năm. Mua váy vóc, giày dép hàng hiệu, mỹ phẩm, đi chăm da, massage... là việc thường xuyên. Tôi nghĩ đó là cách thưởng cho bản thân sau những ngày vất vả kiếm tiền và việc chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp với phụ nữ rất quan trọng, đáng chi.

Ngoài các khoản trên, vợ chồng tôi cũng khá tốn kém mỗi lần về quê ngoại, thăm họ hàng vì quen thoáng tay mua quà, ăn uống. Những dịp lễ Tết cũng mất kha khá quà cáp vì có nhiều mối quan hệ xã hội cần duy trì. Vì thế, cùng với khoản chồng đưa khoảng 30-35 triệu mỗi tháng, tôi chi gần hết, hầu như không có "vốn riêng". 

Nhiều khi thấy các đồng nghiệp có mức thu kém mình kể chuyện đã có mấy sổ gửi ngân hàng hay tậu được vài mảnh đất, tôi cũng băn khoăn. Giờ mà không kiếm ra tiền nữa là coi như tôi không có món nào để dựa vào. Đành rằng nhà xe đã có đủ, chồng cũng làm ra tiền nhưng tôi thực sự vẫn thấy đáng lý ra mình cần có khoản phòng thân. Nhưng suy nghĩ đó thường lướt qua đầu, khiến tôi chùn tay tiêu được vài hôm rồi lại trở về nhịp sống như trước. Như chuyện lập bảng exel để kiểm soát tiền vào-ra, tôi cũng mới chỉ thực hiện được một lần rồi bỏ đó. Tôi chỉ mong cuộc sống cứ diễn ra suôn sẻ thì khỏi phải lo nghĩ gì. 

Chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê cho rằng, thời nay, rất nhiều người rơi vào tình trạng lạm phát lối sống: Khi thu nhập của gia đình tăng lên thì chi tiêu cũng tăng theo. Người ta dễ dàng quyết định đi ăn tiệm hơn, dễ đổi TV, đổi xe mới, đổi điện thoại mới, mua sắm thêm quần áo, đồ chơi cho con... Những người này dễ bị kích thích tiêu dùng, không có kế hoạch tài chính dài hạn, không lo nhiều tới tương lai. 

"Lạm phát lối sống làm cho mọi cố gắng để tăng thu nhập của bạn không giúp gì cho tương lai của gia đình. Bạn có thể sẽ hụt hẫng khi thu nhập giảm xuống hay vẫn phải làm việc miệt mài đến tuổi về hưu, sau đó sống chật vật với khoản lương hưu ít ỏi", ông Bội Lê nói. 

Theo ông, việc cần làm là lập kế hoạch tài chính gia đình với những khoản chi trong hiện tại và tính trước các khoản chi trong tương lai như vài trăm triệu cho con học đại học tốt trong nước hay vài tỷ cho con đi du học, khoản lớn hơn để dưỡng già... 

Muốn vậy, gia đình nên để dành một số tiền đều đặn hằng tháng và khoản đó nên tăng dần theo mức trượt giá và mức tăng thu nhập hàng năm. Kế hoạch tài chính được lập xong thì biết ngay số tiền có thể chi tiêu trong hiện tại, từ đó chủ động cân đối ngân sách cho hiện tại và tương lai. 

 

Theo giadinh.vnexpress.net

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang