TP.HCM: Người nhiễm Covid-19 hoặc nghi nhiễm có thể gọi đến số nào để được hỗ trợ ngay lập tức?

Mục tiêu của mạng lưới Thầy thuốc đồng hành là tìm bệnh nhân nặng, phối hợp điều phối đưa bệnh nhân đến bệnh viện và không để ca bệnh F0 tử vong tại cộng đồng.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế. Bên cạnh đó, đã có những trường hợp người dân mới nhiễm hoặc biết mình có nguy cơ nhiễm tỏ ra hoang mang, lo lắng.

Trước thực tế đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã giao nhiệm vụ cho Tổ thông tin đáp ứng nhanh (thường trực là Bộ Khoa học và công nghệ) và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam thành lập "Mạng lưới thầy thuốc đồng hành" với sự tham gia của 2.500 bác sĩ, nhân viên y tế và tình nguyện viên.

Mục tiêu của mạng lưới là hướng dẫn, tư vấn giáo dục sức khỏe cho người mắc và nghi mắc Covid-19; hỗ trợ y tế địa phương sàng lọc trường hợp thật sự cần được chăm sóc y tế; cảnh báo cho hệ thống phản ứng nhanh và hệ thống cấp cứu 115 những đối tượng nguy cơ cao cần được chuyển đến bệnh viện khẩn cấp.

Xác định đây là mô hình hoạt động mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực và khả thi, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ cùng "Mạng lưới thầy thuốc đồng hành" để hoạt động này được lan tỏa đến mọi người dân trên địa bàn TP. Theo đó, trung tâm y tế 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức phối hợp chặt chẽ với mạng lưới để triển khai các hoạt động tư vấn sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

TP.HCM: Người nhiễm Covid-19 hoặc nghi nhiễm có thể gọi đến số nào để được hỗ trợ ngay lập tức? - Ảnh 1.

Tổ Covid-19 cộng đồng chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin từ mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành", phối hợp rà soát thực tế các trường hợp nguy cơ cao (nguy cơ 3, nguy cơ 4) trên địa bàn phụ trách. Tổ phản ứng nhanh của các địa phương, Trung tâm Cấp cứu 115 và Tổ điều phối chuyển bệnh nhân Covid-19 chịu trách nhiệm phối hợp với "Mạng lưới thầy thuốc đồng hành"; tiếp nhận cảnh báo các trường hợp nguy cơ cao cần nhập viện điều trị hoặc cấp cứu để ưu tiên điều phối và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện cấp cứu.

Các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 quận, huyện, các khu cách ly F0 của quận, huyện và các bệnh viện chịu trách nhiệm thu dung và tiếp nhận các trường hợp đã được "Mạng lưới thầy thuốc đồng hành" và tổ Covid-19 cộng đồng khám sàng lọc, đánh giá, xác định thuộc nhóm nguy cơ cao.

Người dân nhiễm, nghi nhiễm cần hỗ trợ y tế thì gọi đến số đường dây nóng (hotline) hỗ trợ người bệnh là 093.95.96.999, thông tin được đăng tải trên báo VOV.

 

Trao đổi với Tuổi trẻ, bác sĩ Lê Tuấn Thành, phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, cho hay mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" quy tụ y bác sĩ và tình nguyện viên từ các miền đất nước hỗ trợ bệnh nhân TP.HCM.

Hiện mạng lưới đã chia thành 22 nhóm theo các quận huyện của TP. Ba ngày qua, mạng lưới này đã gọi điện thoại cho trên 49.000 F0 (cả F0 đang cách ly điều trị tập trung và F0 đang ở nhà), sàng lọc ghi nhận 500 bệnh nhân đã có triệu chứng và đang ở nhà, trong đó có 300 bệnh nhân chuyển nặng. Nhóm đã báo y tế địa phương cấp cứu và chuyển bệnh nhân tới bệnh viện.

Khi trao đổi với bệnh nhân để đánh giá nguy cơ và phát hiện trường hợp nguy cơ cao, bác sĩ khởi động quy trình tương ứng là phối hợp với y tế địa phương, ưu tiên ca nặng liên lạc với cấp cứu trước...

"Chúng tôi nhận thấy sau khi có kết quả test dương tính, bệnh nhân hoang mang gọi liên tục 115 dẫn đến quá tải ảo, có bệnh nhân khóc trong quá trình tư vấn, có ca bệnh mà nhóm chỉ gọi được cho người con trai nhưng con trai của bệnh nhân cũng khóc.

Nhiều ca bệnh nhân hoảng loạn do triệu chứng nặng cần cấp cứu, hoặc có người không có triệu chứng nào nhưng họ vẫn có triệu chứng hoảng loạn" - bác sĩ Thành cho biết.

"Trong lúc bệnh nhân rất đông, họ hiểu ngành y tế vất vả quá rồi nhưng khi có bệnh nhân nặng, gia đình bệnh nhân rất lo lắng tìm trợ giúp, vì vậy những cuộc gọi tư vấn từ mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được coi như một cánh tay hỗ trợ cho bệnh nhân.

Mục tiêu của mạng lưới Thầy thuốc đồng hành là tìm bệnh nhân nặng, phối hợp điều phối đưa bệnh nhân đến bệnh viện và không để ca bệnh F0 tử vong tại cộng đồng" - bác sĩ Đỗ Tiến Sơn chia sẻ với báo trên.

Tổng hợp

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang