Trải nghiệm rớt nước mắt trong lần đầu dùng cốc nguyệt san: Gian truân trắc trở lắm mới tới được đoạn nhẹ nhõm, “dâu có rụng cũng như không”

Vạn sự khởi đầu nan, nói thế cũng không ngoa tí nào luôn ý!

2 năm trước, vào một ngày không hề đẹp trời vì nhiệt độ cứ nhảy vun vút lên tận 38-39 độ C, tôi chợt nhận ra có lẽ mối lương duyên của mình với mặt hàng băng vệ sinh đã đến lúc phải chấm dứt thật rồi, vì… "cô em" của tôi không thích.

Nàng đỏng đảnh, làm mình làm mẩy, ngứa ngáy mẩn đỏ khiến khổ chủ - là tôi, sống không yên, cả ngày chẳng tập trung làm được việc gì vì khó chịu.

Vậy là sau gần chục năm hai chị em gắn bó với băng vệ sinh, tôi cũng có đủ động lực để chuyển sang dùng cốc nguyệt san. Nghe nói nó tiện lắm, dùng vừa sướng, vừa giúp bảo vệ môi trường. Nhưng… đời không như là mơ.

Muôn kiểu "thốn" trong (những) lần đầu dùng cốc nguyệt san

Sau khi lần mò tìm hiểu đủ thông tin, từ cách chọn size cho tới bạt ngàn review về các dòng cốc nguyệt san, tôi cũng tự tin chốt đơn 1 chiếc cốc size S (dành cho đối tượng chưa từng sinh nở) với đường kính 42mm và chiều dài 51mm (tính cả phần cuống cốc).

Trải nghiệm rớt nước mắt trong lần đầu dùng cốc nguyệt san: Gian truân trắc trở lắm mới tới được đoạn nhẹ nhõm, “dâu có rụng cũng như không” - Ảnh 1.

Mua xong, tôi háo hức chờ ngày "rụng dâu" để được trải nghiệm cảm giác nhẹ nhõm, không bị bí khí ngứa ngáy như thuở còn dùng băng vệ sinh.

Rồi ngày ấy cũng tới. Theo hướng dẫn sử dụng được đính kèm, tư thế dễ nhất để đưa cốc nguyệt san vào âm đạo là ngồi xổm trên bồn cầu, người hơi nhướn về phía trước để tay tiện luồn xuống, đưa cốc nguyệt san vào đúng nơi đúng chỗ. Lý thuyết là vậy, đến lúc thực hành mới thấy khóc thét!

Đầu tiên, không phải ai cũng biết ngồi xổm. Tiếc thay, tôi là một trong số đó. Với tôi, ngồi xổm trên mặt phẳng đã khó, giờ lại bảo ngồi xổm trên bồn cầu… Tưởng tượng thôi đã thấy ngay cảnh bản thân ngã cắm đầu xuống đất trong nhà vệ sinh.

Tôi quyết định tìm cho mình lối đi riêng. Ngồi không được, nằm cũng không xong vì sợ nhuộm đỏ drap giường… Lựa chọn khả thi cuối cùng là đứng.

Sau gần chục phút loay hoay, cúi gập người ở đủ góc độ, tôi cũng nhét được chiếc cốc nguyệt san vào người. Thở phào nhẹ nhõm chưa được 5 giây, cảm giác cứ sai sai vì… hơi đau. Không đến mức đau nhói, đau rát hay cản trở quá trình đi lại nhưng nó cứ cồm cộm ở chốn ấy. "Chắc chưa quen thôi" - Tôi tặc lưỡi.

12 tiếng trôi qua, cảm giác vương vướng ấy vẫn chưa biến mất. Vừa khó chịu, vừa rén, tôi đành lấy chiếc cốc ra cho nhẹ người. Tưởng đút vào đã là thao tác khó nhất, ai mà ngờ việc lấy ra cũng không đơn giản. Chạm được vào phần cuống cốc rồi đấy, nhưng thao tác rút cốc ra… đau chảy nước mắt theo đúng nghĩa đen.

Sau khi lân la hỏi các chị đi trước, tôi mới biết cảm giác cồm cộm, vương vướng ấy xuất hiện là bởi mình đã chọn sai kích cỡ cốc nguyệt san chứ chẳng phải do chưa quen nên thấy khó chịu.

Bài học rút ra từ những phút giây lóng ngóng

Để bạn không rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang" như tôi đã từng, nếu muốn dùng cốc nguyệt san, điều đầu tiên cần làm chính là kiểm tra chiều dài âm đạo của bản thân.

Chị google có thể khuyên bạn nên chọn cốc nguyệt san theo trải nghiệm sinh nở (đã từng sinh thường hay chưa), theo lượng máu kinh nguyệt nhưng tin tôi đi. 2 cách đó đều tiềm ẩn sai số rất lớn. Nếu chưa từng dùng cốc nguyệt san trước đó, nhìn băng vệ sinh để ước lượng lượng máu kinh nguyệt, có khác gì đánh đố nhau đâu chứ?!

Thế nên, kiểm tra chiều dài âm đạo là tốt nhất!

Trải nghiệm rớt nước mắt trong lần đầu dùng cốc nguyệt san: Gian truân trắc trở lắm mới tới được đoạn nhẹ nhõm, “dâu có rụng cũng như không” - Ảnh 4.

Trước hết, bạn cần xác định điểm chạm cổ tử cung bằng cách dùng ngón trỏ và ngón giữa (như trong hình phía trên). Đưa 2 ngón tay vào trong cho đến khi chạm vào một điểm gần phía rốn.

Nếu bạn không thể tìm thấy điểm chạm, chứng tỏ bạn bạn có cổ tử cung cao. Điều đó cũng có nghĩa là bạn có thể chọn bất kỳ chiếc cốc nào bạn muốn mà không sợ nó quá lớn hoặc quá dài.

Nếu điểm chạm chỉ đến đốt ngón tay thứ nhất của ngón giữa, bạn có cổ tử cung thấp và một chiếc cốc nhỏ nhắn lúc này lại là sự lựa chọn an toàn.

Nếu điểm chạm từ giữa đốt thứ 2 tới đốt thứ 3 của ngón giữa, một chiếc cốc kích thước trung bình sẽ là lựa chọn ít sai số nhất với bạn.

Thông thường, các thương hiệu sẽ đánh số size cốc nguyệt san theo thứ tự 1-2-3 hoặc S - M. Tùy vào từng sản phẩm mà đường kính, chiều dài cốc nguyệt san theo mỗi size sẽ có kích thước khác nhau. Khi mua, chị em đừng quên xin tư vấn để chọn được chiếc cốc nguyệt san phù hợp với mình nhất nhé!

Kết

Trong vài lần đầu tiên sử dụng cốc nguyệt san, chị em chắc hẳn không thể tránh khỏi cảm giác lóng ngóng, thậm chí run rẩy sợ sệt được đâu. Nhưng chị em yên tâm, các loại cốc nguyệt san đều được làm từ silicon dẻo, không góc cạnh sắc nhọn.

Với thiết kế ống hứng tròn và phần cuống dài như vậy, việc đút cốc nguyệt san vào quá sâu trong âm đạo, đến mức không lấy được ra cũng là việc rất khó xảy ra. Vượt qua được những sự bỡ ngỡ ban đầu, đến kỳ kinh nguyệt thứ 2 thôi là chúng mình sẽ tận hưởng được cảm giác "dâu có rụng cũng như không" thật đấy.

 

Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/trai-nghiem-rot-nuoc-mat-trong-lan-dau-dung-coc-nguyet-san-gian-truan-trac-tro-lam-moi-toi-duoc-doan-nhe-nhom-dau-co-rung-cung-nhu-khong-162220904211635062.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang