Theo gia đình bệnh nhi, từ khi bé K mới 3 tháng tuổi, gia đình cũng từng nghi ngờ con bị phình đại tràng bẩm sinh nhưng không đưa con đi chữa trị. Gần đây, thấy bụng con chướng nhiều hơn, không thể tự đại tiện nên gia đình đã đưa bé đến viện.
Tại bệnh viện Xanh Pôn, qua thăm khám các bác sĩ phát hiện quai ruột của trẻ nổi, bụng chướng căng. Ngoài ra, trẻ còn nôn ra dịch nâu bẩn, bóng trực tràng rộng, phía trên có khối phân to làm gấp đại tràng, dùng sonde không đẩy lên được để thụt tháo. Đáng ngại hơn, hình ảnh chụp XQ cho biết quai ruột trẻ giãn to, chứa nhiều phân.
Th.S BSNT. Dương Văn Mai cùng các đồng nghiệp đã quyết định tiến hành phẫu thuật cấp cứu làm hậu môn nhân tạo và sinh thiết đại tràng cứu sống cháu bé. Khi mổ các bác sĩ phát hiện quai đại tràng giãn to, đè gập góc gây tắc ruột đã tiến hành làm hậu môn nhân tạo dẫn lưu hồi tràng làm giảm áp lực ruột cho cháu, đồng thời cũng sẽ lên kế hoạch cắt bỏ đoạn đại tràng vô hạch khi sức khỏe của cháu ổn định,
PGS.TS Trần Ngọc Sơn – trưởng khoa Phẫu thuật Nhi, BV Xanh Pôn cho hay, phình đại tràng bẩm sinh (vô hạch đại tràng, megacolon, hay bệnh Hirschprung) là tình trạng không có tế bào hạch thần kinh của đám rối cơ ruột ở một đoạn ruột, hay gặp ở trực tràng. Tần suất của bệnh này thường gặp ở 1/5000 trẻ. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng chậm đi ngoài phân su sau 24h đầu sau sinh, khó đại tiện hoặc táo bón 5-7 ngày, lâu dần bụng chướng có thể biểu hiện bệnh cảnh tắc ruột.
Đối với những bệnh nhân bị phình đại tràng bẩm sinh nếu phát hiện và xử lý sớm có thể chỉ cần phẫu thuật 1 lần bằng phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật qua đường hậu môn. Tuy nhiên, bệnh nhân K. đến viện trong tình trạng bụng chướng căng và bệnh đã kéo dài trong nhiều năm, vì vậy bệnh nhân cần phẫu thuật trong 3 thì.
Đối với những trẻ có biểu hiện chậm đi ngoài phân su sau 24h giờ đầu sau sinh, có biểu hiện khó đại tiện hay táo bón, bụng chướng… thì cần đưa đến bệnh viện có chuyên khoa Ngoại Nhi để khám, chẩn đoán và điều trị sớm cho con.
Những trẻ mắc chứng phình đại tràng thường có các dấu hiệu nhận biết đặc trưng như táo bón, nhiều trẻ không tự đại tiện được mà phải thụt tháo thường xuyên, bụng trướng, gầy sút, kém ăn, trẻ suy dinh dưỡng.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý, không phải bất cứ trẻ nào sau khi sinh 24 giờ không đại tiện được đều là bị phình đại tràng bẩm sinh, vì trẻ đó bị dị dạng hậu môn bẩm sinh cũng không đại tiện được. Nhưng dù là trường hợp nào thì trẻ đều cần phải được phẫu thuật và điều trị sớm.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.