Nhiều bậc phụ huynh thấy con bị điểm kém là lo sốt sắng. Họ thường đổ tại con ham chơi, lười học, chểnh mảng làm bài tập. Hoặc họ sẽ đổ lỗi cho giáo viên của con chưa có phương pháp giảng dạy phù hợp. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không biết rằng, việc trẻ bị điểm kém phần lớn là do cách nuôi dạy của cha mẹ.
Vì vậy, nếu phụ huynh nào mắc phải 5 điều sau thì hãy nhanh chóng thay đổi để giúp con cải thiện điểm số, học hành ngày càng tiến tới.
1. Cha mẹ thường xuyên quát mắng con cái
Nhiều phụ huynh thường áp dụng phương pháp "bạo lực" để giáo dục con cái. Bạo lực ở đây không hẳn là dùng đòn roi mà dùng những lời quát mắng hàng ngày. Chẳng hạn như con bị điểm kém, không làm bài tập về nhà, làm sai việc gì đó sẽ bị cha mẹ quát mắng.
Hành động này của cha mẹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trạng và quá trình hình thành nhân cách của con. Trẻ sẽ trở nên mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp. Thậm chí, nhiều đứa trẻ còn trở nên cục cằn, tính khí nóng giận khi lớn lên. Đặc biệt, việc cha mẹ hay la mắng sẽ khiến trẻ ảnh hưởng tâm lý, tiếp thu kiến thức không tốt, dẫn đến việc bị điểm kém, học hành sa sút.
2. Cha mẹ đặt ra những yêu cầu quá cao
Cha mẹ nào cũng mong con mình "hóa rồng, hóa phượng" nên thường đặt ra yêu cầu cao đối với trẻ. Chẳng hạn như: "Bài kiểm tra tới con phải được điểm giỏi trở lên", "Học kỳ này con nhất định phải đạt danh hiệu học sinh giỏi",…. Tuy nhiên, những lời nói như vậy không giúp trẻ tiến bộ mà chỉ khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, áp lực, lo lắng.
Khi cha mẹ đặt ra mục tiêu quá cao nhưng trẻ không đạt được còn khiến trẻ cảm thấy mặc cảm về bản thân. Điều này ảnh hưởng đến điểm số các môn học. Việc cha mẹ cùng con xây dựng mục tiêu là tốt nhưng cần cân nhắc tình hình thực tế, không nên đặt mục tiêu quá cao. Học tập là việc cả đời cần rèn luyện, không thể thành tài trong một sớm một chiều, vì thế cha mẹ cần thông cảm và dành những lời động viên thường xuyên tới con.
3. Cha mẹ không hình thành thói quen học tập tốt cho con
Thói quen học tập ảnh hưởng rất lớn đến điểm số của mỗi đứa trẻ. Trong quá trình học tập, nếu trẻ hình thành được thói quen học tập tốt như: Tự giác, chăm chỉ làm bài tập, đi học đúng giờ,… sẽ giúp cải thiện được điểm số và nâng cao năng lực bản thân.
Cha mẹ không thể suốt đời theo con, "cầm tay chỉ việc" mà thay vào đó, hãy để con phát triển tinh thần tự giác, chủ động. Cha mẹ nên đóng vai trò là người giám sát, hỗ trợ con trong việc học tập, chứ không nên chỉ đạo hoặc thay con quyết định mọi thứ. Vì vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, các bậc phụ huynh nên xây dựng thói quen học tập tốt cho con, chẳng hạn như: Nhắc nhở thường xuyên, quy định về thời gian, áp dụng hình thức thưởng phạt rõ ràng,…
4. Cha mẹ can thiệp quá mức vào việc học của trẻ
Nhiều cha mẹ vì lo lắng nên thường quan tâm quá mức đến việc học của con. Họ không cho con có không gian riêng, tự do tìm hiểu, khám phá mà luôn sát sao bên cạnh. Một vài hành động của việc can thiệp quá mức đến việc học như: Hỏi con về điểm số mỗi ngày, so sánh kết quả học tập của con với bạn, hỏi con dồn dập về bài tập cô giao,…
Đứa trẻ nào cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi, áp lực khi bị cha mẹ giục giã, nhắc nhở cả ngày về việc học. Trẻ sẽ thấy sợ việc học, dẫn đến thành tích không được như mong đợi. Vì vậy, tuy cha mẹ rất yêu thương và sốt sắng đến chuyện học tập của con nhưng cũng nên giữ một mức độ nhất định để không gây phản tác dụng.
5. Cha mẹ không làm gương cho con
Giáo dục nhà trường là quan trọng nhưng giáo dục gia đình cũng quan trọng không kém. Những lời nói và hành động của cha mẹ đều tác động trực tiếp đến con cái. Ví dụ như cha mẹ mải mê sử dụng điện thoại, ti vi có thể khiến con bị nghiện thiết bị điện tử, nghiện chơi game; cha mẹ ít dọn dẹp nhà cửa khiến con có thể trở thành đứa trẻ thiếu gọn gàng, ngăn nắp,… Ngược lại, nếu cha mẹ dẫn con đi mua sách vào cuối tuần, mỗi ngày dành thời gian đọc sách sẽ khiến con trở nên yêu thích việc đọc sách thay vì chơi game; cha mẹ đưa ra quy định về làm việc nhà cho các thành viên sẽ giúp trẻ trở nên gọn gàng, nề nếp.
Đặc điểm của những đứa trẻ là ham chơi, khó tập trung, làm việc còn thiếu tính cẩn thận. Vì vậy, trẻ cần cha mẹ làm gương sáng để noi theo và hướng dẫn thực hiện mọi việc.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.