Trẻ bị ngã đập đầu: Những dấu hiệu nguy hiểm và cách xử trí ba mẹ cần lưu ý!

Trẻ em vốn hiếu động nên rất dễ bị té ngã, nhất là với những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, việc bị đụng đầu, sưng trán, xảy ra khá thường xuyên. Có trường hợp bé đau một lúc rồi hết nhưng cũng có trường hợp nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng trẻ. Bố mẹ cần tìm hiểu cách nhận biết dấu hiệu nguy hiểm để có hướng xử lý kịp thời.

Trẻ bị ngã đập đầu: Những dấu hiệu nguy hiểm và cách xử trí ba mẹ cần lưu ý!  - Hình ảnh

Trẻ bị ngã đập đầu có sao không?

Đa số các trường hợp trẻ bị ngã đập đầu đều là ngã đơn thuần, khi bé nghịch chơi, đập đầu vào cửa, va phải cạnh bàn hoặc khi ngã từ ghế thấp, giường thấp xuống. Những chấn thương để lại thường là những chấn thương nhẹ: trầy xước, bầm nhẹ, hoặc đôi khi chảy máu vì xây xát.

Ba mẹ hoặc người thân của trẻ nên bình tĩnh, chú ý quan sát tư thế trẻ sau khi bị tai nạn để xác định rõ chỗ va đập chấn thương trên cơ thể trẻ. Nếu vết thương chảy máu nhưng bé vẫn sinh hoạt vui vẻ, năng động và tỉnh tảo, vui chơi bình thường thì ba mẹ có thể yên tâm.

Những sơ cứu cơ bản khi trẻ bị ngã đập đầu

  1. Nếu thấy trẻ có vết bầm sưng, nên chườm đá tại chỗ sưng cho trẻ ngay lập tức. Chườm đá liên tục trong khoảng 15 – 20 phút. Xử trí ban đầu này sẽ giúp chỗ bầm không tiến triển nhiều hơn, và giúp trẻ đỡ đau hơn hẳn. Nếu thấy bầm nhiều, chúng ta có thể chườm đá lại lần nữa 1 giờ sau đó, và làm thường xuyên, 2-3 lần một ngày, trong 1-2 ngày sau nữa.
  2. Nếu thấy có trầy xước nông, nên rửa sạch bằng nước và xà phòng.
  3. Nếu thấy có chảy máu ít, nên sử dụng gạc y tế sạch, hoặc miếng khăn sạch, ấn thẳng vào vết thương để cầm máu trong khoảng 10 phút, hoặc cho đến khi không còn chảy máu thêm.
  4. Nếu trẻ ói 1-2 lần, nên cho trẻ nghỉ ngơi, chỉ uống nước lọc nếu cần. Nếu trẻ uống được và không ói thêm, bạn có thể bắt đầu cho trẻ ăn uống bình thường 1-2 giờ sau đó.
  5. Sau đó, cho trẻ nằm nghỉ ngơi, theo dõi sát trẻ trong 2 giờ đầu sau chấn thương.
  6. Nếu trẻ than đau tại chỗ, hoặc nhức đầu, bạn có thể cho trẻ uống giảm đau khi cần, nhưng phải đợi ít nhất 2 giờ sau chấn thương mới được bắt đầu cho uống! Khoảng cách 2 giờ này, là để giúp tránh trường hợp trẻ bị ói khi uống thuốc ngay khi đụng đầu, làm chúng ta có thể lo lắng hơn. Các loại thuốc an toàn sử dụng là Acetaminophen (Tylenol, Efferalgan, Hapacol, Pandadol,…cho trẻ em), hoặc Ibuprofen (Brufen, Advil,…).
  7. Nếu trẻ ổn định, hoàn toàn bình thường, bạn có thể theo dõi con thêm trong 48-72 giờ sau, để biết chắc không có gì cần lưu ý.
  8. Một điều quan trọng khác, cần nhớ, là không nên chỉ tập trung vào đầu mà thôi. Nên kiểm tra xem trẻ có bị chấn thương ở nơi nào khác hay không bạn nhé, đặc biệt là phần cổ nữa!

Trẻ bị ngã đập đầu: Những dấu hiệu nguy hiểm và cách xử trí ba mẹ cần lưu ý!  - Hình ảnh

Những biểu hiện nguy hiểm của trẻ cần đưa đến bệnh viện

- Trường hợp bé bất tỉnh: Nếu bé bị bất tỉnh, dù chỉ vài giây, cũng có thể nghĩ rằng lực va đập đủ mạnh để gây khối máu tụ.

- Rối loạn tri giác: Ngay sau ngã, bé vẫn tỉnh táo nhưng sau đó một thời gian lại có những dấu hiệu bất thường như kích động khó dỗ, lơ mơ, tiếp xúc kém (bé không thể tập trung chú ý vào bạn, không nhìn vào mắt bạn, không làm theo yêu cầu của bạn, không nhận ra người thân trong gia đình…). Nếu bé chống cự không cho bạn chườm lạnh thì bạn có thể yên tâm là bé vẫn tiếp xúc tốt.

- Nếu bé nôn từ 3 lần trở lên thì cần đi khám bác sĩ: Thông thường, sau khi ngã, ngay cả khi không có chấn thương sọ não, nhiều bé vẫn có thể nôn 1 hay 2 lần, do khóc, ho hoặc đơn giản là do sự va đập của hộp sọ. Đề phòng trường hợp bé nôn, trong vòng vài giờ đầu sau khi bị ngã, chỉ nên cho bé uống nước trong hoặc bú sữa mẹ, không nên cho bé dùng thức ăn đặc.

- Đi loạng choạng, mất thăng bằng: Sau khi ngã, nhiều bé có thể kêu chóng mặt. Điều này không có gì nguy hiểm. Nhưng nếu bé bị mất thăng bằng và ngã lên ngã xuống khi đi thì cần đi khám bác sĩ ngay. Khi bé chơi, hãy theo dõi xem bé có làm được mọi chuyện như trước không (ngồi thẳng, đi lại vững vàng, di chuyển tay chân bình thường) hay bé loạng choạng, kéo lê chân, mất phương hướng… Nếu bé chưa biết đi thì để ý xem có gì bất thường khi bé ngồi, bò hoặc dùng tay không, bé có quấy khóc nhiều bất thường, không thể dỗ.

- Dấu hiệu mắt: Trong vòng 24 giờ sau ngã có thể xuất hiện các dấu hiệu như mắt lác, đồng tử hai bên không đều, bé vấp ngã hoặc lao vào các đồ vật như thể không nhìn thấy chúng. Trẻ lớn có thể nhìn mờ, nhìn đôi (nhìn một hóa hai). Chảy máu hoặc chảy nước dịch từ lỗ mũi hoặc lỗ tai.

- Ngủ nhiều: Các bé thường có xu hướng ngủ thiếp đi sau khi ngã, điều này khiến việc theo dõi tình trạng ý thức của trẻ trở thành nhiệm vụ khó khăn đối với cha mẹ. Nếu bé bị ngã vào buổi tối, hoặc gần giờ ngủ trưa thì thật khó biết bé ngủ vì đến giờ hay vì chấn thương. Nếu không thể giữ bé thức thì cứ để bé ngủ, nhưng cần theo dõi sát, cứ 2 giờ một lần

- Hoặc thấy bé có bất cứ biểu hiện nào khiến gia đình không an tâm, cũng nên đưa bé đi bệnh viện thăm khám cẩn thận.

Trẻ bị ngã đập đầu: Những dấu hiệu nguy hiểm và cách xử trí ba mẹ cần lưu ý!  - Hình ảnh

Việc trẻ nhỏ vận động, vui chơi thường dẫn đến những va đập chấn thương, đặc biệt là phần đầu là điều không thể tránh khỏi. Và những lo lắng của ba mẹ xung quanh việc trẻ bị ngã đập đầu có sao không cũng là điều dễ hiểu. Với những chia sẻ trên đây, ba mẹ đã có thể nắm được cách xử trí khi trẻ bị ngã đập đầu. Tuy nhiên, việc phòng tránh các nguy cơ té ngã, chấn thương vẫn là một việc quan trọng đầu tiên mà chúng ta nên lưu tâm đến, để giảm nguy cơ cho con trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang