Trẻ chậm nói và những điều bố mẹ không thể coi nhẹ

(lamchame.vn) - Sự phát triển của trẻ nhỏ vô cùng khác biệt. Mỗi trẻ có một thời điểm mọc răng, tập đi... khác nhau. Thế nên chuyện học nói cũng là bí ẩn chỉ các bé mới biết. 

Có bé tập nói từ sớm - khi mới 12 tháng tuổi hoặc ít hơn. Nhưng cũng có không ít em nhỏ đến tận tháng thứ 24 mới bắt đầu bập bẹ. Tuy nhiên, trẻ thông thường bắt đầu tập nói ở khoảng 18 tháng tuổi. Trẻ được xem là chậm nói nếu khi 2 tuổi vẫn chưa nói được.

1. Quá trình phát triển bình thường của trẻ

Trước 12 tháng tuổi

Bạn cần quan sát xem con mình có chăm chú vào những âm thanh hay không và bé có bắt chước lại âm thanh đó không. Nếu có, chắc chắn vốn từ của bé sau này sẽ phát triển rất tốt. Khi bé được khoảng 9 tháng, bé bắt đầu nối âm với nhau.

Từ 12 tháng đến 15 tháng

Ở độ tuổi này trẻ rất thích nói chuyện. Nếu để ý kỹ, các mẹ sẽ thấy con phát ra rất nhiều âm và có một số từ đúng, ngữ điệu của bé đúng hơn và bé có thể hiểu và làm theo những gì người lớn nói.

Từ 15 tháng đến 18 tháng

Lúc này con bạn đã sử dụng tốt từ 4 đến 6 từ. Con có thể hát những bài quen thuộc đồng thời khả năng bắt chước của bé cũng phát triển theo.

Từ 18 tháng đến 24 tháng

Vốn từ của trẻ khoảng 25 từ. Trẻ có thể bắt chước cụm 2 từ khi trẻ được 2 tuổi và lúc này bé có thể thực hiện các chỉ dẫn hai bước.

Từ 2 tuổi đến 3 tuổi

Lúc này, vốn từ của con sẽ tăng lên rất nhiều, khả năng kết hợp từ cao, từ ba hoặc nhiều từ hơn. Khi con được 3 tuổi con đã hiểu các khái niệm rõ hơn và phân biệt được màu sắc.

2. Những dấu hiệu cho thấy bé đang chậm nói

Khi trẻ sơ sinh không phát ra âm thanh nào thì cha mẹ cần đặc biệt chú ý. Khi trẻ được 12 đến 24 tháng, các mẹ các bố cần quan sát để phát hiện sớm các dấu hiệu:

– Con bạn đã 12 tháng nhưng không hề sử dụng các cử chỉ, điệu bộ, hoặc vẫy tay chào.

– Con được 18 tháng tuổi nhưng vẫn dùng cử chỉ để giao tiếp thay vì sử dụng âm thanh. Đồng thời con không bắt chước được các âm thanh.

– Con gặp khó khăn để hiểu các khái niệm đơn giản.

Đặc biệt bố mẹ cần đưa con đi kiểm tra nếu con có các biểu hiện sau khi đã trên 2 tuổi:

– Con không tự mình phát âm được mà chỉ bắt chước âm thanh hoặc sử dụng hành động thay vì nói.

– Con không thể giao tiếp đơn giản mà chỉ phát ra một số âm thanh hoặc nói lặp lại từ nào đó.

– Khi đưa ra các chỉ dẫn đơn giản, con không làm theo được.

– Có giọng nói khác thường.

– Khó khăn trong việc hiểu ở tuổi này. Các bậc phụ huynh phải hiểu được khoảng một nửa số từ mà con nói ra khi 2 tuổi và khoảng 3/4 khi con 3 tuổi. Và khi con được 4 tuổi, thậm chí người lạ cũng phải hiểu được trẻ nói gì.

3. Nguyên nhân dẫn đến chậm nói ở trẻ

Về mặt thể chất: Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ chậm nói. Đôi khi do một số dị tật bẩm sinh hoặc khả năng nghe kém là yếu tố gây chậm phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Về mặt tâm lý: Do cha mẹ ít có thời gian trò chuyện cùng con, để trẻ có thể ngồi yên thì các ông bố bà mẹ thường cho con sử dụng điện thoại thông minh hay xem ti vi, chính vì điều này sẽ hạn chế khả năng phát triển ngôn ngữ cho con, khiến con ngại tiếp xúc, lười giao tiếp với mọi người.

Ngoài ra, một số bệnh như hội chứng tự kỷ, tăng động kém chú ý cũng khiến con chậm nói.

Vì vậy cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự cùng con, khi con 06 tháng tuổi cha mẹ nên bắt đầu đọc cho con nghe, luôn khuyến khích con bắt chước và bộc lộ ngôn ngữ tối đa, thường xuyên hỏi con và lắng nghe câu trả lời của con.

Khi thấy con có các dấu hiệu bất thường thì nên cho con đến các cơ sở y tế để khám ngay để được điều trị kịp thời và có cách xử lý tốt nhất.

Clip: Cha kiên trì dạy con trai tàn phế tập đi như ngày còn thơ bé gây xúc động

Theo VTC News

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang