Trẻ đã từng là F0 nên ăn uống thế nào để đảm bảo sức khỏe khi quay lại trường học?

Sau trẻ em tiểu học là lứa tuổi mầm non ở Hà Nội quay lại trường suốt thời gian nghỉ dài vì dịch COVID-19. Nhiều bậc cha mẹ rất vui mừng nhưng cũng lo lắng vì trong số đó có nhiều trẻ là F0 vừa khỏi bệnh chưa hồi phục hoàn toàn.

Thời điểm này, trẻ trong độ tuổi tiểu học và mầm non đã được quay trở lại trường học bình thường. Tuy nhiên, có một số cha mẹ còn băn khoăn khi trẻ chưa hoàn toàn hồi phục sức khỏe, có trẻ vẫn còn có một số ảnh hưởng hậu COVID-19 như: mệt mỏi, ăn không ngon, chán ăn, rối loạn tiêu hóa… Vậy, cha mẹ cần lưu ý gì về dinh dưỡng để đảm bảo cho trẻ có sức khỏe tốt khi quay trở lại trường học?

1. Những yếu tố có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ hậu COVID -19

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi TW, hậu COVID-19 ở trẻ em có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể, trong đó thường gặp các triệu chứng như: mệt mỏi, rối loạn vị giác, khứu giác, đau đầu, kém tập trung, ho kéo dài, đau họng, khó thở. Ngoài ra có thể đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực…

Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi cha mẹ thấy trẻ có các triệu chứng như mô tả ở trên hoặc thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào mà trước khi mắc COVID-19 trẻ không có, cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để xác định bệnh cũng như có chế độ điều trị, can thiệp và chăm sóc hợp lý.

Bên cạnh việc đảm bảo cho trẻ một chế độ sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi hợp lý, chế độ dinh dưỡng đầy đủ rất quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là vào thời điểm hệ thống miễn dịch hoạt động kém hiệu quả và ở trạng thái yếu hơn trước. 

Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, giai đoạn hậu COVID cần đặc biệt chú ý tăng cường dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình phục hồi sau nhiễm COVID-19 ở trẻ.

Hậu COVID -19, trẻ đã từng là F0 nên ăn uống thế nào để đảm bảo sức khỏe khi quay lại trường học? - Ảnh 2.

Cần tăng cường dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình phục hồi hậu COVID-19 ở trẻ.

2. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất và đủ nước cho trẻ sau khi khỏi COVID-19

Theo BS. Đỗ Anh, Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối và bổ sung đủ nước là chìa khóa quan trọng cho sự hồi phục của người bệnh COVID-19.

Khi người bệnh có một chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng với rau củ quả, trái cây tươi, protein, hạn chế đồ chế biến sẵn, thì không cần phải uống thêm vitamin hay thuốc bổ.

Vì vậy, về cơ bản trước hết, chế độ ăn của trẻ phải đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng (đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).

- Tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc)

- Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...)

- Chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật)

- Vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả tươi...)

Tăng cường thực phẩm giàu protein, bổ sung các loại rau, trái cây, uống nhiều nước để cung cấp đa dạng các vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa và hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.

Cho trẻ ăn những món hợp khẩu vị mà trẻ thích, thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như các món cháo, súp…

Hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhiều muối, thực phẩm chế biến sẵn và các loại nước uống công nghiệp như nước ngọt có gas, nước tăng lực…

Hậu COVID -19, trẻ đã từng là F0 nên ăn uống thế nào để đảm bảo sức khỏe khi quay lại trường học? - Ảnh 3.

Chế độ ăn của trẻ phải đảm bảo đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng.

3. Một số thực phẩm tốt cho quá trình phục hồi của trẻ sau mắc COVID -19

3.1. Thực phẩm giàu protein

Để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, tái tạo và phục hồi các tế bào và mô là vô cùng quan trọng. Protein là thành phần chính cấu tạo nên các tế bào và mô mới cho cơ thể. Protein cũng cho phép cơ thể sản xuất các kháng thể mà nó cần để chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn.

Vì vậy, trong các bữa ăn của trẻ, cha mẹ nên lưu ý tăng cường các thực phẩm giàu protein như: thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các sản phẩm từ sữa ít béo, các sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt...

3.2. Thực phẩm hỗ trợ tăng cường miễn dịch

Trái cây, rau củ tươi là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa hiệu quả giúp cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu, chống viêm, kháng khuẩn để tăng cường miễn dịch cho cơ thể, giúp trẻ bệnh nhanh hồi phục sức khỏe.

Cha mẹ nên cho trẻ ăn đa dạng các loại trái cây, rau quả nhiều màu sắc để được cung cấp nhiều loại vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa khác nhau.

Đối với rau xanh nên chọn các loại rau như: cải ngọt, rau bina, cải xoăn, bắp cải, cà chua, các gia vị như tỏi, gừng, nghệ... giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Đối với nhóm trái cây tươi nên ưu tiên: cam, quýt, táo, bưởi, lê, chuối, dâu tây… Đó là những loại trái cây chứa nhiều vitamin, giàu chất chống oxy hóa, rất tốt cho hệ thống hô hấp, tăng cường chức năng miễn dịch.

Hậu COVID -19, trẻ đã từng là F0 nên ăn uống thế nào để đảm bảo sức khỏe khi quay lại trường học? - Ảnh 5.

Bổ sung rau xanh và trái cây tươi để tăng cường miễn dịch.

3.3. Các món ăn bổ sung dinh dưỡng giúp trẻ tiêu hóa tốt

Có nhiều trẻ trong giai đoạn hậu COVID-19 dễ mệt mỏi, ho, biếng ăn, ăn không ngon. Nếu để kéo dài trẻ sẽ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng làm cho khả năng hồi phục kém hơn. Vì vậy, cha mẹ cần phải lưu ý lựa chọn các món ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, phù hợp với khẩu vị của trẻ để trẻ dễ ăn và hấp thu tốt hơn.

Một số món ăn thích hợp dùng cho trẻ là: cháo gà, cháo thịt lợn nạc, cháo thịt lợn nạc nấu với cà rốt, khoai tây, bí đỏ, cháo thịt bò, cháo yến mạch, súp gà, nước dùng, nước luộc gà, nước hầm rau củ…

Những món ăn này sẽ cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể để phục hồi. Bên cạnh đó, đây cũng là một nguồn cung cấp chất lỏng và chất điện giải tuyệt vời để giữ nước cho cơ thể.

Nên cho trẻ uống thêm sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua. Sữa có đủ các thành phần dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối, dễ tiêu hóa và hấp thu phù hợp với trẻ mới ốm dậy. Ăn sữa chua hàng ngày để cung cấp các lợi khuẩn có tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch.

Cha mẹ cần chủ động thay đổi món ăn thường xuyên. Trang trí món ăn hấp dẫn và nhiều màu sắc để kích thích trẻ ăn.

Hậu COVID -19, trẻ đã từng là F0 nên ăn uống thế nào để đảm bảo sức khỏe khi quay lại trường học? - Ảnh 6.

Ăn sữa chua hàng ngày để cung cấp các lợi khuẩn có tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa.

3.4. Một số loại nước uống nên dùng

Cần cho trẻ uống đủ nước, uống nước lọc rải rác trong ngày. Đặc biệt, trong trường hợp cổ họng trẻ vẫn khó chịu hay còn đờm thì uống nhiều nước sẽ giúp làm dịu họng, loãng đờm.

Ngoài nước lọc, có thể cho trẻ dùng nước mật ong ấm kết hợp với chanh, gừng cũng có tác dụng làm dịu họng tốt.

Các loại nước trái cây như: nước cam, nước bưởi, nước dưa hấu, nước dừa tươi, nước chanh tươi… đều giúp bổ sung nước, vitamin và chất khoáng tốt cho cơ thể. Nước ép trái cây cũng giàu chất chống oxy hóa giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ.

4. Các thực phẩm cần hạn chế trong giai đoạn hậu COVID -19

- Hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều chất béo, nhiều gia vị, nhiều muối, thức ăn lạnh… Những thực phẩm này dễ gây kích thích họng, gây ho, tăng đờm nhớt, gây đầy bụng, khó tiêu…

- Hạn chế đồ uống có gas, nước tăng lực, đồ uống có chứa caffein dễ gây mất ngủ, căng thẳng, bồn chồn…

- Cần tránh cho trẻ ăn thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn vỉa hè, đường phố… vừa không tốt cho sức khỏe lại làm tăng nguy cơ bị tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm… khiến trẻ càng chậm phục hồi.

ThS.BS CKI Trịnh Phượng Kiều - Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Việc chăm sóc trẻ hậu COVID-19 cũng như chăm sóc trẻ sau khi khỏi bệnh thông thường. Tuy nhiên cần chú ý phát hiện sớm trẻ có các triệu chứng hậu COVID-19 để được xử lý kịp thời.

Phụ huynh cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, tập luyện và tinh thần, nhất là đối với trẻ lớn, trẻ từng bị COVID-19 nặng phải nhập viện.

Với chế độ dinh dưỡng, trẻ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các loại rau, trái cây, uống nhiều nước, bổ sung vitamin. Đồng thời cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc; tham gia các hoạt động thể dục thể thao như trước đây và hoạt động giải trí lành mạnh như xem phim, nghe nhạc, đọc sách…

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang