Kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay kéo dài, tạo điều kiện cho các gia đình về quê, đi du lịch. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nắng nóng gay gắt lan rộng cả nước.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày bắt đầu nghỉ lễ (27-4): Tâm điểm nóng là khu vực Sơn La, Hòa Bình và từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 38-40 độ, có nơi trên 41 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 35-40%.
Khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 39 độ. Khu vực Khánh Hòa đến Bình Thuận và Tây Nguyên nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ.
Tại Hà Nội, có nơi trên 39 độ.
Trẻ em, người lớn chóng mặt, đau đầu vì di chuyển giữa 39 độ C
Tranh thủ đợt nghỉ lễ dài, chị T.H (Hoàng Mai, Hà Nội) đưa con về quê thăm ông bà ngoại. Có mặt tại bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai) vào đúng 12h30 để kịp chuyến xe 13h, chị chia sẻ: "Nắng cháy da thế này chị cũng không muốn cho con ra đường đâu. Nhất là cháu lớn nhà chị từ sáng đến giờ cứ kêu đau đầu vì trời nắng. Nhưng vé thì đã đặt, hơn nữa lâu lâu mới có dịp nghỉ lễ dài thế này nên vẫn cố về quê".
Ghi nhận tại bến xe Giáp Bát trưa ngày 27-4, nhiều người chấp nhận chịu nắng nóng để bắt xe về quê.
Nắng nóng khiến cả trẻ em lẫn người lớn mệt mỏi, uể oải.
Anh D, một tài xế xe công nghệ (đang sống tại phố Hoàng Cầu, Hà Nội) vừa trả khách xong, mồ hôi nhễ nhại, chia sẻ: "Anh chạy nốt chuyến này là chuyến cuối rồi về nhà nghỉ. Chiều mát tầm 6 giờ tối anh mới chạy tiếp, nắng thế này phải ra đường rất mệt. Da sạm đen, rát hết mặt, sáng đến giờ anh bị say nắng, đau đầu, chóng mặt luôn".
Theo ghi nhận, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vào ngày đầu nghỉ lễ vắng vẻ hơn so với bình thường. Một phần vì nhiều gia đình đã về quê, đi du lịch trong dịp này. Cũng một phần vì trời nắng gay gắt nên mọi người ngại ra đường.
Ông Nguyễn Hữu Thành (Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho hay: Nắng nóng là một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm. Nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài ở khu vực dân cư sẽ gây ra cháy nổ, cháy rừng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân như mất nước, sốc nhiệt, say nắng, đột quỵ…
Trước khi ra đường phải làm ngay những việc này để tránh lão hóa, ung thư da
PGS.TS Nguyễn Văn Thường (Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, trong những ngày nắng nóng cao điểm thì việc bảo vệ da và chăm sóc cơ thể là ưu tiên hàng đầu. Bởi vì những ngày này chỉ số tia UV thường rất nguy hại, có thể gây lão hóa, ung thư. Mọi người cần lưu ý những điều sau:
- Khi đi ra ngoài trời nắng, hãy mặc áo dài tay, đeo khẩu trang, đội mũ rộng vành.
- Sử dụng kính dâm có khả năng chặn tia cực tím (kính có ghi thông số UV hoặc chỉ số ANSI trên bao bì). Chọn kính chống nắng có kích thước lớn, che được toàn bộ vùng mắt.
- Khi đứng dưới bóng cây, bạn có thể sử dụng ô che chắn để giảm tác động trực tiếp của tia UV.
Vì mưu sinh, người lao động vẫn chấp nhận làm việc giữa trời nắng 39 độ của Hà Nội.
- Cả phụ nữ lẫn nam giới đều cần sử dụng các sản phẩm giúp chống nắng, bảo vệ da như kem chống nắng ở cả dạng kem, gel lẫn xịt tiện dụng mọi lúc mọi nơi. Kem chống nắng nên có chỉ số SPF 30+ và khả năng chống tia UVA/UVB.
- Phụ huynh cần bảo vệ che chắn cho trẻ em khi ra ngoài bởi da của trẻ nhạy cảm hơn và thời gian tiếp xúc với ánh nắng còn kéo dài hơn người lớn.
- Uống thật nhiều nước: Trong những ngày nắng nóng, làn da tiết nhiều dầu nhưng lại bị khô trên bề mặt. Bạn cần uống đủ nước để cân bằng độ ẩm cho da, tránh tình trạng khô da và gây xỉn màu da. Đồng thời việc làm này giúp bù nước cho cơ thể kịp thời, tránh nguy cơ bị say nắng say nóng, đột quỵ…
- Nếu có thể hãy tránh đi ra ngoài nắng trong khoảng thời gian từ 10h – 16h để hạn chế tối đa tác động nguy hại của tia UV.
Bộ Y tế khuyến cáo những việc cần làm để tránh say nắng, đột quỵ
Theo Bộ Y tế, những vấn đề sức khỏe thường gặp ở mùa này là say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
Nhóm có nguy cơ say nắng, say nóng hoặc đột quỵ là:
- Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.
- Người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức như nông dân, công nhân lò gạch, lò luyện gang thép.
- Những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường cũng dễ bệnh nặng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi.
Ngoài ra, những ai đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột. Cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.
Mọi người cần tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Uống tối thiểu 1,5-2 lít nước/ngày, uống thành nhiều lần, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.
Người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, cần bố trí thời gian làm việc vào những lúc mát mẻ như sáng sớm hoặc chiều muộn. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến một giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát 15-20 phút.
Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng.
Người dân không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc.
Uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như oresol, đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc. Khi uống nước bổ sung khoáng cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.