Trẻ nói dối chưa chắc là xấu, ngược lại còn thể hiện sự IQ cao? Cha mẹ cần làm gì khi con không thật thà?

Khoa học đã chứng minh, con càng lớn, càng có sự phát triển về não bộ và nhận thức, hành vi thì càng hay nói dối. Thậm chí, trẻ nói dối ngày càng tinh vi hơ

Trong tất cả các hành vi lệch chuẩn của trẻ nhỏ, nói dối được xem là một trong những hành vi bị người lớn lên án đầu tiên. Khi thấy con không thành thật, nhiều cha mẹ vô cùng giận dữ, và ra sức khiển trách chúng. Chúng ta luôn dạy con rằng nói dối là xấu và con không bao giờ được nói dối với người lớn. Tuy nhiên không phải lúc nào trẻ nói dối cũng là xấu. Cha mẹ cần hiểu đúng về hành vi nói dối của con để có biện pháp giáo dục phù hợp.

Các kiểu nói dối thường gặp ở trẻ nhỏ

1. Nói dối để che đậy lỗi lầm

Khi phạm một lỗi nào đó, thay vì thành thật thừa nhận với bố mẹ, trẻ lại nói dối để che dậy. Nguyên nhân lớn nhất trong hành vi nói dối này của trẻ chính là sợ bố mẹ thất vọng, hoặc tệ hơn là sợ bản thân bị trách mắng, ăn phạt. Có thể do bố mẹ quá kì vọng vào thành tích của trẻ về điểm số, về vị trí trong lớp,... nên khi không đạt được, trẻ có phản ứng nói dối để bào chữa cho kết quả của mình.

Một chuyên gia tâm lý đã từng chỉ ra rằng: "Liệu có phải vì con hay bị la mắng, khiển trách, và kỷ luật quá nhiều, dẫn đến việc dần dà về sau, bất cứ khi nào phạm lỗi, dù là lỗi nhỏ, con cũng hình thành phản xạ nói dối để được "yên thân" hay không?". Chính bố mẹ đã tạo cho con áp lực tâm lý dẫn đến hành vi nói dối không mong muốn.

Trẻ nói dối chưa chắc là xấu, ngược lại còn thể hiện sự IQ cao? Cha mẹ cần làm gì khi con không thật thà? - Ảnh 1.
 

2. Nói dối khi lười biếng

"Con không có bài tập về nhà", "Con đánh răng rồi", "Con không đọc truyện"... là những kiểu trẻ hay nói với người lớn để không phải làm theo yêu cầu của cha mẹ. Nói những điều mà người lớn muốn nghe dường như là cách dễ dàng nhất giúp bé ít bị la mắng hơn.

3. Nói dối để "PR" bản thân

Khi muốn chứng tỏ bản thân hoặc muốn mình trở nên đặc biệt hơn, trẻ thường hay nói dối phóng đại. Những lời nói hoành tráng giúp lòng tự tôn của trẻ cao hơn. Nói dối sẽ khiến con cảm thấy mình đẹp hơn trong mắt người khác.

Ví dụ: Con làm bài tập được điểm 10 và về nhà khoe với mẹ. Con nói rằng cả lớp có mỗi mình làm được điểm cao. Tuy nhiên thực tế trong lớp cũng có không ít bạn đạt điểm 10.

Trẻ nói dối chưa chắc là xấu, ngược lại còn thể hiện sự IQ cao? Cha mẹ cần làm gì khi con không thật thà? - Ảnh 2.
 

4. Nói dối để được chú ý và quan tâm nhiều hơn

Khi muốn cha mẹ hoặc ai đó quan tâm mình nhiều hơn, trẻ chọn cách nói dối để thu hút sự chú ý của mọi người. Ví dụ như "Hôm nay con đau bụng lắm!"; "con ốm không muốn ăn",... thường được các bé sử dụng để tránh phải làm điều bé không thích hoặc để được cả nhà quan tâm nhiều hơn.

Matthew Rouse - một nhà tâm lý học lâm sàng tại Viện Tâm trí Trẻ em (Mỹ) cho biết, những đứa trẻ bị lo âu hoặc trầm cảm có thể nói dối về các triệu chứng của chúng để khiến bản thân được chú ý. Hoặc trẻ nói dối để giảm các vấn đề của mình.

5. Lời nói dối vô hại

Cha mẹ thường hay ngạc nhiên không hiểu tại sao bé lại biết cách nói dối. Ở lứa 6 tuổi, con bạn sẽ bắt đầu khen ngợi người khác giả dối, ngại nói rằng mình không còn thích phim này phim kia. Tất nhiên, bé sẽ được học cách thông cảm với bạn bè và tránh làm tổn thương người khác nhưng bạn cũng cần dạy bé biết được sự khác nhau giữa việc nói dối và cảm thông.

Trẻ nói dối không hẳn xấu

- Nói dối thể hiện sự phát triển về não bộ và nhận thức.

Khi con còn nhỏ, con chỉ biết A là A, B là B. Nhưng từ 2 tuổi trở lên trẻ dần nhận thức được rằng, nếu nói từ A sang B có thể bản thân không bị trách phạt, bố mẹ vui vẻ hơn, hài lòng hơn... Đây là một bước tiến về nhận thức của trẻ bắt đầu từ độ tuổi lên 2.

- Nói dối là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Nguyên nhân của việc này là do các nơ-ron thần kinh phát triển mạnh mẽ ở độ tuổi 3-6 tuổi. Bên cạnh đó việc trẻ thường xuyên tiếp xúc với nhiều câu chuyện hư cấu và viễn tưởng qua phim ảnh, trò chơi,... dẫn đến việc tưởng tượng mình là nhân vật hay nghĩ ra những câu chuyện tưởng tượng của riêng mình. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự phát triển trong tư duy và suy nghĩ của trẻ.

Trẻ nói dối chưa chắc là xấu, ngược lại còn thể hiện sự IQ cao? Cha mẹ cần làm gì khi con không thật thà? - Ảnh 3.
 

- Sự phát triển về kiểm soát hành vi của con

Khi con càng lớn, khả năng kiểm soát hành vi của con ngày một tốt hơn, con có thể điều khiển được nét mặt, ngôn ngữ cơ thể, biết diễn đạt và thể hiện tốt hơn; nói dễ hiểu là càng khôn hơn thì con càng sớm biết nói dối, và nói dối giỏi hơn.

- Ý thức được hình ảnh tốt đẹp của bản thân

Nói dối để mình trở nên đặc biệt hơn là đứa trẻ đó đã ý thức được hình ảnh của bản thân trong mắt người khác. Thay vì bóc mẽ con, khiến con xấu hổ, cha mẹ cần khuyến khích trẻ trở thành con người tưởng tượng ấy. Ví dụ trẻ nói dối mình giỏi nhất lớp trước mặt người khác, mẹ nên khuyến khích để con học tích cực hơn.

Cha mẹ cần làm gì khi con nói dối?

- Cố gắng tìm lý do bé nói dối. Khi biết nguyên do thật sự, cha mẹ sẽ tìm được cách giải quyết đúng đắn. Ví dụ như trẻ nói dối nhằm gây sự chú ý, tốt nhất là cha mẹ nên bỏ qua, hoặc quan tâm con nhiều hơn. Còn con nói dối để che đậy hành vi sai trái cha mẹ nên nghiêm khắc một chút. 

- Không trừng trị nặng nề con khi phát hiện con nói dối. Giảm bớt lời trách mắng sẽ khuyến khích sự thú nhận, chứ không phải sự chối tội. Càng làm con sợ hãi, bản năng tự bảo vệ và che dấu lỗi lầm (nói dối cũng là một lỗi lầm) của con càng tăng cao, và con sẽ càng nói dối nhiều hơn.

- Khi phát hiện con nói dối, bố mẹ hãy truyền đạt thông điệp "bố mẹ biết con đang nói không thật đó nhé" bằng những cách nhẹ nhàng, tích cực và sáng tạo nhất có thể. Đối với lứa tuổi càng nhỏ thì hãy thể hiện thật vui vẻ, có thể pha chút trêu ghẹo con; với lứa tuổi lớn dần thì hãy truyền cho con thông điệp là nói dối không làm cho mọi việc tốt hơn.

- Không nên hù dọa trẻ khi con nói dối. Vì như vậy càng khiến con sợ hãi, và tìm mọi lý do để bào chữa bản thân mình.

Trẻ nói dối chưa chắc là xấu, ngược lại còn thể hiện sự IQ cao? Cha mẹ cần làm gì khi con không thật thà? - Ảnh 5.
 

- Cha mẹ nên có hình phạt cho việc nói dối của trẻ vì đó là một lỗi sai và cần có hình thức phù hợp để con ghi nhớ để không lặp lại. Tuy nhiên hình phạt nên nhẹ nhàng, và đi kèm với sự giải thích rõ ràng để trẻ thật sự hiểu rõ vấn đề.

- Chính bố mẹ và người lớn trong nhà phải thể hiện bản thân luôn nói thật trước mặt con. Những lời nói dối vô hại của bố mẹ và người thân như: Thuốc ngọt lắm!; Con làm tốt, bố mẹ sẽ thưởng (nhưng lại không thưởng)!; ... đã tạo nên tiềm thức về việc nói dối cho trẻ. Bé sẽ nghĩ rằng việc nói dối là bình thường và bắt chước lại.

- Cha mẹ nên nên khuyến khích hành vi trung thực của bé bằng cách kể bé nghe nhiều câu chuyện nhỏ về lòng trung thực. Ví dụ như: câu chuyện cậu bé chăn cừu...

- Cuối cùng, đừng tạo quá nhiều áp lực cho con trẻ. Cha mẹ có quá nhiều kì vọng lên con trẻ vô hình chung gây ra áp lực đối với cuộc sống của trẻ. Trẻ muốn bố mẹ vui lòng sẽ có thói quen nói dối. Hãy thật sự thoải mái và để con làm những điều mình muốn.

 

https://afamily.vn/tre-noi-doi-chua-chac-la-xau-nguoc-lai-con-the-hien-su-iq-cao-cha-me-can-lam-gi-khi-con-khong-that-tha-20220618183057207.chn
 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang