Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin, một bà mẹ đã nói với đứa con trai 11 tuổi của mình một câu: "Nhỏ không học mốt lớn nhặt ve chai".
Thật ra, bà mẹ nói câu này chỉ mong con trai mình có thể chăm chỉ học hành, nhưng ý nghĩa của câu nói kia lại vô tình động chạm đến lòng tự ái của cậu bé. Sau đó, nhân lúc người nhà không chú ý, cậu bé đã lén chạy ra ngoài, bố mẹ phải nhờ cảnh sát can thiệp.
Khi được hỏi đến đã chạy đi đâu thì cậu bé đã trả lời: "Con đi nhặt ve chai. Con muốn trải nghiệm một chút". Cậu bé đã xem câu nói dọa dẫm của bố mẹ là thật và đã thực hiện ngay sau đó.
Cậu bé đã tin vào sự phán đoán của bố mẹ. Cậu đã cho rằng cuộc sống sau này chỉ có thể đi nhặt rác như lời của bố mẹ mà thôi. Đó là lý do khiến cậu muốn đi trải nghiệm để chuẩn bị cho "tương lai" phía trước.
Một trong những phương pháp giáo dục thường gặp nhất của các bậc cha mẹ chính là hù dọa con trẻ để chúng biết sợ mà nghe lời. Thế nhưng phương pháp này đã mang đến nhiều tổn thương với trẻ nhỏ.
Là một người cha người mẹ, trước khi buông lời dạy dỗ con cái thì hãy nhận thức được 3 điều sau đây:
1. Những lời hù dọa của bố mẹ có thể trở thành ám ảnh tâm lý của con trẻ
Một bé gái 5 tuổi ở Phật Sơn (Quảng Đông, Trung Quốc) bị mất tích. Cảnh sát tiến hành tìm kiếm và phát hiện bé gái đang bị lạc trên đường. Nhưng điều không ngờ đến là cô bé vừa thấy cảnh sát thì chạy đi, còn sợ hãi nói rằng: "Đừng bắt con". Sau quá trình cố gắng giải thích thì cô bé mới từ từ hiểu ra mọi chuyện.
Được biết, nguyên nhân khiến cô bé sợ cảnh sát như vậy là vì bình thường bố mẹ hay dọa rằng nếu trẻ nhỏ không nghe lời thì gia đình sẽ gọi cảnh sát đến bắt. Dần dần, cô bé đã hình thành nên tâm lý sợ cảnh sát và biến hình tượng cảnh sát trở thành nhân vật cần phải tránh xa.
Một sai lầm rất lớn trong cách giáo dục của nhiều bậc cha mẹ chính là cho rằng đe dọa có thể khiến con cái nghe lời, để chúng có thể nhận thức và thay đổi.
Thế nhưng phương pháp giáo dục này vô hình trung đã gây tổn hại đến tâm hồn con trẻ.
Một nghiên cứu tâm lý cho biết: Những đứa trẻ thường xuyên bị dọa dẫm từ nhỏ sẽ dễ sản sinh cảm xúc căng thẳng và hiện tượng sợ hãi cực độ. Một khi tình trạng này diễn ra trong thời gian dài thì đứa trẻ sẽ hình thành nên chướng ngại tâm lý, ảnh hưởng đến cuộc sống, tính cách và tương lai của chúng.
2. Những đứa trẻ lớn lên trong những lời đe dọa của bố mẹ dễ hình thành nên tính cách nịnh nọt lấy lòng người khác
Nhiều bậc cha mẹ dạy dỗ con cái mình bằng cách nói những lời như: "Con mà không nghe lời thì mẹ sẽ bỏ con", "Đừng chạy lung tung, chạy lung tung là bị người xấu bắt đi mất đó", "Nếu không ngoan thì cảnh sát sẽ tới bắt con đấy",…
Phía sau những lời đe dọa tưởng chừng như vô hại này là những sự giấu giếm to lớn trong quá trình trưởng thành của con trẻ.
Trong thời gian đầu của quá trình trưởng thành, con trẻ luôn phải dựa dẫm vào bố mẹ. Điều này mang đến sự thỏa mãn cho cảm xúc an toàn trong nội tâm của chúng. Đồng thời, chính cảm giác an toàn khi được dựa dẫm vào bố mẹ lại giúp con trẻ hình thành nên nhân cách tự tin và độc lập.
Ngược lại, những đứa trẻ bị đe dọa từ nhỏ luôn cảm thấy thiếu thốn tình cảm của bố mẹ. Vì để lấp đầy những khoảng trống cảm xúc ấy, chúng sẽ lựa chọn cách đi nịnh nọt và lấy lòng người khác.
Mỗi bậc cha mẹ đều có quyền kiểm soát đối với con cái, nhưng hãy sử dụng quyền hạn này một cách thận trọng, không nên trở thành một con bù nhìn bất động để dọa con trẻ, khiến con trẻ rơi vào khủng hoảng ngay từ nhỏ.
Phương pháp giáo dục dọa dẫm của cha mẹ như một cách tống tiền về mặt tình cảm, khiến cho con trẻ cảm thấy bản thân có thể sẽ bị bỏ rơi và cố gắng trở thành "đứa con ngoan" để lấy lòng người khác.
Sự "ngoan ngoãn" giả dối này dần dần ăn sâu vào tính cách của con trẻ, khiến chúng không thể nào tìm thấy được chính mình và chỉ biết sống để làm vừa lòng người khác.
Sự giáo dục thông minh nhất chính là nhẫn nại cho cơ hội để con trẻ trưởng thành
Thế nhưng quá trình giáo dục để con trẻ phát hiện lỗi sai và thay đổi đòi hỏi bậc cha mẹ phải nhẫn nại, chứ không phải kiểu một bước thấy ngay kết quả.
Sự nhẫn nại điều hướng con trẻ cũng chính là sự bảo hộ cho lòng tự tôn và cảm xúc của chúng, cho chúng cơ hội để nhận ra lỗi lầm và cải thiện bản thân.
Thật vậy! Giáo dục không phải là chuyện một sớm một chiều, mà là quá trình tỉ mỉ và tinh tế.
Quản thúc con cái không phải chỉ cần nói dăm ba câu thì chúng sẽ trở thành "người tốt", mà càng cần bố mẹ phải bỏ ra thời gian và công sức thì mới có thể nuôi dạy con cái thành người.
Cách giáo dục của cha mẹ ảnh hưởng đến nhân cách của một đứa trẻ sau này. Theo đó, mục đích cuối cùng của việc giáo dục không phải giúp bậc phụ huynh sở hữu được những đứa con ngoan, mà là để trẻ trở thành con người mà chúng mong muốn.
(Nguồn: Zhihu)
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.