Trẻ sơ sinh tay chân lạnh - Dấu hiệu không thể bỏ qua

(lamchame.vn) - Trẻ sơ sinh tay chân lạnh là một trong những vấn đề thường trong 3 tháng đầu đời. Tình trạng này có ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ không và cách điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu một số thông tin liên quan trong bài viết sau đây nhé.

Vì sao trẻ sơ sinh chân tay lạnh?

Theo chia sẻ của TS.BS. Vũ Tề Đăng: "Chân tay là bộ phận ngoại vi của cơ thể, do đó máu sẽ đến tưới ít hơn các cơ quan quan trọng của cơ thể như tim, não, thận… Do đó nhiệt độ tay, chân có thể thấp hơn nhiệt độ vùng trung ương (thân mình, đầu) một chút. Hơn nữa, một số bé có hiện tượng đổ mồ hôi tay và chân sẽ làm nhiệt mất nhanh hơn nên tay chân lại càng lạnh hơn."

Ngoài ra một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị lạnh tay chân là do thân nhiệt của trẻ chưa ổn định. Cơ thế bé non nớt và rất dễ bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài. Đặc biệt, vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp, nếu bé không được giữ ấm thì việc bị lạnh chân tay là điều không thể tránh khỏi.
 

 

Ảnh minh họa

Một số trường hợp trẻ sơ sinh bị lạnh tay chân bẩm sinh, trẻ thường xuyên bị lạnh là do khả năng lưu thông máu của trẻ đó kém và chậm hơn những trẻ bình thường khác. Nhiều trường hợp trẻ trên 3 tháng tuổi vẫn hay bị lạnh tay chân thì có thể do trẻ bị thiếu canxi.

Trẻ sơ sinh chân tay lạnh có nguy hiểm không?

Có thể nói, trẻ sơ sinh bị lạnh tay chân không phải là tình trạng nghiêm trọng nhưng bố mẹ cũng không nên chủ quan mà lơ là trong việc chăm sóc trẻ. Một số nghiên cứu cho thấy, trẻ bị lạnh chân tay vào mùa đông thường có sức đề kháng kém và dễ mắc các bệnh như cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi… và các bệnh truyền nhiễm khác.

Nếu trẻ sơ sinh bị lạnh tay chân mà bé vẫn khỏe, vui chơi, bú, ăn bình thường, không có dấu hiệu gì bất thường kèm theo thì bố mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, bố mẹ hãy luôn nhớgiữ ấm đúng cách cho con để đảm bảo bé không bị nhiễm lạnh.

Các dấu hiệu nhận biết tình trạng trẻ sơ sinh chân tay lạnh

Trẻ sơ sinh chân tay lạnh sẽ được chia thành 2 trường hợp: nguy hiểm và không nguy hiểm.

- Nếu thấy các dấu hiệu dưới đây, các mẹ có thể an tâm rằng con mình không bệnh nặng, có thể điều trị tại nhà.

  • Có màu da bình thường
  • Vẫn nói chuyện và sinh hoạt bình thường
  • Trẻ rất tỉnh, khi được gọi thì dậy nhanh chóng và dễ dàng
  • Khóc mạnh, phản xạ bình thường
  • Môi và lưỡi không khô, không khát nước, không tím tái.
[​IMG]
Ảnh minh họa


- Tuy nhiên, nếu thấy các dấu hiệu sau thì con bạn đang trong tình trạng nghiêm trọng và cần được đưa đi bệnh viện để thăm khám và điều trị.

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi bị sốt trên 39 độ
  • Da nhợt nhạt hay thậm chí tím tái (có thể là do tuần hoàn máu kém)
  • Không trả lời như bình thường/ không cười/ khóc nhiều trong vài giờ
  • Khó đánh thức bé dậy
  • Bé nằm im, li bì
  • Môi và lưỡi khô, mắt, thóp trũng, khi thở thấy bụng phình, ngực lõm
  • Có vài cơn lạnh run người
  • Cổ cứng, mụn nước trên da, nổi mẩn khi đè ép

Chân tay lạnh là biểu hiện bệnh gì?

Thông thường hiện tượng trẻ sơ sinh tay chân lạnh là dấu hiệu của các bệnh như:

+ Thiếu vitamin B, đặc biệt là vitamin B12: Đây là loại vitamin cần thiết cho sự hình thành các hồng cầu bình thường, sửa chữa các mô và tế bào cũng như tổng hợp DNA là vật liệu di truyền trong các tế bào. Hơn nữa, vitamin B12 cũng rất cần thiết cho sự sản sinh các hồng cầu trong tủy xương, các vỏ bọc dây thần kinh và các protein. Trong khi đó, các ngón tay, ngón chân là nơi tập trung dày đặc các dây thần kinh nhận nhiều phản hồi xúc giác và là nơi định vị lớn nhất trên cơ thể người. Do đó, khi thiếu loại vitamin này sẽ khiến các đầu ngón tay, ngón chân tê buốt, lạnh như đóng băng.

+ Suy giảm hoạt động tuyến giáp: Cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh ở người lớn hoặc trẻ sơ sinh chân tay lạnh ra mồ hôi đều có liên quan tới sự suy giảm hoạt động của tuyến giáp. Bởi tuyến giáp sản xuất một loại hormone quy định nhiệt độ cơ thể, sự trao đổi chất và nhịp tim. Khi tuyến giáp hoạt động tích cực có thể làm tăng tốc sự trao đổi chất, khiến nhịp tim đập nhanh hoặc không đều, ra mồ hôi và căng thẳng hoặc khó chịu. Còn khi tuyến giáp hoạt động kém, gây suy giáp sẽ làm rối loạn sự cân bằng bình thường của phản ứng hóa học trong cơ thể, gây ra hiện tượng chân tay lạnh, kèm theo một số vấn đề về sức khỏe như béo phì, đau khớp, vô sinh và bệnh tim.

+ Trẻ bị thiếu máu: Khi trẻ bị thiếu máu sẽ gây ra hiện tượng mệt mỏi, làm tăng nguy cơ bị nhiễm lạnh và tay chân luôn lạnh cóng. Trẻ sẽ được hồi phục tốt nếu cung cấp đủ dinh dưỡng với chế độ ăn phù hợp.

+ Trẻ bị viêm tĩnh mạch: Trẻ sơ sinh chân tay lạnh cũng là một trong những dấu hiệu của bệnh viêm tĩnh mạch. Tĩnh mạch không phải nuôi dưỡng cho tim, não và động mạch chủ mà có chức năng cung cấp máu cho các cơ quan ở phía xa hơn như tay, chân. Vì vậy khi tĩnh mạch máu bị tổn thương, biến dạng cấu trúc, sưng đau hay viêm nhiễm thì trẻ sẽ bị chân tay lạnh và gây hậu quả khó lường nếu không can thiệp kịp thời.
 

Ảnh minh họa

+ Viêm phổi cấp: Trẻ bị tay chân lạnh trong mùa đông có thể là biểu hiện của bệnh phổi cấp. Khi bị viêm phổi thì trẻ sơ sinh chân tay lạnh đầu nóng kèm theo hiện tượng bỏ ăn, bỏ bú, tiêu chảy dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải... Lúc này, bé cần được nhập viện để điều trị, tránh lây nhiễm thêm vi khuẩn, virus cũng như phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị lạnh tay chân

Trường hợp trẻ sơ sinh bị lạnh tay chân nếu không được khắc phục sẽ dễ dẫn đến những bệnh gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ. Do đó, mẹ hãy áp dụng các biện pháp sau đây nhé:
Luôn luôn giữ ấm cơ thể cho bé vào mùa đông hoặc ngày trở lạnh. Đặc biệt, tay và chân là những bộ phận tiếp xúc nhiều với bên ngoài nên càng cần được giữ ấm đúng cách.

Tuyệt đối không cho bé đi chân trần vào mùa đông. Thay vào đó, mẹ hãy chọn quần áo, tất vớ cho bé từ những chất liệu mềm mại, thấm hút mồ hôi tốt.

Trường hợp trẻ sơ sinh bị lạnh tay chân là dấu hiệu của thiếu canxi thì mẹ cần bổ sung canxi cho bé bằng cách tắm nắng cho trẻ trong khoảng thời gian từ 6 – 9 giờ sáng. Bên cạnh đó, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung vitamin D3 và canxi dạng siro cho trẻ.

Ngoài những phương pháp trên thì việc bổ sung những thực phẩm giàu sắt như lòng đỏ trứng, thịt bò, đậu nành,... cũng sẽ giúp bé hạn chế bị tình trạng này. Đồng thời, cho bé ăn trái cây tươi hoặc nước ép trái cây để ngăn chặn tình trạng thiếu vitamin.

Cuối cùng, mẹ nên tăng cường những vận động cơ thể cho bé bằng các hoạt động như bò, trườn, đi... Vận động cũng là cách để tăng cường sức đề kháng và cải thiện khả năng thích ứng của cơ thể bé trong mùa đông. Do đó, mẹ hãy khuyến khích bé vận động nhiều nhé!

Link bài gốc:https://www.lamchame.com/forum/threads/tre-so-sinh-tay-chan-lanh-dau-hieu-khong-the-bo-qua.2475600/

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang