Trêu đùa chó nhà, bé gái 3 tuổi bị chó cắn rách mặt

Bé gái nhập viện vớt nhiều vết thương do chó cắn trên mặt và khắp người, trong đó nặng nhất là vết rách sâu ở vùng trán.

Theo thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc, ngày 14/6/2020, khoa Chấn Thương Chỉnh Hình của Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhi Đ.T.T.H (3 tuổi, trú tại An Hòa, Tam Dương, Vĩnh Phúc) bị chó cắn trong tình trạng khá nguy kịch.

Các bác sĩ cho biết cháu H là bé gái, cân nặng 12kg. Ở nhà, cháu rất hiếu động. Đang chơi, bé H. có cầm búa gõ vào đầu con chó nhà nuôi. Con chó nặng 40kg đã bất ngờ lao vào cắn bé rất nhiều vết trên mặt và người bé.

Tại bệnh viện, vết thương vùng trán bé rất sâu, dài chừng 5-6cm. Theo nhận định của các bác sĩ, rất may bé H. nhập viện kịp thời nên không nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều. Hiện tại, bé H. đang nằm điều trị tại khoa Chấn Thương Chỉnh Hình Bệnh viện Sản Nhi và hồi phục rất tốt.

Trêu đùa chó nhà, bé gái 3 tuổi bị chó cắn rách mặt - Ảnh 1.

Vết thương do chó cắn để lại trên mặt bé H (Ảnh: Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc..

Hàng năm, cả nước xảy ra nhiều vụ trẻ bị chó cắn rất thương tâm. Ngay trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận 3 bệnh nhi bị chó cắn:

Ngày 15/5, bé L.N.D (17 tháng tuổi, trú tại Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng có nhiều vết rách lớn ở vùng hàm mặt, vết thương hở nhiều.

Một trường hợp khác là bệnh nhi Đ.Q.V (18 tháng tuổi, ngụ tại Bình Dương), nhập viện ngày 16/5 trong tình trạng có 1 đường rách lớn trên má phải. Các bác sĩ phải mất 3,5 giờ đồng hồ, dùng tới 7m chỉ khâu để khâu lại toàn bộ vùng mặt cho bệnh nhi này.

Trường hợp tiếp theo là bệnh nhi 19 tháng tuổi ở Tây Ninh, được đưa đến bệnh viện ngày 10/6 trong tình trạng bị rách vùng má phải với vết thương lớn, da bị rách nát lộ cơ, mô mỡ.

Trêu đùa chó nhà, bé gái 3 tuổi bị chó cắn rách mặt - Ảnh 2.

Bác sĩ phải dùng 9 sợi chỉ (7 mét chỉ) để khâu vết thương do chó cắn của bệnh nhi Đ.V.Q (18 tháng tuổi).

Thông qua những trường hợp trên, các bác sĩ có lời nhắn nhủ tới các gia đình có nuôi chó, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ nên tuân thủ nghiêm ngặt những quy định như: tiêm phòng, xích nhốt trong chuồng, ra ngoài phải rọ mõm cho chó... Đặc biệt, luôn phải đảm bảo chó tránh xa tầm tay của trẻ em, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc xảy ra cho trẻ.

Rất nhiều trường hợp bệnh nhi bị chó cắn không những ảnh hưởng đến cơ thể mà tâm lý cũng bị sốc nặng. Ngoài ra nếu không may chó mang virus dại thì còn có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Trong trường hợp chẳng may trẻ bị chó cắn, cách sơ cứu như sau:

- Nhanh chóng rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy để loại bỏ mầm bệnh.
- Dùng băng gạc hoặc vải sạch băng bó nhẹ nhàng vết thương để cầm máu.
- Đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để xử trí kịp thời.

 

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang