Trong tâm dịch Bắc Ninh, quặn lòng trước câu hỏi: Sao mẹ đi lâu thế, bao giờ mẹ về?

Ngày 5/5, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, chị Nguyễn Thị Chiền (điều dưỡng của Trạm Y tế xã Hoài Thượng) được điều động đi tham gia truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.

Trước khi, lên đường chiến đấu với kẻ thù nhỏ bé SARS-CoV-2 nhưng cực kỳ nguy hiểm, cậu con trai nhỏ của chị Chiền ôm chân mẹ khóc: "Mẹ ở nhà với con" còn cô con gái lớn Minh Ngọc (5 tuổi) thường ngày rất tự lập, biết giúp mẹ trông em nhưng hôm nay cũng lã chã nước mắt bảo "sắp đến sinh nhật con rồi mẹ còn đi".

Sau khi dặn dò hai con chuyện ăn uống, học hành, chị ngồi bệt xuống đất, nắm tay chồng thủ thỉ: "Anh ở nhà tự biết chăm lo cho bản thân. Em sẽ gửi tiền nhờ mợ thỉnh thoảng mua thức ăn mang đến cho anh. Giờ em đưa con sang gửi bà nội, nhờ bà từ mai đưa các cháu đi học. Chuyến này chắc em phải đi dài ngày anh ạ…".

Chồng chị Chiền, ánh mắt nhoè đi vì thương vợ. Từ một người đàn ông khoẻ mạnh, sau lần bị điện giật, anh mất một bên chân, teo một cánh tay và không còn khả năng lao động. 

Trong tâm dịch Bắc Ninh, quặn lòng trước câu hỏi: Sao mẹ đi lâu thế, bao giờ mẹ về? - Ảnh 1.

Chị Chiền và đồng nghiệp.

Số tiền lương 4,7 triệu đồng và 300 nghìn tiền trực hàng tháng của chị Chiền giờ đây phải chia nhỏ từng phần sao đủ chi tiêu cho 4 miệng ăn, trong khi 2 con đang tuổi đến trường. Đến cái nhà vợ chồng anh chị và các con đang ở cũng là đi mượn của một người thân trong dòng họ.

Bước vào tâm dịch, chị Chiền quay cuồng với công việc, làm từ sáng đến khuya, mỗi ngày chỉ chợp mắt được vài giờ đồng hồ. Không chỉ làm những công việc chuyên môn, chị cùng các y bác sĩ ở tâm dịch còn làm đủ thứ việc, kể cả khuân vác đồ.

Có những ngày, nhóm của chị xuất phát từ sáng sớm vào các điểm dịch, đến chiều mới được ăn cơm, vừa ăn xong lại vội vàng mặc quần áo bảo hộ để tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm. Làm việc đến 2-3h sáng, thậm chí xuyên đêm, có lúc mệt không muốn ăn uống gì, mọi người chỉ uống sữa hoặc oresol bù nước.

Mệt mỏi là vậy, căng thẳng là vậy nhưng lúc nào chị cũng tự nhủ phải cố gắng. Bởi sau lưng chị còn cả một gia đình chờ người phụ nữ ấy lo toan, gánh vác.

 

  •  

Nhiều đêm xong việc cũng đã sang ngày mới, chị muốn gọi điện về nhà nhưng đành bấm bụng vì giờ này các con ngủ rồi. 

Hôm trước, con trai chị là Quốc Cường bị ốm, khóc đòi mẹ nhưng chị không biết phải làm thế nào. Khó khăn nhất với chị là trả lời câu hỏi "sao mẹ đi lâu thế, bao giờ mẹ về?"…

Ngày 14/5 là sinh nhật của Minh Ngọc. Trước dịch, chị Chiền đã hứa sẽ tặng cho cháu búp bê công chúa Elsa mà cô bé ước mơ mãi. Nhưng vì nhiệm vụ, vì sứ mệnh của ngành y tế trong đại dịch, chị đành phải thất hứa với con.

Sáng 24/5, những ca bệnh đầu tiên của huyện Thuận Thành được công bố khỏi bệnh và xuất viện, chị Chiền mừng lắm. Chị nhẩm tính một cách đầy lạc quan rằng, rất có thể chỉ ít ngày nữa dịch bệnh được khống chế, chị được bớt việc, có thời gian chọn quà gửi về tặng 2 con nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. 

18h chiều cùng ngày, sau khi vừa đi lấy mẫu xét nghiệm ở xã Mão Điền về, chị nhận được thông báo khẩn của cấp trên rằng: Huyện Thuận Thành có thêm mấy chục ca mắc mới, mọi người phải khẩn trương lên đường ngay.

Như mọi lần, chị không than thở một lời và là người đầu tiên lên xe đến điểm dịch. Trên đường đi, mọi người không thấy chị khóc nhưng cảm giác có vị mặn chát trên môi…

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang