Là bố mẹ, ai chẳng mong con mình có thể trở nên xuất sắc, thành công trong tương lai. Với mong muốn này, không ít bố mẹ đã vạch sẵn con đường cho con mình ngay từ khi đứa trẻ còn chưa chào đời.
Vì thế, câu nói "bố mẹ làm như vậy là tốt cho con" được họ đem ra áp dụng mọi lúc mọi nơi, ép con cái phải nghe lời tuyệt đối. Tuy nhiên, có những việc bố mẹ không thể ép buộc trẻ, nếu không sẽ phản tác dụng, gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc. Trong những giai đoạn đầu đời của trẻ, đặc biệt trước 6 tuổi, bố mẹ đừng ép trẻ làm 4 điều sau đây.
1. Ép buộc con cái phải ngoan ngoãn, biết nghe lời
Trong chương trình "Your Talk" của Trung Quốc, một cô bé 16 tuổi tên Tiểu Yên dũng cảm đứng trên sân khấu chia sẻ câu chuyện của mình rồi bật khóc.
Cô bé vừa nói vừa lau nước mắt, kể rằng từ nhỏ mình luôn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, khi đi học cũng chưa bao giờ làm bố mẹ lo lắng. Trong mọi chuyện, cô bé luôn cố gắng hết sức để không phụ lòng bố mẹ, điều này dẫn tới việc liên tục đè nén cảm xúc của bản thân.
Một đứa con như vậy có lẽ sẽ khiến bố mẹ rất hài lòng và tự hào. Thế nhưng, liệu có bao nhiêu bố mẹ quan tâm tới việc con mình đang che giấu những cảm xúc thực sự của bản thân.
Trẻ từ 0 đến 6 tuổi có quyền được khóc, được nghịch phá, được phép làm sai. Ngoài ra, chúng còn có những hành vi như ích kỷ, nổi loạn, hay cãi lại, cắn… Đây đều là những hành vi bình thường trong quá trình lớn lên của một đứa trẻ.
Nếu ở giai đoạn này, bố mẹ luôn muốn ép buộc con cái phải nghe lời, ngoan ngoãn, họ sẽ bỏ qua nhu cầu thực sự và cản trở sự phát triển bình thường của trẻ.
2. Ép buộc trẻ phải biết chào hỏi người lớn
Nhiều bố mẹ quan niệm rằng, trẻ cần phải biết chào hỏi vì đó là phép lịch sự cơ bản. Trong những buổi tụ tập, bố mẹ dẫn con cái đi theo và ép trẻ phải chào hỏi bạn bè mình. Nếu trẻ không nghe lời, họ thản nhiên quát mắng, khiến chúng sợ hãi co rúm người lại.
Trên thực tế, khi trẻ phát triển tới một giai đoạn nhất định, chúng sẽ phân biệt được đâu là người lạ, đâu là người quen nên việc không muốn chào hỏi với người lạ cũng là điều bình thường.
Tâm lý cảnh giác của trẻ cao nhất trong giai đoạn trước 6 tuổi. Đây là khả năng tự bảo vệ bẩm sinh của trẻ, dần dần trẻ sẽ biết cách phân biệt và tin tưởng vào người khác.
Người lớn thường thích những đứa trẻ hoạt bát, nhanh nhảu nên khi thấy một đứa trẻ nhút nhát như vậy, họ thường dùng lời lẽ chê bai một cách tiêu cực như "con bé này không biết nói chuyện à", "thằng bé này sống nội tâm quá".
Bố mẹ không nên ép con mình chào hỏi người lớn tuổi chỉ để chiều theo ý của họ. Đối với trẻ em, những tình huống quen thuộc cần có nhiều thời gian quen dần. Bố mẹ cần đứng về phía con mình, bảo vệ chúng và có thể nói lại với người khác khi họ dùng những lời lẽ chê bai: "Không phải cháu nó không thích chào, chỉ là hiện tại chưa muốn. Khi cháu nó sẵn sàng tự khắc sẽ biết chào thôi".
3. Ép buộc trẻ phải biết chia sẻ với người khác
Khi trẻ còn nhỏ, chúng thường được bố mẹ dạy rằng phải biết chia sẻ đồ chơi với bạn. Mặc dù biết rằng, việc chia sẻ là một đức tính tốt nhưng buộc những đứa trẻ trước 6 tuổi phải chia sẻ đồ chơi của mình thực chất là điều không nên làm.
Ngay cả khi trẻ không muốn chia sẻ đồ của mình, chúng cũng không nên bị người lớn gắn cho các mác "ích kỷ" hay "keo kiệt".
Việc chia sẻ cần dựa trên tinh thần tự nguyện, trẻ còn nhỏ chưa hiểu hết ý nghĩa của việc chia sẻ nên bố mẹ không thể ép buộc.
Từ 2 đến 6 tuổi, trẻ bước vào giai đoạn có ý thức về bản thân, biết phân biệt đồ "của mình" và "của người khác". Việc trẻ ý thức cao về đồ của mình là một hiện tượng tâm lý bình thường. Khi lớn dần, ý thức việc "coi mình là trung tâm" dần mất đi, dưới sự hướng dẫn của bố mẹ, chúng sẽ hiểu rằng việc chia sẻ mang lại niềm vui.
4. Ép buộc trẻ không được khóc
Tiếng khóc của trẻ thường là vấn đề rất phiền phức đối với bố mẹ. Để con cái có thể ngừng nhanh, một số bố mẹ ra lệnh, ép buộc chúng không được khóc. Bố mẹ càng nói, trẻ càng khóc dữ dội.
Khách quan mà nói, tiếng khóc hay tiếng cười là những biểu hiện cảm xúc bình thường của con người.
Khi một đứa trẻ khóc, đương nhiên có lý do đằng sau đó. Dù là bé trai hay bé gái, nhu cầu khóc của chúng vẫn cần được bố mẹ chấp nhận. Nếu bố mẹ không cho trẻ khóc, cảm xúc của trẻ bị kìm nén, dễ hình thành những khiếm khuyết về nhân cách sau này.
Nhà giáo dục Maria Montessori từng nói: "Mọi khiếm khuyết về nhân cách đều do bất hạnh thời thơ ấu gây ra".
Tóm lại, mỗi độ tuổi sẽ có trẻ sẽ phát triển theo cách khác nhau. Vì thế, bố mẹ cần nắm bắt, định hướng đúng cách giáo dục sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình trẻ phát triển sau này. Nếu giáo dục sai lầm, bố mẹ vô tình khiến tương lai của con mình trở nên xấu đi.
Nguồn: Aboluowang, Sina
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.