Gia tăng bệnh nhân nhập viện
Bệnh nhân Nguyễn Thị H, sinh năm 94, có thai 10 tuần ở Thường Tín, Hà Nội phải vào viện điều trị nội trú vì thuỷ đậu. Trước đó, chị H. có tiếp xúc với cháu bị thuỷ đậu và sau đó xuất hiện các nốt phỏng kèm theo sốt.
Các bác sĩ tại khoa truyền nhiễm và chuyên khoa sản đang hội chẩn để theo dõi xem có bất thường về thai không. Hiện nay, các xét nghiệm của bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
Hay như trường hợp của Lê T. K. 24 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội bị sốt và sưng hai bên hàm sau đó sưng đau vùng tinh hoàn. Vì rất lo sợ nên T đã vào viện kiểm tra và điều trị nội trú.
K. cho biết cách đây 2 tháng K. mới tiếp xúc với bạn cùng phòng bị quai bị nhưng không phát hiện ra bệnh mà bệnh ủ tới hai tháng sau mới phát ra. Điều mà K. lo lắng nhất đó là hai tinh hoàn bị sưng đau ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này.
Quai bị do virus paramyxovirus gây nên. Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên do virus quai bị gây nên.
Theo PGS TS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết , so với dịch khác thì dịch quai bị xảy ra dai dẳng. Bệnh nhân tiếp xúc với vi rút trước khi khởi bệnh vi rút đã thải ra nước bọt, trong thời gian ủ bệnh vẫn lây, khỏi bệnh 1 tuần sau vẫn còn thấy vi rút nên bệnh khó loại bỏ.
Bệnh quai bị hay lây ở trẻ em, thanh thiếu niên, nhất là ở khu vực trường học, khu đông người, sưng tuyến nước bọt, tuyến tuỵ, tinh hoàn là tuyến ngoại tiết dễ bị vi rút tấn công. Ở phụ nữ hay bị viêm buồng trứng gây đau bụng và vùng chậu. Khi bị quai bị người bệnh cần điều trị để tránh các biến chứng do vi rút gây ra.
PGS Cường cho biết bệnh quai bị ít biến chứng viêm não hơn. Trong 20 năm làm việc chỉ có 1 ca viêm màng não do quai bị mà tử vong. Nhưng bệnh có biến chứng gây viêm teo tinh hoàn ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người bệnh.
Các biện pháp như đốt quai bị để uống đều không có tác dụng bởi bệnh do vi rút chứ không phải là do nguyên nhân nào nên dân gian thường đốt quai bị lên uống có thể mắc thêm bệnh khác - PGS Cường cho biết.
Khi bị thuỷ đậu hạn chế xà phòng
Đối với bệnh thuỷ đậu, PGS Cường cho biết trong một vài năm trở lại đây thuỷ đậu có xu hướng xảy ra nhiều hơn, rải rác, không thành dịch lớn đặc biệt trong mùa đông xuân.
Từ tháng 10 năm 2016, bệnh nhân đến khám thuỷ đậu khá đông, phòng khám truyền nhiễm, khoa khám bệnh mỗi ngày gặp 3 – 5 ca đến khám, mỗi tháng có 3 – 5 ca vào nằm nội trú do biến chứng thuỷ đậu.
Tác nhân gây bệnh là virus varicella-zoster. Đa số trẻ em đều đã bị thuỷ đậu trước 15 tuổi, nhiều nhất từ 5 đến 9 tuổi, tuy nhiên bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bình thường bệnh thuỷ đậu có thể tự khỏi nhưng vẫn có 1 % gây biến chứng.
Tỷ lệ biến chứng viêm phổi, viêm não đặc biệt bệnh thuỷ đậu trên phụ nữ có thai có thể gây ảnh hưởng đến thai, sảy thai nên khi bị thuỷ đậu ở phụ nữ có thai cần phải theo dõi kỹ.
Bệnh thuỷ đậu chủ yếu bệnh cảnh dễ nhận biết đó là phát ban nốt phỏng trên người, các nốt phỏng thể hiện đa hình thái, bệnh nhân có triệu chứng sốt, người lớn và trẻ em đều như nhau. Nốt phỏng không chăm sóc tốt gây bội nhiễm, nhiễm trùng thành sẹo.
PGS Cường cho biết bệnh lây qua đường hô hấp, triệu chứng điển hình khó nhầm với bệnh khác nhưng người bệnh dễ nhầm bị chẩn đoán nhầm sốt phát ban, dị ứng.
Khi chăm sóc bệnh thuỷ đậu tại nhà rất quan trọng để tránh biến chứng và để lại sẹo, có thể sử dụng các thuốc để bôi ngoài da cho se lại, dùng thuốc kháng vi rút tuỳ theo lứa tuổi, cân nặng. Áp dụng các biện pháp dân gian tắm bằng nước lá, hạn chế dùng xà phòng giữ vệ sinh không để vết loét nhiễm trùng.
PGS Cường cho biết có thể sử dụng cỏ chân vịt để tắm cho bệnh nhân thuỷ đậu rất tốt.
Đối với phụ nữ có thai, khi bị thuỷ đậu cần theo dõi kỹ. Các tài liệu y văn tổng kết cho rằng bị thuỷ đậu có thể gây sảy thai nếu theo dõi tốt thì không vấn đề gì.
Dù có khuyến cáo ảnh hưởng thai như câm điếc bẩm sinh, dị dạng nhưng số liệu này rất ít gặp không nên quá lo lắng. Phụ nữ có thai khi bị thuỷ đậu cũng phải được bác sĩ sản khoa theo dõi sát, không nên phá huỷ thai, khi mắc rubella thì cần trao đổi kỹ với bác sĩ sản khoa.
Phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin thuỷ đậu và vắc xin 3 trong 1 phòng quai bị - rubella – sởi.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.