Truyền thông quốc tế tán dương công tác chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, dù nguồn lực hạn chế nhưng đạt được hiệu quả bất ngờ

Tuy có nguồn lực hạn chế nhưng bằng sự chủ động, quyết liệt trong công tác chống dịch Covid-19, Việt Nam đã khiến cộng đồng quốc tế phải ngạc nhiên và dành nhiều lời khen tặng.

Trích câu hỏi trong bài viết của nhà báo Sean Fleming, đăng tải trên Diễn đàn kinh tế thế giới WEF ngày 30/3: "Làm thế nào để một quốc gia với nguồn lực hạn chế có thể đối mặt với một đại dịch toàn cầu - thứ đã làm quá tải hệ thống y tế của nhiều nước phát triển trên thế giới?"

Thoạt đầu mới nghe, ai cũng sẽ nghĩ rằng Việt Nam, giống như các quốc gia đang phát triển khác sẽ phải chịu sự tàn phá của dịch bệnh. Nhưng, Việt Nam đã chứng minh điều ngược lại, cho cả thế giới thấy một quốc gia có thể làm được những gì, kể cả khi nguồn lực hạn chế.

Bằng việc tập trung vào các biện pháp nằm trong tầm kiểm soát, Việt Nam đã nhận được sự tán dương từ truyền thông quốc tế.

Tờ Financial Times của Anh nói gì về công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam?

Bắt đầu từ cuối tháng 1/2020, trong khi hàng chục triệu người dân Việt đang ăn mừng Tết Nguyên đán thì Chính phủ Việt Nam đã bắt tay vào hành động. Trước nguy cơ lây lan của một căn bệnh lạ đang hoành hành tại biên giới nước láng giềng Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tại một cuộc họp của Chính phủ và tuyên bố chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra, sau này được biết tới với cái tên Covid-19.

"Chống dịch như chống giặc!" - trích lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Truyền thông quốc tế tán dương công tác chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, dù nguồn lực hạn chế nhưng đạt được hiệu quả bất ngờ - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Ngày 1/2/2020, Việt Nam đã bắt đầu tiến hành một loạt các biện pháp ứng phó với sự lây lan của Covid-19. Họ hoãn mọi chuyến bay đến và rời Trung Quốc, quyết định duy trì đóng cửa trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. 2 tuần sau đó, một khu vực cách ly kéo dài 21 ngày được thiết lập tại tỉnh Vĩnh Phúc. Quyết định này được đưa ra sau khi có những lo ngại về tình trạng sức khỏe của lao động hồi hương từ Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi khởi phát dịch bệnh.

Chính từ thời điểm đó, Việt Nam bằng nguồn lực hạn chế đã chứng tỏ cho quốc tế thấy sự quyết tâm của các nhà lãnh đạo cùng với một mô hình chống dịch Covid-19 hiệu quả đến bất ngờ.

Theo tờ Financial Times, thay vì chọn phương án xét nghiệm hàng loạt - điều mà nhiều nước giàu có như Hàn Quốc áp dụng thì Việt Nam chọn giải pháp cách ly người nhiễm bệnh và tiến hành theo dõi các trường hợp có tiếp xúc gần với người bệnh và cả những người tiếp xúc với trường hợp nghi nhiễm.

 

Bên cạnh việc điều tra thông tin, lịch sử di chuyển của những người nhiễm bệnh, Việt Nam còn tiến hành cách ly bắt buộc 14 ngày với những ai nhập cảnh hoặc có tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Huy động các sinh viên ngành y hay là cả y bác sĩ đã về hưu cùng tham gia cuộc chiến chống dịch Covid-19. Đồng thời, các chuyến bay quốc tế cũng bị hủy bỏ.

"Việt Nam là một xã hội được tổ chức với ý chí thống nhất cao." - Giáo sư Carl Thayer - giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales Canberra nói.

"Đây là một quốc gia thống nhất, với lực lượng an ninh công cộng đông đảo, sự nhất quán của Đảng và Nhà nước. Một Chính phủ từ Trung ương đến địa phương có khả năng ứng phó với dịch bệnh." - ông nói thêm.

Những nỗ lực đầy chủ động của Việt Nam đến sau một quá trình 2 thập kỷ, trong đó đất nước đã cải thiện rất lớn về chất lượng cuộc sống của người dân. Hệ thống y tế của đất nước cũng ngày càng tiến bộ, dù vẫn còn rất nhiều chỗ cần cải thiện. Hiện tại tỉ lệ đang là 8 bác sĩ/10.000 người ở Việt Nam. Trong khi đó, Ý và Tây Ban Nha là 41:10.000, Mỹ là 26, còn Trung Quốc là 18.

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF): "Việt Nam là minh chứng cho thấy một quốc gia với nguồn lực hạn chế có thể giải quyết đại dịch Covid-19 tốt như thế nào"

Việt Nam đã thi hành những quyết định nhanh chóng và kịp thời. Họ cũng có văn hóa giám sát rất mạnh, khi mọi người sẵn sàng thông báo nếu phát hiện hàng xóm đang làm gì đó khuất tất. Bất kỳ ai chia sẻ, lan truyền tin tức giả về dịch bệnh sẽ bị mời lên đồn công an.

"Hàng xóm sẽ biết nếu bạn đến từ nước ngoài," - trích lời bác sĩ Truong Huu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - Nội thần kinh, bệnh viên Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh. "Nếu có người nhiễm bệnh trong khu vực, họ sẽ báo chính quyền."

Truyền thông quốc tế tán dương công tác chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, dù nguồn lực hạn chế nhưng đạt được hiệu quả bất ngờ - Ảnh 3.

Ảnh: Reuters

Đây không phải là phương án có thể phù hợp với nhiều quốc gia với thể chế xã hội khác. Dẫu vậy thì dù chỉ có nguồn lực hạn chế, Việt Nam dường như đã đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát.

 

Việt Nam cũng rất quyết liệt trong việc tìm các ca nhiễm và những người tiếp xúc. Cách làm này đã rất hiệu quả khi Việt Nam ứng phó với dịch SARS cách đây 16 năm. Công tác tuyên truyền phòng chống dịch được thực hiện rộng khắp các thành phố và làng xã. Người dân nâng cao ý thức, đeo khẩu trang mọi lúc.

Bộ Y tế thường xuyên gửi tin nhắn SMS để thông tin cho người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa, việc cách ly được thực hiện quyết liệt… Chính phủ tiến hành giám sát rất chặt chẽ nhưng người dân rất đồng tình. Kết quả về bảo vệ con người tại Việt Nam tốt hơn ở Châu Âu và Mỹ.

Ông Kidong Park, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới đã dành lời khen cho Việt Nam vì sự chủ động và nhất quán trong cuộc chiến chống Covid-19.

Báo Đức khen ngợi tinh thần đồng lòng của người dân Việt Nam

Như đã nói ở trên, Việt Nam không có khả năng phát động cuộc chiến chống Covid-19 giống kiểu Hàn Quốc. Để chống dịch, Việt Nam sớm thực hiện các chính sách cách ly nghiêm ngặt và theo dõi toàn bộ những ai có tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

Không đủ tiềm lực trong công nghệ và y học, nhưng Việt Nam lại có được sự hỗ trợ của bộ máy công an và quân đội trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.

Ngoài ra, chiến lược toàn dân kháng chiến từ thời trước cũng được áp dụng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: "Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là pháo đài phòng chống dịch.", điều này như là một lời hiệu triệu, tác động cực lớn đến người dân Việt Nam, những người luôn tự hào về tinh thần tương thân tương ái, đồng lòng sát cánh trong khó khăn, tờ DW của Đức nhận xét.

Truyền thông quốc tế tán dương công tác chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, dù nguồn lực hạn chế nhưng đạt được hiệu quả bất ngờ - Ảnh 5.

Ảnh: Getty Images

Một cuộc khảo sát gần đây của Nielsen Việt Nam, một công ty nghiên cứu thị trường, cho thấy phần lớn số người được hỏi đều có nhận thức cao về các triệu chứng của Covid-19. Ngoài ra, những nỗ lực trong công tác chống dịch của Chính phủ cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân.

Với nỗ lực lan tỏa trách nhiệm cộng đồng, nhiều người Việt đang lan truyền trên mạng xã hội khẩu hiệu: "Ở nhà cũng là yêu nước!".

(Tổng hợp: WEF, Financial Times, DW)

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/truyen-thong-quoc-te-tan-duong-cong-tac-chong-dai-dich-covid-19-cua-viet-nam-du-nguon-luc-han-che-nhung-dat-duoc-hieu-qua-bat-ngo-220206417229876.htm

 

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang