Gần đây, nhiều bậc phụ huynh phẫn nộ trước video ''xin vía'' học giỏi từ búp bê của YouTuber Thơ Nguyễn trên kênh TikTok hơn 900.000 lượt theo dõi của mình. Trong đoạn clip này, Thơ Nguyễn ôm 1 con búp bê ma (búp bê "bùa ngải" Kumanthong ở Thái Lan), tự xưng "mẹ" và gọi búp bê là "con", rồi tỏ vẻ mặt nghiêm trọng có phần hăm dọa, dỗ dành búp bê để xin "vía" học giỏi cho các em học sinh.
Video của Thơ Nguyễn làm dấy lên một làn sóng phản đối và chỉ trích dữ dội. Nhiều người dùng mạng, đặc biệt là các vị phụ huynh, cho rằng nội dung clip của Thơ Nguyễn có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan, không phù hợp với trẻ nhỏ.
Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phải vào cuộc, phối hợp với Cục A03 Bộ Công an để xử lý vụ việc.
Ảnh cắt từ video Thơ Nguyễn "xin vía" học giỏi từ 1 con búp bê
Rộng ra từ câu chuyện của Thơ Nguyễn, trên YouTube có nhiều nội dung phản cảm, và tệ hơn một số nội dung này đang lọt vào YouTube Kids.
Đây là một ứng dụng do Google ra mắt vào năm 2015 có 11 triệu người xem và được cho là chỉ chứa nội dung thân thiện với trẻ em, theo báo Mỹ CNBC. Đương nhiên hàng triệu cha mẹ đã và đang yên tâm rằng nơi này là "an toàn" với con mình, chủ quan mà bỏ qua những rủi ro.
Trong bài phân tích của mình, tờ CNBC liệt kê một số nội dung YouTube không phù hợp với trẻ em: clip các nhân vật hoạt hình múa cột, ngất xỉu, chảy máu mũi, hóa thành ma, nằm mơ ác mộng và hét lên sợ hãi… CNBC gọi những nội dung này là 'mặt tối của YouTube'.
Theo các chuyên gia y tế người Mỹ, những nội dung kiểu này có ảnh hưởng xấu đến não bộ đang phát triển của trẻ nhỏ.
Một video trên YouTube có nhân vật hoạt hình hóa thành ma
Tiến sĩ Giáo dục người Mỹ, Donna Volpitta, nói với CNBC: "Những đứa trẻ liên tục trải qua những cảm xúc căng thẳng và/hoặc sợ hãi có thể bị kém phát triển các phần của vỏ não trước trán và thùy trán, những phần não chịu trách nhiệm điều hành, như đưa ra các lựa chọn có ý thức và lập kế hoạch trước".
Kể từ khi YouTube được thành lập vào năm 2005, sự phổ biến của YouTube với trẻ em đã tăng lên chóng mặt. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cảnh báo rằng YouTube là tác nhân gây lo lắng và hành vi tình dục không phù hợp ở trẻ em dưới 13 tuổi ngày càng gia tăng. Các bậc cha mẹ cũng như các nhà giáo dục cần vào cuộc.
Tiến sĩ Volpitta nói: "Xem các video gây sợ hãi khiến não bộ nhận ít dopamine hơn". Dopamine được sản xuất trong cơ thể để thúc đẩy sự phấn đấu, hoạt động như một cơ chế trao thưởng, tạo ra mong muốn làm điều gì đó lần nữa.
Natasha Daniels, nhà trị liệu tâm lý trẻ em ở bang Arizona (Mỹ), đồng tình với Tiến sĩ Volpitta. "YouTube là vấn đề nóng rất được quan tâm trong các cuộc trị liệu của tôi, điều này cho thấy có vấn đề đang xảy ra" - cô nói.
Trong 5 năm qua, Daniels cho biết cô đã chứng kiến sự gia tăng số trường hợp trẻ em mắc chứng lo âu do các video mà chúng xem trên YouTube gây ra. Những trẻ này có biểu hiện chán ăn, khó ngủ, quấy khóc và sợ hãi.
Kể từ khi YouTube được thành lập vào năm 2005, sự phổ biến của YouTube với trẻ em đã tăng lên chóng mặt.
Daniels cho biết các bậc cha mẹ nên chú ý đến các điều khoản dịch vụ của YouTube, trong đó nêu rõ: "Dịch vụ không dành cho trẻ em dưới 13 tuổi".
"Tôi thấy điều này ảnh hưởng đến trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 12, nhưng những trẻ em nhỏ hơn mới thực sự đáng lo ngại", Daniels nói với CNBC.
Khuyến nghị dành cho phụ huynh về việc hạn chế trẻ em sử dụng phương tiện truyền thông
Trẻ em dưới 18 tháng nên tránh các phương tiện truyền thông có màn hình (trò chuyện qua video là một ngoại lệ).
Trẻ em từ 18 tháng đến 24 tháng chỉ nên xem với cha mẹ, khi cha mẹ chọn nội dung chất lượng cao.
Trẻ em từ 2 đến 5 tuổi chỉ nên xem video chất lượng cao do cha mẹ chọn trong một giờ mỗi ngày.
Trẻ em từ 6 tuổi trở lên nên được giới hạn nhất quán về việc sử dụng phương tiện truyền thông, ưu tiên cho giấc ngủ và các hoạt động hơn là sử dụng phương tiện truyền thông.
Nguồn: Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ
Thay vì xem YouTube hoặc sử dụng các thiết bị điện tử, Tiến sĩ Volpitta khuyến nghị trẻ em nên dành nhiều thời gian hơn để sáng tạo và khám phá.
"Khi một đứa trẻ ra ngoài chơi, chúng đang học cách thất bại, kiên trì, hợp tác, lập chiến lược và giải quyết vấn đề. Bộ não của một đứa trẻ leo lên đồi thành công sẽ nhận được một lượng dopamine và serotonin [chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu] lớn hơn so với đứa trẻ ngồi trước màn hình. Điều này giúp một đứa trẻ học cách chuẩn bị và hướng tới các mục tiêu dài hạn", Volpitta nói.
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.