Những tuần cuối cùng của năm 2020, cộng đồng dấy lên nỗi lo ngại về hiệu quả của vaccine khi biến thể virus SARS-CoV-2 mới ở Anh được báo cáo. Các chuyên gia chưa công bố kết quả nghiên cứu cụ thể nhưng đã lên tiếng cho rằng vaccine vẫn có hiệu quả với biến thể mới này.
Trong tuần đầu tiên của năm 2021, mối lo lắng lại được chuyển sang biến thể mới ở Nam Phi. Ngoài ra, còn một biến thể ở Nigeria cũng được đề cập song song với biến thể ở Anh và Nam Phi (xin phép không bàn tới trong bài viết này).
Virus biến thể. Nguồn: Getty
Còn nhớ vào khoảng tháng 4 - tháng 5 năm 2020, câu chuyện tương tự cũng xảy ra với đột biến D614G trên virus SARS-CoV-2, chiếm áp đảo số ca bệnh ở châu Âu và Mỹ. Chỉ sau đó ít ngày, nỗi sợ hãi đã được đánh tan sau khi nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy đột biến D614G không làm thay đổi hiệu quả nhận diện virus của kháng thể.
Giữa nỗi lo sợ dễ hiểu của cộng đồng và những thông tin quan trọng cần được cập nhật, "Cần đạt được cân bằng giữa hai việc" - Giáo sư Ravi Gupta tại đại học Cambridge ở Anh và cũng là giáo sư danh dự tại đại học KwaZulu-Natal ở Nam Phi lên tiếng.
Biến thể mới ở Nam Phi có gì đáng chú ý?
Có hơn 13 biến thể mới ở Nam Phi đã được phát hiện trong các nghiên cứu được thực hiện ở đất nước này, nhưng biến thể (variant) mới 501.V2 nhận được nhiều sự quan tâm hơn do có nhiều đột biến ở vùng protein gai hơn. Nó được báo cáo trong cùng khoảng thời gian với biến thể mới VUI 202012/1 ở Anh. Sự khác nhau của hai virus này là biến thể ở Nam Phi có thêm một đột biến trong vùng RBD của tế bào gai có chức năng nhận diện thụ thể ACE2 ở người (3 đột biến so với 2 đột biến ở Anh).
Ảnh: Các nhà nghiên cứu Nam Phi cho biết một biến thể coronavirus mới với cùng một đột biến có thể đã làm cho một biến thể ở Anh dễ lây lan hơn. Ảnh: Một người chăm sóc và bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện gần Cape Town. Nguồn: RODGER BOSCH / AGENCE FRANCE-PRESSE / GETTY IMAGES
Cả hai biến thể nói trên đều tạo ra lượng virus cao hơn trong cơ thể người bệnh, vì vậy được giả thuyết là có khả năng lây lan mạnh hơn (dù chưa có nghiên cứu chứng minh điều này). Biến thể mới ở Anh tạo ra nhiều hơn 70% virus so với virus SARS-CoV-2 cũ.
Tuy nhiên, cả hai biến thể đều được cho là không thay đổi cách thức truyền bệnh cũng như không gây bệnh nghiêm trọng hơn. Vì vậy các biện pháp đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn được khuyến khích thực hành và vẫn sẽ có hiệu quả giảm lây lan bệnh COVID-19.
Biến thể mới ở Nam Phi có đáng lo ngại?
Vùng RBD là vùng chịu trách nhiệm tương tác với tế bào vật chủ. Do vậy, khi có đột biến mới xuất hiện trong vùng RBD, các nhà khoa học luôn thận trọng và quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, không có nghĩa là bất kỳ đột biến nào trong vùng này cũng khiến virus "trốn" thoát hoàn toàn được sự nhận diện của kháng thể.
Ví dụ, vaccine hiện nay đã được cho là vẫn nhận diện được biến thể ở Anh dù biến thể này cũng có đột biến trong vùng RBD.
Tác giả: TS. Nguyễn Quốc Thục Phương, Chuyên gia nghiên cứu Đáp ứng miễn dịch tại Đại học Rochester, New York, Trưởng Dự án Thực phẩm Cộng đồng.
Khi nghiên cứu riêng lẻ từng đột biến, các nhà khoa học phát hiện thấy đột biến khác biệt duy nhất giữa biến thể ở Nam Phi và ở Anh khiến virus bám vào thụ thể ở người ACE2 tốt hơn, và khả năng nhận diện của kháng thể giảm đi.
Xin lưu ý là khả năng nhận diện của kháng thể chỉ giảm đi chứ không biến mất hoàn toàn.
Một cách thận trọng, các nhà khoa học cho rằng biến thể ở Nam Phi vẫn còn là một dấu hỏi lớn cho tới khi có thêm nhiều kết quả nghiên cứu cụ thể.
Tuy nhiên, giới khoa học cũng đồng thuận rằng dù khả năng nhận diện virus của kháng thể tạo bởi vaccine có giảm đi, thì hiệu quả của vaccine chỉ giảm đi so với kết quả thử nghiệm lâm sàng chứ không hoàn toàn biến mất.
Đích nhắm đến của vaccine là tế bào gai. Đó là một protein rất to, chứa hơn 1.200 axit amin. Mỗi kháng thể chỉ nhận diện một phần nhỏ của tế bào gai này. Cho nên đột biến ở một vị trí khó lòng làm vô hiệu hóa tất cả kháng thể.
Hơn nữa, vaccine mRNA của hai công ty Pfizer và Moderna vừa được Mỹ phê duyệt cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp có hiệu quả 90%-95%, cao hơn so với mục tiêu 60%-70% đặt ra ban đầu. Vaccine cúm mùa hàng năm có hiệu quả trung bình 20%-60%. Như vậy, chúng ta có thể hi vọng rằng dù hiệu quả của vaccine có giảm thì vẫn còn tác dụng bảo vệ, nhất là khi tỉ lệ tiêm chủng có thể đạt đến 100%.
Một điều đáng lạc quan khác là với công nghệ sản xuất vaccine mRNA và một vài vaccine COVID-19 khác, các nhà sản xuất vaccine có thể nhanh chóng thay đổi trình tự gien được mã hóa trong vaccine, nếu thật sự có chủng SARS-CoV-2 mới xuất hiện.
Vòng lặp của nỗi sợ hãi
Như được liệt kê trong bài, bạn đọc có thể dễ dàng nhận ra vòng lặp của nỗi sợ hãi về biến thể virus mới từ khi bắt đầu đại dịch. Ở thái cực ngược với nỗi sợ hãi là thái độ xem thường mức độ nghiêm trọng của đại dịch, cho dù đã có đến 86,5 triệu người mắc bệnh và 1,87 triệu người tử vong trên toàn thế giới (theo ghi nhận đến ngày 06/01/2021).
Chúng ta cần hiểu rằng nhiệm vụ của các nhà khoa học là đưa ra những vấn đề cần lưu tâm và đáng theo dõi hoặc nghiên cứu sâu hơn để có thể đối phó kịp thời và hiệu quả.
Giữ khoảng cách, đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần và rửa sạch tay trước khi chạm vào mắt, mũi, miệng vẫn là biện pháp hiệu quả và rẻ tiền để ngăn chặn đại dịch lây lan.
Tuy nhiên, không phải vấn đề khoa học nào cũng có ảnh hưởng rộng rãi đến cộng đồng. Đôi khi những phát hiện chỉ có ý nghĩa đột phá trong khoa học mà không làm thay đổi ý nghĩa của nó đối với cộng đồng. Hoặc cũng có những vấn đề sẽ được kết luận là không mang ý nghĩa gì đặc biệt sau khi đã được tìm hiểu một cách chi tiết và hệ thống.
Ngoài ra, cũng như bất kỳ ngành nghề nào khác, các nhà khoa học có các mức kinh nghiệm khác nhau trong những lĩnh vực khác nhau. Phát biểu của các nhà khoa học trái ngành đôi khi chưa thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa của nó, vì vậy dễ dàng bị thổi phồng lên khi lưu truyền trên mạng xã hội.
Xin kết luận như sau, và mong bạn đọc sẽ hiểu hơn để có thái độ đúng đắn trong cuộc sống giữa đại dịch còn kéo dài này:
Trong những tháng sắp tới của năm 2021, có lẽ các biến thể mới của virus có lẽ sẽ còn được tiếp tục báo cáo. Các nhà khoa học vẫn đang gấp rút kiểm tra hiệu quả của các vaccine hiện nay đối với các biến thể mới này. Cho đến nay, kết quả sơ bộ cho thấy biến thể mới ở Anh vẫn sẽ bị kháng thể do vaccine tạo ra nhận diện, tức là vaccine vẫn có hiệu quả với biến thể virus này.
Biến thể ở Nam Phi hiện vẫn còn là một dấu hỏi, với sự thận trọng thường gặp của các nhà khoa học. Tuy nhiên, không nên quá sợ hãi cũng như không quá chủ quan. Việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội là cần thiết và hiệu quả.
Dự án "Thực phẩm Cộng đồng" (https://thucphamcongdong.vn/) cung cấp kiến thức khoa học thường thức, chính xác, khách quan và đáng tin cậy về thực phẩm, dinh dưỡng và sức khoẻ cho người Việt với mong muốn lan tỏa tri thức, chung tay vì sức khỏe cộng đồng. Hệ thống kiến thức của Dự án được tổng hợp, biên phiên dịch và cập nhật thường xuyên từ nguồn thông tin khoa học uy tín, chuẩn xác bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước đang làm việc trong lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm và các ngành liên quan.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/ts-nguyen-quoc-thuc-phuong-giai-ma-bien-the-covid-19-moi-khien-the-gioi-roi-vao-vong-lap-cua-noi-so-hai-161211101074549783.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.