Năm 18 tuổi, có học bổng đi du học, Hoàng Bùi Lan Hương (SN 2000) mang theo bao hoài bão, ước mơ của bản thân và kỳ vọng của gia đình, đặt chân đến Nhật Bản. Năm 19 tuổi, Hương "phát hiện" mẹ của mình bị mắc bệnh ung thư vú. Ngay sau đó, cô đã quyết định bỏ lại tất cả những hoài bão, ước mơ năm 18 tuổi ở Nhật và quay trở về Việt Nam đồng hành cùng mẹ chiến đấu với căn bệnh ung thư vú.
Năm 20 tuổi, Lan Hương quyết định "làm lại từ đầu", tiếp tục viết tiếp những ước mơ, hoài bão còn dang dở năm 18. Hương thi lại Đại học và trở thành thủ khoa toàn quốc khối D06 năm 2020 và Thủ khoa trường Đại học Ngoại Thương cơ sở II, TP HCM năm 2020. Không chỉ vậy, cô còn thành thạo 4 ngôn ngữ: Anh (Ielts 8.0), Nhật (JLPT N2), Trung (HSK2). Năm 21 tuổi, Lan Hương đều đặn hiến máu, hiến tóc, ngoài ra cô còn hiến tạng.
Lan Hương hiện đang là sinh viên năm 3, chuyên ngành Quản lý chuỗi cung ứng tại trường Đại học Ngoại Thương cơ sở II tại TP.HCM.
Về với mẹ là quyết định tốt nhất
Miệt mài chuẩn bị trong suốt những năm cấp 3, Lan Hương dành học bổng 50% cho 4 năm học tại trường đại học International Pacific University - Japan. Cô mang theo nhiều hoài bão của tuổi trẻ, niềm hy vọng của gia đình đến Nhật Bản năm 18 tuổi. Đi du học được một năm, Hương biết tin mẹ mình bị ung thư vú, cô quyết định gác lại giấc mơ du học ở Nhật và quay trở về Việt Nam đồng hành cùng mẹ.
"Mẹ phát hiện bệnh và âm thầm đi chữa bệnh, cố giấu mình để mình không phải lo nhưng vào thời điểm đó, mặc dù ở xa nhưng lòng mình cứ cồn cào và bất an, linh tính mách bảo rằng có chuyện gì đó không lành. Khi mình phát hiện ra thì thế giới xung quanh mình như sụp đổ. Đối với người con đi học xa nhà, có bất kỳ vấn đề gì xảy ra với nhà mình chính là ác mộng lớn nhất", Lan Hương tâm sự,
Hương là con cả trong một gia đình có 3 chị em. Khi mẹ cô đi chữa trị thì em trai út phải gửi đến nhà người thân để nhờ chăm sóc. Ở Nhật Bản, dù có nhận được học bổng nhưng khi đó Hương vẫn chưa thể tự lo hoàn toàn cho bản thân nên tiền sinh hoạt, tiền học phí với gia đình cô cũng là một gánh nặng lớn.
"Giữa lúc rối ren như vậy, mình ở Nhật và gia đình ở Việt Nam, trong đầu mình chỉ có 1 suy nghĩ là phải quay trở về. Mình nghĩ, giấc mơ, hoài bão, mình còn thể chờ thêm 1 vài năm nữa, nhưng tình cảnh mẹ mình, tình cảnh nhà mình thì không thể chờ và quay trở về ngay. Lúc ấy, giữa gia đình và hoài bão của bản thân bắt buộc bạn phải chọn 1 thì mình luôn tin lựa chọn gia đình. Về với mẹ, về nhà là lựa chọn tốt nhất, những điều khác sẽ theo sau chỉ cần mình có đủ sự kiên trì", Lan Hương nói.
Hương mất ngủ 3 tháng khi đưa ra quyết định này. Cô nàng biết rõ rằng quyết định này sẽ ảnh hưởng đến con đường tương lai của mình như thế nào nhưng trong đầu cô lúc đó chỉ có 1 suy nghĩ: "Mình đã xác định bắt tay vào con đường chiến đấu với căn bệnh K (ung thư) này cùng mẹ, mình phải tìm hiểu mọi thông tin cho hành trình này từ đầu, về chuẩn bị kiến thức, tâm lý cho người thân bệnh nhân để có thể trở về cùng mẹ trên hành trình này. Đồng thời, mình cũng bắt đầu tìm cho bản thân một hướng đi khác".
Khi Lan Hương đưa ra quyết định quay trở về, cả bố mẹ và người thân, bạn bè đều phản đối. "Mình cũng hiểu rằng, với quan điểm của người lớn, để được có thể đi du học ở 1 nước tiên tiến như Nhật là một cơ hội lớn, một cơ hội để đổi đời, rất nhiều người muốn còn không thể đi được, không ai lại đi một bước lùi ngược lại hoàn toàn như mình cả, nhưng minh chấp nhận lùi một bước nhỏ để tiến những bước xa hơn, vững chắc hơn.
Ở thời điểm đó, mẹ cũng bảo rằng con học hành, sống ổn định bên đó đã là nguồn động lực lớn lao của mẹ rồi. Mẹ cũng là người giận nhất và là người phiền lòng nhất đối với quyết định này của mình", Hương bộc bạch.
Đồng hành cùng "chiến binh mẹ" thành công vượt ải bệnh ung thư vú là thành tựu lớn trong đời
Thời gian đầu khi quay trở về Việt Nam là khoảng thời gian khó khăn với Hương. Nhẹ nhõm, rối bời, lo lắng... là những cảm xúc đan xen lẫn lộn trong cô ở khoảng thời gian đó. Hương thấy nhẹ nhõm bởi cô đã trở về và trực tiếp có mặt và đồng hành giữa thời điểm mẹ, gia đình cần cô nhất. Đồng thời, cô cũng lo lắng, trăn trở rằng sắp tới mọi thứ sẽ ra sao.
"Con đường nào dành cho mình sắp tới đây? Liệu rằng quyết định trở về đây cùng mẹ là có thật sự giúp mẹ hay chỉ mang thêm gánh nặng cho cả gia đình thôi", Lan Hương nói.
Đối mặt với nhiều áp lực bủa vây từ mọi thứ xung quay như vậy, Lan Hương chọn cách từ từ giải quyết từng vấn đề một. Hương tâm sự: "Với tình hình của mẹ, mình có tâm sự với mẹ rằng bây giờ cả nhà, có cả con nữa cùng về đây, mẹ hãy vững tâm chữa trị. Còn đối với vấn đề con đường của mình, mình sẽ tận dụng thời gian trong lúc cùng mẹ chữa trị đó để nghiên cứu về con đường tiếp theo của bản thân luôn".
Về nước, ngoài việc đồng hành cùng mẹ đi chữa bệnh, Lan Hương cũng tìm cho mình việc làm thêm. Từng có 2 năm học tiếng Nhật và 1 năm du học ở Nhật, "vốn tài sản" lớn nhất mà Hương có được là khả năng ngoại ngữ. Cô đăng ký dạy tiếng Nhật online để vừa tận dụng được vốn ngoại nữa, vừa linh động được thời gian vào viện với mẹ vẫn có thể dạy được. Đồng thời, cô nàng cũng vạch ra được những bước đi trên con đường tiếp theo mà có thể tận dụng triệt để, tối đa "vốn tài sản" mình có trong tay.
Đến bây giờ nhìn lại, Hương dùng 2 chữ "tự hào" để nói về hành trình chiến đấu với bệnh ung thư cùng mẹ của cả gia đình mình. Cô cho rằng, chiến đấu với ung thư là cuộc chiến của không chỉ cần sức mạnh về tài chính và còn về sức mạnh tinh thần.
"Mình sẽ không nhắc đến khó khăn, thay vào đó mình muốn nói đến những điều kỳ diệu mà gia đình nhận mình nhận được trong suốt quá trình chữa trị. Đó là sự kết nối, sẻ chia của những chiến binh K, những người bệnh khác. Đi cùng mẹ, mình được biết, được nghe về những câu chuyện của mọi người cũng kiên cường và kì diệu không kém.
Vì mọi người cùng trải qua quá trình điều trị với nhau nên gặp nhau mỗi ngày và chính sự chia sẻ đó mà trong suốt quãng thời gian đó, mẹ mình như có thêm 1 gia đình thứ hai - nơi mà mọi người sẻ chia đến từng bó rau, từng bữa ăn một, người nào khỏe hơn thì sẽ nấu ăn và chăm sóc cho người yếu hơn", Lan Hương nói.
"Mình nhớ mãi có 1 cậu bé mắc bệnh K Xương với niềm đam mê cháy bỏng với ca hát như thế nào, em ý khoe với mình về giọng hát được chú ca sĩ nổi tiếng khen là rất hay, rằng chỉ chờ bệnh khỏi thôi thì em ý sẽ tiếp tục thi cuộc thi ca hát còn đang dang dở. Thật sự mình nghĩ và rất biết ơn rằng chính nguồn động viên tinh thần to lớn ấy từ những bệnh nhân khác là nguồn động viên tinh thần to lớn của của mẹ".
Đi mượn 40 triệu để ôn thi lại Đại học và cú đúp thủ khoa
Khi mẹ của Lan Hương đã bước qua giai đoạn chữa trị cũng là lúc cô tập trung suy nghĩ, lên kế hoạch và chiến lược để quay trở lại với con đường chinh phục những ước mơ, hoài bão của mình. Hương quyết định ôn thi, thi lại đại học. Mục tiêu duy nhất của cô lúc này là trường Đại học Ngoại Thương. Hương lập kế hoạch học, ôn và chọn khối thi làm sao khả năng đỗ vào Ngoại Thương là cao nhất. Bên cạnh đó để sự dụng hiệu quả nhất về thời gian, Hương vẫn nhận dạy tiếng Nhật online và học thêm cả chứng chỉ IELTS để tạo thêm lợi thế về cạnh tranh.
"Thật sự thì trải nghiệm khi cùng mẹ chữa trị đã luyện cho mình sức bền và suy nghĩ chỉ cần mình có sự kiên trì thì bất kì mục tiêu, mơ ước nào cũng sẽ đạt được. Vì vậy khi quay trở lại với con đường của riêng mình thì mức độ tập trung và sự quyết tâm của mình rất cao", Hương nói.
Lúc này, Hương lại gặp khó khăn về vấn đề tài chính. Cô quyết định mượn một người anh họ số tiền là 40 triệu để đầu tư cho việc học của mình và với lời nhắn "đỗ được Ngoại Thương xong em nhất định kiếm tiền trả lại anh". Đến giờ, cô vẫn vô cùng biết ơn vì số tiền ấy. Thi lại đại học, Hương đạt được cú đúp thủ khoa, trở thành Thủ khoa đầu vào của trường Đại học Ngoại Thương cơ sở II và Thủ khoa khối D06 toàn quốc.
"Nhận tin đỗ thủ khoa, mình khoe ngay với mẹ, như một món quà tinh thần dành tặng mẹ vì mẹ đã là chiến binh quật cường, chiến thắng trong trận chiến với ung thư vú vừa qua. Phần thưởng thủ khoa cũng được mình chia làm nhiều phần, trong số đó có 1 phần mình gửi vào Tổ chức Sáng Kiến Ung Thư Muối và 1 phần nữa gửi lại về Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam", Lan Hương chia sẻ.
Hiến máu, hiến tóc, hiến tạng là cách để mình cho đi nhiều hơn
Trong quá trình đồng hành với mẹ chiến đấu với căn bệnh ung thư vú, Lan Hương tình cờ biết đến website Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam, cô tìm được rất nhiều thông tin chi tiết về bệnh từ mạng lưới. Cảm thấy khâm phục trước sự tâm huyết của đội ngũ điều hành, Hương quyết định nộp đơn xin làm Tình nguyện viên để góp sức mình vào những hoạt động ý nghĩa của Mạng lưới. Cô muốn truyền nguồn cảm hứng, nguồn năng lực tích cực đến mẹ và những người mắc bệnh giống mẹ mình.
"Mình nghĩ rằng trước đây mình là một người trẻ vô tâm, mình chỉ quan tâm làm thế nào để tốt nhất cho bản thân, chỉ biết nhận mà chưa thực sự "cho đi". Nhưng chính từ sau trải nghiệm này, mình là một người được "nhận" rất nhiều.
Với góc nhìn của chính người nhà của bệnh nhân ung thư thì mình thấy sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau từ chính những bệnh nhân ung thư thực sự là một nguồn sức mạnh về tinh thần to lớn. Mình rất biết ơn về điều đó. Từ trải nghiệm đó, mình đặt câu hỏi cho bản thân, mình được nhận rất nhiều vậy làm sao để cho đi nhiều hơn".
Để cho đi nhiều hơn, Lan Hương đi đến quyết định rằng bất cứ bộ phận cơ trên cơ thể của mình có thể hiến được thì cô sẽ hiến và Hương đăng kí trở thành người Hiến tạng ở tuổi 21. Cô cho biết, trong tay thẻ hiến tạng, chứng nhận hiến máu và hiến tóc chính là động lực chăm sóc sức khỏe, cơ thể, nâng niu cơ thể mình hơn để tất cả các bộ phận trong cơ thể được khỏe mạnh.
"Có một điều mình muốn gửi đến các chiến binh đang chiến đấu với bệnh ung thư rằng, họ chưa bao giờ phải chiến đấu với ung thư một mình mà luôn có sự ủng hộ, đồng hành và quan tâm chăm sóc của mọi người xung quanh. Ung thư chưa bao giờ đồng nghĩa với 2 chữ kết thúc", Lan Hương chia sẻ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.