Từ chối đòi hỏi của trẻ như thế nào?

(lamchame.vn) - Việc từ chối trẻ với người lớn tưởng chừng như rất dễ với câu nói "Không". Nhưng liệu đây có phải là cách từ chối trẻ mà người lớn nên áp dụng?

Có rất nhiều cách thay thế để người lớn không phải nói "Không" trước những đòi hỏi của trẻ, cùng tham khảo một số gợi ý sau:

Gợi ý những việc làm thay thế

Thay vì nói "Không", bạn nên nói rõ ràng trẻ có thể làm gì để thay thế. Trẻ thường nghe theo gợi ý của bạn về những việc nên làm và không thích bạn nói về việc không nên làm. Khi bạn không có thời gian để giải thích nguyên nhân (trong các tình huống nguy hiểm), bạn có thể cảnh cáo trực tiếp như "Dừng lại!" "Nguy hiểm!" thay vì nói "Không".

tu-choi-doi-hoi-cua-tre.jpg

Đưa ra lời giải thích ngắn gọn

Lời giải thích ngắn gọn sau khi từ chối sẽ giúp trẻ hiểu vấn đề. Hãy cố gắng dùng cách giải thích dễ hiểu nhất với con, tránh từ ngữ dài dòng. Ví dụ khi con đòi đi bơi, bạn từ chối và nói rằng không có áo phao con sẽ bị chìm. Khi trẻ hiểu ra vấn đề hoặc những nguy hiểm tiềm ẩn, những lần sau khi bạn không có mặt ở đó, trẻ cũng ý thức tránh xa để không gặp rủi ro.

Dùng lời nói thay vì dùng tay

Đây là một cách nói khôn khéo để tránh mắng trẻ rằng: “Con không được đánh em”. Khả năng nhận thức của một đứa trẻ về hành động đánh người khác là rất hạn chế. Bạn cần phải dừng hành động đó của trẻ lại ngay lập tức và sau đó bình tĩnh nói với con rằng: “Chúng ta không được đánh nhau khi chúng ta đang tức giận. Chúng ta dùng lời nói chứ không dùng tay”. Trong nhiều trường hợp, trẻ làm như vậy để thể hiện sự thất vọng hay muốn thu hút sự chú ý của người khác. Vì vậy bạn hãy giúp trẻ bình tĩnh lại khi chúng tỏ ra tức giận hoặc hỏi trẻ xem chúng muốn làm gì khi chúng cảm thấy không vui. Điều này sẽ giúp trẻ xác định được cảm xúc của mình trong bất kỳ tình huống nào và khi đã xác định được cảm xúc, bạn hãy hướng dẫn trẻ cách giải quyết vấn đề một cách hợp lý.

Trẻ cần biết đâu là đồ chơi

Con bạn lúc nào cũng muốn giữ chiếc Iphone của bạn mỗi khi nó đổ chuông nhưng đó không phải là một thứ đồ chơi. Vậy làm thế nào để bạn có thể lấy được điện thoại mà không cần phải quát mắng chúng? Hãy đưa cho trẻ một thứ đồ chơi nào đó thay vì giằng lấy chiếc điện thoại. Đối với trẻ, việc thay thế một hành động sẽ dễ dàng hơn việc dừng lại hành động đó. Nếu bạn không mang theo đồ chơi, bạn có thể đưa cho trẻ một vật gì đó an toàn và không ăn được. Điều này sẽ tránh được một cuộc “xung đột” hoặc không gây nguy hiểm gì đối với trẻ.

Kiên định

Cho dù trẻ có năn nỉ hay ăn vạ, bạn cũng không nên nhượng bộ. Thay đổi câu trả lời từ "không" thành "có" chỉ khiến lời nói của bạn không nhiều ý nghĩa đối với trẻ. Đòi được một lần thì sẽ có những lần sau, trẻ biết bạn có thể nhượng bộ.

Ngay cả khi trẻ nói những câu như "Nhưng tất cả bạn bè của con đều có" hoặc "Bố mẹ thật vô lý, con ghét bố mẹ", hãy trả lời "Bố mẹ yêu con, nhưng đó là quy tắc" và ngừng cuộc tranh cãi.

Tạo môi trường an toàn

Bất cứ khi nào có thể, bạn cố gắng tránh các tình huống mà bạn phải nói "Không" với trẻ. Tất nhiên, bạn không thể loại bỏ tất cả các tình huống mà phải ngăn cản trẻ, nhưng cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn cho cả bạn và trẻ. Bạn sẽ dễ dàng nói "Có" thường xuyên hơn nếu như bạn giới hạn các tình huống.

Hãy luôn nhắc nhở mình, bạn vẫn thường xuyên nói "Có"

Luôn từ chối các yêu cầu của con không phải là việc làm tốt và được khuyến khích. Điều quan trọng là bạn cho phép con làm và giải thích lợi ích của việc đó.

Việc nói "có" sẽ khiến bạn vất vả hơn khi phải giám sát và trông chừng trẻ, đôi khi là tốn nhiều tiền để mua món đồ chơi trẻ muốn. Nhưng một đứa trẻ luôn cần được trao cơ hội để khám phá và trải nghiệm cái mới. Phụ huynh không nên quá nghiêm khắc mà khiến con không được sống đúng với lứa tuổi.

Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang